Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:42 (GMT +7)
Nghị lực của một thương binh
Chủ nhật, 25/07/2021 | 07:26:00 [GMT +7] A A
Tập tễnh đi với một chân, còn chân kia là chân giả, nhưng thương binh Nguyễn Quang Văn, khu Đông Tiến 2, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, vẫn thành công trong phát triển kinh tế gia đình, dù đã ở tuổi 74 nhưng ông vẫn chưa ngơi nghỉ.
Khi tôi đến gặp ông, ông đang bận rộn với công việc làm nước mắm tại cơ sở nhà người anh trai. Thế nhưng, mọi công việc hầu như ông làm tất, chỉ khi mua cá, rửa cá công việc phải cần nhiều người làm thì ông mới cần nhờ đến bà xã và mấy đứa cháu. Ông bảo nước mắm của chúng tôi có uy tín, trung bình bán được hàng nghìn lít/năm, có cả khách từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương cũng đặt mua.
Cuộc đời của ông Văn là những năm tháng làm việc không mệt mỏi với những bước chân tròn nhưng ông vẫn vươn lên làm giàu. Ông tham gia quân ngũ năm 1967, đã chiến đấu ở các chiến trường Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và chiến trường biên giới Campuchia… Năm 1973, khi chiến đấu ở chiến trường Bình Long ông bị mất bàn chân phải và bị thương ở chân bên trái (hiện ông phải dùng một chân giả). Sau một thời gian điều trị, năm 1975 ông giải ngũ và về sinh sống ở phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả và là thương binh loại 1 vừa là bệnh binh mất 85% sức khỏe.
Tuổi trẻ đã bị mất một phần cơ thể, khi ấy Cẩm Phả còn là thị xã và cuộc sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Đa phần người dân Cẩm Phả đều là công nhân ở các đơn vị khai thác than, nhưng với người mất một chân như ông Văn không thể xin làm công nhân ở một mỏ than nào cả. Khoản trợ cấp của nhà nước không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, ông Văn tính mở mang thêm nghề để nuôi sống gia đình.
Chuyện tình cờ do một lần mưa bão, vợ chồng ông Văn vớt được khúc gỗ trôi dưới suối, ông đem về nhà cưa xẻ ra để đóng chiếc bàn. Sau khi xong tác phẩm mộc đầu tiên này, ông Văn thấy mình cũng là người có “hoa tay” với nghề mộc, vậy là ông quyết định chuyển sang làm nghề này. Ban đầu ông cũng chỉ đóng các vật dụng cho bà con quanh xóm, đến năm 1978, ông Văn quyết định mở xưởng mộc và thuê thợ giỏi về làm. Vốn là người lính, tính kỷ luật và trách nhiệm cao, lại thêm tính khéo léo nên các sản phẩm của xưởng mộc ông Văn đều được khách hàng đánh giá cao và được nhiều người tìm đến đặt hàng. Vài chục năm hoạt động, xưởng mộc của ông một thời luôn tạo việc làm cho từ 5-10 lao động.
Từ năm 2017, do tuổi cao, một phần nghề mộc không còn phù hợp gây ồn ào ở khu phố đông dân cư, ông Văn chuyển sang mở cửa hàng kinh doanh đồ gỗ ban đầu mang tên Cửa hàng Nội thất Quang Văn, nay đổi tên là Cửa hàng Đồ gỗ Đại Quyên, hiện là địa chỉ tin cậy với nhiều người mua đồ gỗ ở Cẩm Phả. Cửa hàng bán đồ gỗ ông đang dần chuyển cho con cái, giờ ông cùng người anh trai sản xuất nước mắm, ông bảo đây là nghề truyền thống gia đình bởi trước đây ông sống ở xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn nơi có nghề nước mắm từ lâu đời.
Bà Đinh Mai Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, cho biết: Ông Nguyễn Quang Văn không chỉ là tấm gương điển hình ở địa phương về làm kinh tế, thực hiện lời dạy của Bác “Người thương binh tàn nhưng không phế”, mà ông còn là người công dân mẫu mực, hăng hái với công tác xã hội, tích cực đóng góp vào các phong trào của địa phương.
Ông Nguyễn Quang Văn đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vì đã có thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng từ 2012 đến 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2017, ông Văn là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Ninh dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2017) diễn ra tại Hà Nội do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()