Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:27 (GMT +7)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha: "Tôi đã chụp bộ ảnh hồ sơ Vịnh Hạ Long trình UNESCO như thế..."
Chủ nhật, 11/02/2024 | 08:49:31 [GMT +7] A A
Năm 1992, vào một ngày cuối năm, anh Nguyễn Thanh Sĩ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, tìm gặp tôi bảo: "Sở Văn hóa - Thông tin được tỉnh và Bộ Văn hóa- Thông tin giao chuẩn bị hồ sơ về Vịnh Hạ Long trình UNESCO xét công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới. Hồ sơ gồm hai phần: Phần văn bản Sở lo còn phần hai là hình ảnh Vịnh Hạ Long. Được biết anh có được một số ảnh Vịnh Hạ Long khá tốt nên chúng tôi nhờ anh". Nghe anh Thanh Sĩ nói, tôi yên tâm về câu nói đó, dù ở báo, tôi là phóng viên chuyên viết tin, bài chứ không phải chuyên về ảnh.
Tôi sinh ra ở Bãi Cháy, lớn lên và trưởng thành trên đất Hạ Long này nên sự tiếp xúc với cảnh sắc và con người nơi đây trở thành niềm đam mê và ý thức trách nhiệm. Nghề làm báo còn cho tôi cơ hội để đi đến tận những nơi mình khao khát chiêm ngưỡng và sáng tác. Vịnh Hạ Long chính là điểm đến ghi dấu ấn trong tôi và thôi thúc tôi làm việc.
Nhưng thời ấy, những năm 60-70-80 của thế kỷ trước, do những biến thiên của thời cuộc, Vịnh Hạ Long vẫn như một nàng tiên, một con rồng đang say ngủ, mặc dù trước đó hàng mấy trăm năm Nguyễn Trãi qua đây đã phải thốt lên: "Trời bày, đất dựng, một kỳ quan...", và người Pháp khi xâm chiếm nước ta, trở về đã viết cho cả thế giới biết "Vịnh Hạ Long có thể nói là đẹp nhất thế giới". Hiểu ra được những điều to lớn ấy là tình yêu và ý thức được nhân lên. Trách nhiệm được nhân lên.
Nhưng từ chỗ hiểu, từ ý thức đến hành động là muôn vàn khó khăn. Tôi vốn chỉ là một phóng viên viết, ít có cơ hội cầm máy ảnh. Bây giờ ít ai hiểu được thời của tôi là một ước mơ khó thực hiện thế nào. Tôi phải đi mượn máy, dè sẻn tiền mua phim, mua giấy (thậm chí máy ảnh thời ấy gần như là vật "quốc cấm") để lân la bờ sông, bến bãi, núi cao mà chụp. Chụp rồi phim để đấy, chứ báo nào có đăng, có khi để mất, để hỏng phim là chuyện thường, vì lúc đó gần như ảnh phong cảnh là vật... không có giá trị.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1980 gì đó, Báo Quảng Ninh cần có một ảnh cho trang bìa báo Tết. Anh Nguyễn Viết Khai, Tổng Biên tập và tôi lên tận Hà Nội tìm mua ảnh. Phải nhờ anh Doãn Minh là phóng viên cũ của Báo Quảng Ninh lúc ấy là Giám đốc Công ty in Liksin giới thiệu đến một cơ quan nổi tiếng về ảnh du lịch để tìm mua một ảnh Vịnh Hạ Long màu. Cán bộ phòng nghiệp vụ ra giá những mấy trăm ngàn đồng cho mỗi phim. Tìm mãi mới chọn được ảnh hòn Trống Mái. Tôi ngắm nghía tấm ảnh: Chiếc thuyền đè lên cả hai hòn núi đá đẹp nổi tiếng. Tôi nói nhỏ với đồng chí Tổng Biên tập: Anh kiếm cớ từ chối đi, cảnh này chúng ta làm được. Anh Khai băn khoăn nhưng vẫn lo. Trở về, anh liên hệ với Tỉnh Đoàn hỗ trợ cho mượn chiếc thuyền máy, cùng dăm ba anh chị em cơ quan bên đó làm người mẫu. Thế là "tác phẩm" được tôi hoàn thành, mà lại đẹp hơn bức ảnh có giá cao ngất trời kia.
Niềm tin nhen nhóm trong tôi. Tôi say mê chụp ảnh Vịnh Hạ Long nhiều hơn. Dốc lương, dốc… "kinh tế phụ" vào nghiệp ảnh. Năm 1994, tôi được Sở Văn hóa - Thông tin mời tham gia nhóm làm hồ sơ về Vịnh Hạ Long trình chiếu để UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới.
