Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:40 (GMT +7)
Nghiên cứu ưu đãi thuế, khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam
Thứ 3, 06/07/2021 | 22:45:51 [GMT +7] A A
Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng trong thời hạn nhất định.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam. Để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng dòng xe này, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng ưu đãi thuế nhằm khuyến khích phát triển xe điện ở Việt Nam.
Số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, số lượng xe điện hóa (hybrid - kết hợp hoạt động giữa động cơ đốt trong và động cơ điện, plug-in hybrid - hybrid sạc pin bằng cách cắm vào nguồn điện và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý 1/2021 là 600 xe.
Thế nhưng, tất cả các xe này đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Hiện nay tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Kinh doanh Vinfast đang hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện.
Nhìn chung, hiện nay các dòng xe điện hóa chưa phổ biến tại Việt Nam.
Do đó, để phát triển sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng trong thời hạn nhất định (5 năm) để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, hiện tại, ngay trong khu vực ASEAN, một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua sản xuất, từng bước thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển xe điện.
Cụ thể, tại Thái Lan, năm 2016, Chính phủ nước này công bố lộ trình phát triển xe điện hóa và áp dụng chính sách thuế ưu đãi cho sản xuất xe điện hóa. Mục tiêu của Thái Lan là đến năm 2036 sẽ tăng được lượng xe điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc điện trên toàn quốc.
Theo kế hoạch này, các dự án đầu tư sản xuất xe BEV (xe điện hoàn toàn) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5-8 năm.
Đối với các nhà sản xuất, nếu sản xuất được từ linh kiện chính thứ 2 của xe điện sẽ được miễn thuế thêm một năm cho linh kiện tiếp theo nhưng không quá 10 năm.
Các nhà sản xuất PHEV (xe Hybrid sạc ngoài) được ưu đãi ít hơn là 3 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị.
Các nhà sản xuất các linh kiện chính, tương tự như đối với xe BEV, sẽ được hưởng thêm một năm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho mỗi linh kiện, tối đã không quá 6 năm.
Các dự án đầu tư sản xuất xe Hybrid được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị có liên quan. Mặt khác, các dự án xe buýt điện được miễn thuế nhập khẩu cho máy móc, thiết bị và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho 3 năm.
Các ưu đãi cho sản xuất linh kiện chính cho xe Hybrid và thời hạn áp dụng tối đa giống như đối với xe PHEV.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng công bố các thay đổi đối với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích phát triển xe điện hóa.
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện hoàn toàn hiện là 2%, trước đây là từ 10%. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe HEV và xe PHEV cũng được giảm, phụ thuộc vào mức độ phát thải.
Đối với ôtô chở người phát thải CO2 dưới 100g/km, thuế suất giảm từ 10% xuống 5%; đối với xe phát thải CO2 dưới 150g/km, thuế suất giảm từ 20% xuống 10%. Mức thuế suất cao nhất đối với xe điện là 12,5% dành cho những xe phát thải dưới 200g/km (giảm từ 25% xuống).
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô điện, Chính phủ Thái Lan đã quy định 10 linh kiện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm, gồm pin, hệ thống sạc thông minh, bộ chuyển đổi DC/DC, động cơ điện, phần mềm quản lý pin, bộ biến tần, bộ sạc điện di động và bộ ngắt mạch điện.
Trong khi đó, tại Indonesia, ngày 12/8/2019, Tổng thống nước này đã ban hành Sắc lệnh số 55 về Chương trình tăng tốc phát triển xe điện cho giao thông đường bộ (“PR 55/2019”).
PR 55/2019 được ban hành như một nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải khí nhà kính ở nước này.
Sắc lệnh này cũng nhằm mục đích mang lại khuôn khổ pháp lý dài hạn và sự chắc chắn về mặt pháp lý cho ngành công nghiệp xe điện ở Indonesia.
Trên cơ sở khả năng sản xuất xe điện trong nước hiện nay, Chính phủ Indonesia bắt buộc thực hiện dần dần yêu cầu về hàm lượng nội địa cho ngành công nghiệp sản xuất xe điện và cụm linh kiện xe điện theo lộ trình.
Các ưu đãi tín dụng dành cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hưởng gồm miễn thuế nhập khẩu đối với xe điện ở dạng rời rạc hoàn toàn (CKD) hoặc rời rạc không hoàn toàn (IKD) và đối với các cụm linh kiện chính của xe điện với số lượng nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời giảm hoặc miễn thuế bán hàng đối với hàng xa xỉ; giảm hoặc miễn thuế do chính quyền vùng hoặc chính quyền trung ương ban hành, bao gồm việc giảm hoặc miễn thuế xe cơ giới và chuyển quyền sở hữu xe cơ giới.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật tư và thiết bị sử dụng để sản xuất xe điện; ưu đãi cho sản xuất thiết bị trạm sạc xe điện; ưu đãi về phí đỗ xe do chính quyền khu vực ban hành./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()