Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 11:10 (GMT +7)
Nghịch lý lãi suất huy động
Chủ nhật, 16/03/2008 | 11:14:08 [GMT +7] A A
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên thị trường Việt Nam hiện đang chứa đựng một số nghịch lý cần được đánh giá và xử lý. Trước hết, diễn biến lãi suất huy động thời gian qua đã "nhảy nhót". Sự "nhảy nhót" đến mức người có tiền gửi tiết kiệm chẳng biết đâu mà lần.
Trong một thời gian dài, lãi suất đã mang dấu âm khi nó thấp hơn lạm phát, trái với nguyên tắc của kinh tế thị trường, làm cho người có tiền không muốn chọn kênh tiết kiệm để cất giữ số tiền tạm thời nhàn rỗi hoặc đầu tư - đến nỗi có con bò nhờ ngân hàng nuôi hộ, cứ sau một quý lại mất một cái chân! Đến khi lạm phát năm 2007 tăng cao trong các tháng 5, 6, 7 vừa mới được giảm xuống một chút trong các tháng 8, 9 (tháng 5 tăng 0,77%, tháng 6 tăng 0,85%, tháng 7 tăng 0,94%, tháng 8 tăng 0,55%, tháng 9 tăng 0,51%), hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã cắt giảm lãi suất huy động (còn các ngân hàng thương mại nhà nước tuy vẫn giữ mức lãi suất huy động như cũ, nhưng là lãi suất thực âm). Đến khi lạm phát cao (tháng 11.2007 tăng 1,23%, tháng 12.2007 tăng 2,91%, tháng 1.2008 tăng 2,38%, tháng 2.2008 tăng 3,56%), các ngân hàng thương mại cổ phần mới tăng lãi suất huy động và dù mức lãi suất cao nhất mới đạt 1,16%/tháng còn thấp xa so với mức lạm phát, nhưng nhiều người đã kêu ầm lên là "siêu lãi suất"! Khi các ngân hàng thương mại cổ phần vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, một động thái lập tức xảy ra đó là người có tiền đã đua nhau mang tiền gửi tiết kiệm, không những thế mà còn rút tiền đang gửi ở các ngân hàng thương mại khác có lãi suất thấp hơn (chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước), chuyển sang ngân hàng thương mại có lãi suất cao hơn. Kết quả, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng phải nâng lãi suất huy động lên để giữ chân khách hàng và trên thực tế lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng thương mại nhà nước đã được nâng lên ngang bằng với các ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy còn có những tác động phụ bất lợi (của đua tăng lãi suất huy động không những gây ra tình trạng rút tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp chuyển sang ngân hàng có lãi suất cao mà còn tạo ra một cuộc đua không dứt), nhưng đã tạo ra cuộc cạnh tranh lãi suất giữa hai khối nhằm vừa tránh thiệt thòi cho người gửi tiền, vừa có tác động hút tiền về.
Nghịch lý dễ nhìn thấy nhất là gửi tiền kỳ hạn ngắn có lãi suất cao hơn gửi kỳ hạn dài, ngược với quy luật thông thường của cơ chế thị trường là lãi suất kỳ hạn ngắn phải thấp hơn gửi kỳ hạn dài.
Lý giải quy định này, các ngân hàng thương mại cho rằng, việc thiếu thanh khoản của ngân hàng chỉ là tạm thời, chỉ cần huy động lớn trong 1- 2 tháng là có thể khắc phục được; cho rằng giá cả chỉ tăng cao trong tháng 1, tháng 2, còn từ tháng 3 đến tháng 10, tốc độ tăng giá thường thấp, thậm chí có tháng còn giảm.
Tuy nhiên, nghịch lý này sẽ dẫn đến các xu hướng gửi tiền khác nhau tùy theo dự đoán của người gửi tiền về tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian tới. Người gửi tiền có xu hướng thích gửi kỳ hạn ngắn để được hưởng lãi suất cao, khi cần thiết có thể rút ra dễ dàng. Nếu lãi suất ngân hàng còn tiếp tục cao thì gửi tiếp sẽ có lợi hơn là gửi kỳ hạn dài. Nếu các kênh đầu tư khác (như vàng, chứng khoán,...) có lãi suất hấp dẫn hơn thì chuyển sang đầu tư trong các kênh này. Nếu người gửi tiền đổ xô vào kỳ hạn ngắn thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản như đã xảy ra.
Cũng có không ít người lại thích gửi kỳ hạn dài, vì tin rằng tốc độ tăng giá sẽ còn cao và ngân hàng vẫn phải giữ lãi suất cao. Khi đó, tính thanh khoản không còn là vấn đề lớn, nhưng áp lực giữ hoặc tăng đối với lãi suất huy động của ngân hàng nếu không tăng lên thì cũng không giảm.
Một nghịch lý khác là lãi suất USD hiện chứa đựng hai điểm. Điểm thứ nhất là trong khi lãi suất ở Mỹ đã ở mức thấp và đang có xu hướng giảm, thì lãi suất huy động USD ở Việt Nam lại cao và đang có xu hướng tăng lên. Ngay tiếp sau SHB, ACB,... từ ngày 12.3, Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIBBank) đã điều chỉnh lãi suất huy động USD ở tất cả các kỳ hạn (kỳ hạn 3 tháng lãi suất 6%/năm, kỳ hạn từ 6 - 12 tháng lãi suất 6,1%/năm; nếu gửi từ 6.000 USD trở lên thì lãi suất tương ứng là 6,3%/năm và 6,4%/năm). Đây là động thái mà các ngân hàng thương mại nhằm thu hút nguồn USD đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chuyển từ vay tiền đồng ở mức quá cao như hiện nay (15 - 20%/năm) sang vay vốn bằng USD. Động thái này cũng góp phần chặn đà giảm giá của USD trên thị trường hiện nay. Điểm thứ hai là trong khi các ngân hàng thương mại mua USD tiền mặt nhỏ giọt, thậm chí còn tính phí hoặc yêu cầu gửi tiết kiệm số tiền đồng bán được đó vào ngân hàng, thì các ngân hàng lại tăng lãi suất huy động USD. Nguyên nhân chính của động thái này đối với ngân hàng thương mại và người có USD đều xuất phát từ sự e ngại rủi ro tỷ giá.
Liên kết website
Ý kiến ()