Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:52 (GMT +7)
Nghiên cứu, xác định rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật Thống kê
Thứ 4, 15/09/2021 | 19:33:38 [GMT +7] A A
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục Chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Hai ý kiến khác nhau về việc sửa đổi, bổ sung
Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Luật Thống kê gồm 9 chương, 72 điều và 1 Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặc biệt sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế, việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là cần thiết.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục Chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến thông qua theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi của dự án Luật, hiện đang có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ vì đã được Quốc hội biểu quyết thông qua khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Căn cứ Điều 18 của Luật Thống kê năm 2015 và qua tổng kết 5 năm thực hiện các chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê, Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được rà soát, cập nhật, điều chỉnh để kịp thời phản ánh, đánh giá việc thực hiện mục tiêu, đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, quy định của pháp luật mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu thống kê cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương trong việc tham mưu, hoạch định chính sách, điều hành đất nước; đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.
Báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với đề nghị chỉ xem xét, sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện 5 năm thực hiện Luật Thống kê để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc sửa toàn diện trong thời gian tới.
Song song đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng cần thiết sửa đổi một số điều hoặc toàn diện Luật Thống kê. Theo đó, qua hơn 5 năm thực hiện, Luật Thống kê đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…
Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động nhận định việc phối hợp thực hiện công tác thống kê, chia sẻ thông tin thống kê chưa hiệu quả; nhiều bộ, ngành chưa ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê; quy định bố trí nguồn lực cho công tác thống kê chưa đáp ứng yêu cầu nhưng chưa làm rõ do bất cập của Luật hay do tổ chức thực hiện.
Thực tế cho thấy vẫn có sự khác biệt, không thống nhất về số liệu của cùng một chỉ tiêu thống kê. Một số ngành, địa phương có kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Thống kê.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chỉ số hiệu quả thống kê năm 2021, Việt Nam đạt 66/100 điểm; tuy nhiên chỉ số về hạ tầng dữ liệu đo lường về khung pháp lý, tiêu chuẩn, phương pháp thống kê, kỹ năng thống kê, nguồn lực đạt 35/100 điểm là hạn chế lớn chưa được khắc phục của công tác thống kê Việt Nam.
Các ý kiến nêu trên trái ngược với nhận định trong Tờ trình của Chính phủ cho rằng “các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung."
Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức hội thảo, làm việc với Ban soạn thảo và tại phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng đã đề nghị Ban soạn thảo báo cáo Chính phủ nghiên cứu, giải trình rõ hơn việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung như trong Tờ trình về đáp ứng yêu cầu của công tác thống kê trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tới; đặc biệt việc bảo đảm yêu cầu về tính độc lập, khoa học, khách quan, chính xác, minh bạch, công khai, kịp thời, thống nhất của thông tin thống kê; việc ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thống kê; việc khắc phục chênh lệch số liệu thống kê quốc gia so với thông tin thống kê của bộ, ngành, địa phương…
Ngoài ra, các ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu thống kê tới các nội dung có liên quan trong Luật Thống kê. Một số ý kiến cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại Kỳ họp thứ 2, sau đó lại tiếp tục rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê sẽ không bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất, toàn diện.
Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã lấy ý kiến biểu quyết bằng Phiếu xin ý kiến, kết quả đa số (7/12 Phiếu) tán thành với ý kiến thứ nhất-phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ.
Cân nhắc kỹ phạm vi sửa đổi, bổ sung
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần sửa đổi Luật Thống kê. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thống kê hiện hành chưa có quy định rõ về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia.
Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê có sử dụng thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước; chưa có cơ chế ủy thác và đặt hàng cho các tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… thực hiện thống kê.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nêu cơ quan thống kê nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê hoặc cung cấp thông tin thống kê; chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương, Tổng cục Thống kê, các cục thống kê địa phương cũng như trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu, điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê.
Ngay trong phụ lục thống kê, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chưa có chỉ tiêu phản ánh liên kết kinh tế vùng và liên kết kinh tế ngành. Trong điều kiện công nghệ thông tin và khoa học phát triển như vũ bão ngày nay, điều tra thống kê vẫn dùng kỹ thuật điều tra, chọn mẫu, phương sai, kỳ vọng… tạo ra những sai số khá lớn.
Trong phạm vi đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, rà soát lại các chỉ tiêu thống kê phản ánh xu hướng phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới liên quan đến môi trường; thảm họa môi trường; biến đổi khí hậu; dịch bệnh; các nhóm yếu thế trong xã hội; tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ứng dụng khoa học công nghệ; đô thị hóa; phát triển khu vực tư nhân…
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm rõ một số nội dung liên quan đến phân loại các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia; giải thích thêm cách tính một số chỉ tiêu còn khác so với thông lệ các tổ chức quốc tế như chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp, chỉ tiêu năng suất lao động xã hội, làm rõ phản ánh thực tế kinh tế số trong nhóm chỉ tiêu Công nghệ thông tin và truyền thông; cần bổ sung nội dung cho chỉ tiêu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chỉ tiêu giáo dục đào tạo…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua 5 năm thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi đổi mới công tác thống kê do Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn nên công tác thống kê, chỉ tiêu thống kê phải tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế, diễn biến đời sống kinh tế-xã hội diễn ra nhanh, phong phú hơn.
Do đó, cần có thông tin kịp thời để phục vụ quản lý điều hành, đặc biệt phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; việc đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải thay đổi phương thức hoạt động thống kê, đặc biệt sửa hệ thống chỉ tiêu thống kê, thay đổi phương pháp tính, cách thức thu thập dữ liệu, công bố thông tin và cần ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thống kê.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê của Chính phủ còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay như thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhiều nội dung chưa làm rõ như Chủ tịch Quốc hội đã nêu, dẫn đến chưa có cơ sở đánh giá chỉ chỉnh sửa Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mà không sửa Luật Thống kê có đáp ứng được thể chế hóa chủ trương của Đảng về cung cấp thông tin để Đảng, Quốc hội, Chính phủ hoạch định chiến lược, chính sách hay không.
Trong khi đó, thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV không còn nhiều. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại Chính phủ nội dung cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay; khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để làm rõ các vấn đề trong báo cáo thẩm tra, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 10 tới.
“Đồng thời đề nghị tiến hành việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật phù hợp. Nếu chưa thể hoàn thiện được dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xin rút khỏi chương trình xây dựng luật pháp lệnh, nghiên cứu thêm để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp," Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.
Theo chương trình, thời gian còn lại buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()