Tôi được phân công thực hiện các tác phẩm ảnh. Thời ấy, Vịnh Hạ Long còn khá hoang sơ, phải leo trèo vào hang trong điều kiện thời tiết xấu, trơn, trượt vì chưa có lối đi. Tôi được giao 5 cuộn phim dương bản, hiếm và đắt gấp 5 lần phim âm bản. Ngày đầu tôi chụp gần hết phim, tối về tôi phát hoảng, phải bỏ tiền túi tìm mua thêm gần chục cuộn nữa cùng với ống kính chụp xa mua chịu. Sau một tuần làm việc cật lực, tôi hoàn thành bộ ảnh, lại phải cùng anh Nguyễn Công Thái, cán bộ của Sở Văn hóa - Thông tin (sau là Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long) lên Hà Nội thuê tráng. Họ làm hỏng mất 3 cuộn. Còn lại chọn được 160 kiểu, lồng vào khung, đưa đến Bộ Văn hóa - Thông tin nộp để kịp trình chiếu ngay trong ngày UNESCO xét duyệt.
Thật ra, đến tận bây giờ tôi cũng chẳng nhớ là trong một cuộc gặp nào, anh Thanh Sí nói đầy đủ ngôn từ và ý nghĩa đó không, nhưng cứ nghe nói chụp ảnh Vịnh Hạ Long mà lại làm hồ sơ về Vịnh Hạ Long là tôi thích rồi. Tôi nhận lời. Lúc đó trong tay tôi có chiếc máy ảnh Canon ống kính trung bình, do Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Quang Trung cho mua cùng với nghệ sĩ Tô Minh Bình. Chúng tôi lên một chiếc tàu du lịch hạng nhỏ cùng với 8 cuộn phim dương bản anh Sĩ đưa cho. Tàu khởi hành ra vịnh trong một buổi sớm mưa phùn bay bay. Hạ Long mờ mịt. Cầm số phim ít ỏi trong tay, trời xấu, tôi chưa chụp phim dương bản bao giờ, lại nghe nói loại phim này khó chụp lắm. Chụp nó phải có máy ảnh loại tốt, đắt tiền, phải có kinh nghiệm chụp, lại phải có máy đo sáng vì chỉ đặt sai một khẩu độ là phải bỏ đi, đấy là chưa nói khâu tráng phim cũng vô cùng phiền phức, vì thời ấy chưa mấy ai chụp phim dương bản, nên cũng chưa có mấy cơ sở ở Hà Nội in tráng phim này.
Tàu chở chúng tôi đến các hòn núi đá nổi tiếng của vịnh. Tôi cố gắng để không sai số độ mở ống kính và tốc độ. Ngày đầu đi chưa được bao nhiêu, tôi đã “bắn” tới 3 cuộn phim. Tối về tôi lo lắng: Chỉ còn 5 cuộn, chắc không thể đủ. Tôi không dám đề xuất với anh Thanh Sĩ mua thêm. Tôi tìm đến các cửa hàng ảnh, may mắn là còn mua... chịu được 7 cuộn nữa, giá mỗi cuộn 85.000 đồng. Máy ảnh của tôi chỉ có một ống kính trung bình, cứ phải tiến và lùi xa rất phiền phức, thậm chí có những cảnh không thể tiến gần, đành bỏ phí. Tôi chợt thấy trong tủ kính ở cửa hàng ảnh Photo Lab của Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh có chiếc ống kính tele chụp xa. Được biết của anh Trinh thợ máy Lab, tôi hỏi, anh đồng ý bán, nhưng không có tiền, tôi lại gạ gẫm mua chịu.
Ngày hôm sau và những hôm sau nữa, suốt một tuần hết lênh đênh trên Vịnh Hạ Long, leo trèo lên các hang động trơn ướt, phải bám cây, bám rễ mà leo, phải lách mình trong các hẻm núi chật hẹp và ẩm thấp, nước mưa chảy róc rách trên đầu, trên cổ. Trong hang tối om. Không có chân máy, tôi phải kê máy trên đá mà chụp. Lên bờ, tôi lại tìm đến các làng chài Lán Bè, Cột Năm chụp các cảnh thuyền bè về bến, phơi lưới, ngư dân mua bán cá... Tuy chụp hết cả 15 cuộn phim, tôi vẫn không thể yên tâm, vẫn không thể cho là mình đã làm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, việc chụp ảnh bộ hồ sơ Vịnh Hạ Long cũng đã xong. Ba chúng tôi: Tôi, anh Công Thái, anh Thường, lái xe đi thẳng lên Hà Nội. Đến một hiệu ảnh gần Bờ Hồ, thấy biển hiệu mang tên chủ là anh Bùi Việt Hưng, tôi vui mừng vì biết anh này là cán bộ của Phòng Tuyên truyền Tổng Công ty Du lịch, trên biển có quảng cáo tráng phim Silide. Tôi yên tâm mang cả 15 cuộn phim vào tráng. Hôm sau tôi ra lấy phim, xem tại chỗ thì ôi thôi, có tới ba cuộn phim bị dính, không thông i-pô... Tôi bảo cô nhân viên cửa hàng về mấy cuộn phim này. Cô này trắng trợn cãi tại phim của tôi kém?!.
