Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:54 (GMT +7)
Nghệ sĩ Vùng mỏ Trần Văn Kỷ: "Gia đình muốn ấm êm, trước hết phải bắt đầu từ sự tôn trọng lẫn nhau..."
Chủ nhật, 29/06/2014 | 10:33:06 [GMT +7] A A
Trong làng văn nghệ Quảng Ninh, không mấy ai là không biết gia đình ông Trần Văn Kỷ và bà Mai Thị Nguyên. Người ta gọi gia đình ông bà là “Gia đình nghệ sĩ”... Đến thăm nhà riêng, được ngồi trò chuyện với ông, tôi hiểu hơn vì sao bạn bè, đồng nghiệp lại “phong” cho gia đình ông danh hiệu ấy...
Đại gia đình nghệ sĩ Vùng mỏ Trần Văn Kỷ. |
- Thưa bác, cháu được biết, gia đình mình hiện cả ba thế hệ đều theo đuổi con đường nghệ thuật. Bác có thể nói cụ thể hơn được không ạ?
+ Đúng là như vậy! Tôi và bà xã vốn là nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Kim Phụng ngày xưa. Hai vợ chồng tôi sinh được 4 người con, hai trai và hai gái; các anh, chị ấy đều đã trưởng thành, yên bề gia thất và tôi rất mừng vì trong số các con, cháu, dâu, rể, nhiều đứa đã nối nghiệp ông bà, bố mẹ, đi vào con đường nghệ thuật. Hiện ngoài hai ông bà già chúng tôi ra, trong đại gia đình còn có 4 người con được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ Vùng mỏ. Cụ thể, con gái tôi là Nghệ sĩ vùng mỏ Trần Kim Dung, nguyên là diễn viên Đoàn Cải lương Quảng Ninh, con trai là Nghệ sĩ Vùng mỏ Trần Quang Hiệp chuyên dàn dựng phối khí, đạo diễn chương trình ca múa nhạc của ngành Than, con rể là Nghệ sĩ Vùng mỏ Lê Chính, đạo diễn, tác giả kịch bản sân khấu, nguyên là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, con dâu tôi là Nghệ sĩ Vùng mỏ Thu Hường đang công tác tại Tổng Công ty Đông Bắc. Ngoài ra, các cháu nội, ngoại cũng theo nghiệp ông bà, cha mẹ tham gia vào hoạt động văn hoá nghệ thuật. Chẳng hạn cháu Lê Nhật Trường là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; cháu Lê Hiếu Ngân là tài năng trẻ của bộ môn Khiêu vũ nghệ thuật và đã giành được nhiều giải thưởng cao trong và ngoài tỉnh...
- Một gia đình mà có nhiều người tham gia hoạt động VHNT như gia đình mình quả là hiếm có. Phải chăng đó là do “gen di truyền” không, thưa bác?
+ Nói là do di truyền, cũng có cái đúng nhưng cũng có cái chưa đúng! Bởi con dâu, con rể thì “di truyền” sao được, phải không nào? (cười). Tôi nghĩ, giữa gia đình tôi và nghệ thuật có lẽ phải dùng từ “duyên” và từ “phận” thì mới chính xác được. Các cụ ta xưa vẫn nói “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng” mà! Dù có tài năng nhưng không có “duyên” thì chưa chắc đã đến với nghệ thuật. Ngày xưa hai vợ chồng tôi cũng vì có duyên, có phận nên ông tơ, bà nguyệt mới buộc chúng tôi lại với nhau. Giữa hàng chục, hàng trăm người gặp gỡ trong cuộc sống thường nhật như vậy mà cuối cùng chúng tôi lại chọn đến với nhau, rồi sống với nhau đến lúc đầu bạc, da mồi như bây giờ chẳng phải là duyên phận hay sao! Và các con trai, con gái tôi chúng lấy vợ, lấy chồng là những người yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật cũng như thế thôi. Niềm đam mê nghệ thuật có lẽ là sợi dây vô hình làm cho những tâm hồn xa lạ trở nên đồng điệu. Cùng một môi trường, tính chất công việc nên những người cùng ngành nghề dễ thông cảm, sẻ chia và giúp đỡ nhau hơn thì phải...
- Bác nói niềm đam mê nghệ thuật là cái duyên để thành vợ thành chồng. Thế còn với các cháu, hai bác có sự định hướng nào đó để họ cũng theo nghiệp ông bà, bố mẹ không ạ?
