Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:20 (GMT +7)
Nghe và cho ý kiến về Đề án chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Thứ 4, 09/03/2022 | 17:40:15 [GMT +7] A A
Chiều 9/3, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Tại cuộc họp, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị tư vấn, đã trình bày tóm tắt nội dung Đề án. Theo đó, Đề án đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhu cầu nguồn lực, lộ trình thực hiện nhằm phát huy tiềm năng của địa phương để phát triển bền vững, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, đưa tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2022. Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có ít nhất 80% số thôn thuộc các xã khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM; ít nhất 61% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; ít nhất 30,6% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5/7 huyện đạt NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020...
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành đã tham gia một số nội dung vào Đề án như: Rà soát lại số liệu, tập trung phát huy nguồn lực từ nhân dân, phát triển các loại hình dịch vụ…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Đề án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 không chỉ là một trong các tiêu chí công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM, mà còn là nền tảng quan trọng cho chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai Đề án đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đối với phần mục tiêu của Đề án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung tốc độ phát triển khu vực nông nghiệp tương xứng với đô thị về hạ tầng, đời sống, thu nhập; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững trên tất cả các tiêu chí. Đến năm 2025, Quảng Ninh có 7/7 huyện đạt NTM nâng cao, tỉnh hoàn thành NTM nâng cao.
Đồng chí cũng đề nghị đơn vị tư vấn rà soát lại kết cấu của Đề án, bổ sung số liệu chênh lệch thu nhập ở các vùng, đưa thêm tiêu chí về hạnh phúc, xây dựng các giải pháp cụ thể, cân đối nguồn lực phù hợp. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án cần tập trung vào vùng khó, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch đến hạ tầng, sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ, hình thành chuỗi sản xuất tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm OCOP, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo mối liên kết giữa nông thôn và đô thị, quy hoạch phân khu, chi tiết tiệm cận tiêu chí đô thị, sắp xếp không gian phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()