Năm 1994, báo đài đưa nhiều thông tin về việc Hội đồng Di sản thiên nhiên thế giới họp ở Phù Khẹt (Thái Lan) quyết định công nhận Vịnh Hạ Long của Việt Nam là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong thâm tâm tôi cũng có ý mừng là mình cũng có chút ít công sức trong chuyện này. Sở Văn hoá - Thông tin cho tôi biết, tôi được đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin tặng thưởng Huy chương "Vì sự nghiệp văn hoá quần chúng" cùng một số người khác. Tỉnh Quảng Ninh có thưởng chung cho nhóm làm hồ sơ Vịnh Hạ Long. Tôi được ba trăm ngàn đồng trong số thưởng đó.
Ngày Hội đồng Di sản thiên nhiên thế giới UNESCO trao bằng công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới tại Quảng Ninh, tôi lại đến chụp ảnh lễ trao bằng, do ông Richard A.Engelharlt, thay mặt Tổng Giám đốc UNESCO trao cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Hà Văn Hiền bằng công nhận di sản Vịnh Hạ Long - niềm tự hào của Việt Nam.
Sau sự kiện này, tôi tự tin hơn trong việc sáng tác ảnh Vịnh Hạ Long. Tôi mua máy, mua phim, thậm chí mua chịu, liều vay nợ ngân hàng, đến nỗi trở thành "nợ xấu" của ngân hàng. Về sau họ phải… "ưu ái" xóa nợ, dù lúc đó chỉ là mấy trăm ngàn đồng. Bù vào là sự tích lũy tác phẩm ngày một nhiều. Tôi nghĩ đến việc in sách ảnh Vịnh Hạ Long. Sách được in ra, các cơ quan của tỉnh lấy là chính. Một lần gặp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh bảo tôi: Tôi mang sách Vịnh Hạ Long lên tặng Chủ tịch nước. Chủ tịch xem rồi bảo: May quá! Tôi sắp đi dự Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2000 họp ở thành phố New York (Mỹ), anh cho mang ngay lên cho tôi 200 quyển để tặng các nguyên thủ quốc gia. Kỳ họp lần này có mục bàn đến vấn đề thiên nhiên với môi trường, cũng là dịp ta quảng bá Vịnh Hạ Long ra thế giới.
Cuốn sách được gửi đi dự giải của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và tôi được Giải thưởng ảnh xuất sắc. Khi trao giải, đồng chí Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu: Đây là cuộn sách ảnh đầu tiên của Việt Nam chụp ảnh Vịnh Hạ Long; cũng là cuốn sách ảnh duy nhất của cuộc trao giải lần này, do chính nghệ sĩ người địa phương sáng tác. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng tặng giải nhất Giải thưởng văn nghệ Hạ Long lần thứ V năm 2001 cho cuộn sách này.
Năm 2011, tôi in tiếp cuốn sách ảnh đen trắng. Tập sách tiếp tục nhận được giải thưởng Ảnh xuất sắc lần thứ hai của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tổ chức Guines (Kỷ lục Việt Nam) phong tặng tôi danh hiệu Kỷ lục gia Việt Nam: "Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long bằng phim đen trắng cổ nhiều nhất Việt Nam" với lời xưng tụng: "Ông đã hoàn thành 160 kiểu phim dương bản để trình chiếu lên UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Và những bức ảnh đen trắng chụp Vịnh Hạ Long từ những năm 1960 rất quý hiếm vẫn còn được lưu giữ".
Trong cuốn sách ảnh đen trắng “Hạ Long thuyền và biển” với phần lớn số ảnh được vinh danh Kỷ lục Việt Nam, tôi có lời viết in trên trang bìa: Nếu mỗi con người sinh ra có một Tổ quốc, một quê hương, mỗi nghệ sĩ lại cần có thêm một quê hương thứ hai - mảnh đất mình chọn để sáng tạo thì tôi đã có đủ cả những điều ấy trọn vẹn trong cuộc đời mình. Bởi thế, tôi biết ơn quê hương đã cho tôi Hạ Long để tôi được sinh ra và cũng để tôi sáng tạo".
Đỗ Kha
Liên kết website
Ý kiến ()