+ Xã hội có rất nhiều ngành, nghề tốt và triển vọng cho lớp trẻ lựa chọn. Mỗi ngành lại có cái đặc thù riêng. Thế nhưng, với ngành nghệ thuật thì việc rèn luyện, học tập chỉ đóng một phần rất nhỏ để làm nên thành công. Điều quan trọng nhất là phải có năng khiếu và tố chất nghệ thuật bẩm sinh. Chính vì thế, gia đình tôi không hề áp đặt hay ép buộc các con, cháu trong việc chọn lựa nghề nghiệp. Trên cương vị là những người đi trước có kinh nghiệm sống phong phú, là bậc tiền bối trong nhà, chúng tôi chỉ trò chuyện, chia sẻ và phân tích những điều hay, lẽ phải để gợi mở cho con, cháu mà thôi. Từ đó, bọn trẻ phải tự suy nghĩ, tự quyết định lấy tương lai và con đường đi cho riêng mình chứ!
- Mọi người thường gọi gia đình mình là “Gia đình nghệ sĩ”; nhưng không chỉ vậy, cháu được biết gia đình mình còn đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá tiêu biểu” và năm 2013 đã được Bộ VH,TT&DL tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Vậy bác có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc không ạ?
+ “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chẳng ai giống ai. Nhưng với gia đình tôi, vấn đề giáo dục nhân cách luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, mọi thành viên trong gia đình đều được rèn dũa, dạy bảo một cách bài bản, nghiêm túc ngay từ khi các con, các cháu biết nhận thức. Với phương châm “lạt mềm buộc chặt”, ông bà, bố mẹ luôn dùng những lời hay, ý đẹp để dạy bảo, nhắc nhở và khuyên răn con cháu. Đặc biệt, không chửi mắng hay sỉ nhục con cháu khi chúng mắc lỗi, phạm sai lầm; tránh trường hợp con trẻ nhìn mình bằng con mắt thiếu thiện cảm để rồi hậm hực, nảy sinh thái độ bất bình, chống đối. Những việc hay hoặc không hay xảy ra trong gia đình đều được giải quyết dưới hình thức tự nguyện chứ không hề khiên cưỡng thì trên dưới mới thuận hoà. Người xưa vẫn thường nói: “Cây năng tưới thì tươi tốt, người năng chăm thì ngay thẳng”. Chính vì thế, gia đình tôi thường xuyên dõi theo các cháu để nhắc nhở, khuyên răn chúng biết xa lánh những cái xấu trong xã hội, cũng như tránh va chạm không đáng có trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh việc hiểu và tin tưởng lẫn nhau, bữa cơm gia đình cũng rất quan trọng trong việc giữ lửa, giữ hạnh phúc cho gia đình. Vì vậy, cứ mỗi tháng 2-3 lần, đặc biệt vào dịp lễ, tết, cả gia đình lại sum họp đông đủ để cùng nhau ăn bữa cơm gia đình. Ông bà, bố mẹ, con cháu có dịp để tâm sự, chia sẻ với nhau chuyện vui lẫn chuyện buồn. Đây là cơ hội giúp những thành viên trong gia đình có thể cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với đó, cả gia đình sẽ tổng kết xem trong thời gian qua, ai làm được cái gì và cái gì chưa được. Từ đó sẽ nhắc nhở hoặc khen ngợi để làm bài học, làm gương cho những người khác học tập và rút kinh nghiệm...
- Cháu thấy ở một số gia đình, do sự áp đặt quan điểm về tình cảm, tình yêu cho con cháu mà dẫn đến bất hoà... Quan điểm và suy nghĩ của bác về vấn đề này như thế nào?
+ Hôn nhân - gia đình là chuyện quan trọng và có ý nghĩa quyết định cả cuộc đời của một con người. Chính vì thế, việc tìm cho mình một người bạn đời phù hợp là rất quan trọng. Chính vì thế, vì lý do này hay lý do khác mà ông bà, cha mẹ phản đối tình cảm, tình yêu của con, cháu cũng là điều rất dễ hiểu. Đấy là tấm lòng của những bậc sinh thành. Khi đối tượng tìm hiểu của các cháu chưa thực sự phù hợp, người lớn phải có trách nhiệm đứng ra can thiệp. Tuy nhiên, can thiệp ở đây là phân tích, nhắc nhở, khuyên răn con cháu về cái thiệt, cái hơn chứ không phải áp đặt suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của chúng. Cùng với đó, người lớn cũng nên tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con trẻ để cảm thông, chia sẻ với chúng; tránh khiến mọi việc diễn ra căng thẳng, gây mất hoà thuận trong gia đình... Quan điểm của tôi là tất cả mọi chuyện đều trên tinh thần tự nguyện, không gượng ép. Chính vì thế, nếu trong trường hợp đối tượng tìm hiểu của con, cháu không thực sự phù hợp, người già cần phải phân tích, giải thích, nhắc nhở để bọn trẻ có thể cảm thông và hiểu cho ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng vẫn luôn thuộc về chúng nó chứ, mình đâu có “sống thay” chúng được, phải không nào?
- Bác nói rất phải! Xin cảm ơn bác về cuộc trò chuyện này!
Hoàng Anh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()