Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:10 (GMT +7)
"Ngồi tựa mạn thuyền" remix nhạc sàn và những tranh cãi về xâm lăng văn hóa
Thứ 5, 26/10/2023 | 10:06:22 [GMT +7] A A
Bản remix bài dân ca quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền” sau khi lên sóng trong chương trình “Giai điệu kết nối” đã được chia sẻ rầm rộ và kéo theo muôn chiều tranh cãi.
Giống như tất cả những biến thể văn hóa khác, bản remix “Ngồi tựa mạn thuyền” thu hút hàng triệu lượt tương tác và bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến khen “Ngồi tựa mạn thuyền” như được khoác thêm áo mới khi remix, rằng di sản cần được làm mới, cần đến gần hơn với khán giả bằng những bản phối sôi động, hợp thời.
Phía bên kia cuộc khẩu chiến gọi bản remix nhạc dance của “Ngồi tựa mạn thuyền” là thảm họa, là sự xúc phạm đến di sản, xúc phạm văn hóa bản địa khi quan họ vốn gắn liền với hình ảnh liền anh liền chị hát đối đáp với nhau đầy trân trọng.
Sự biến động về đời sống văn hóa
Năm 2009, quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Câu chuyện bảo tồn bản sắc văn hóa trong di sản luôn được đặt ra cấp thiết giữa đời sống biến động từng ngày.
Với riêng quan họ Bắc Ninh, môi trường biểu diễn đã ngày càng thay đổi, quan họ đã bước ra khỏi không gian di sản, biểu diễn trên những sân khấu lớn, ở nhiều lễ hội khắp cả nước. Liền anh liền chị khi hát quan họ không sử dụng nhạc cụ, nhưng khi bước lên sân khấu, quan họ đã biểu diễn cùng nhạc cụ, loa tăng âm, cùng nhiều thiết bị hỗ trợ về nhạc nền.
Để thấy, đời sống biến động, thay đổi, kéo theo những thay đổi lớn trong đời sống di sản nói chung, quan họ Bắc Ninh nói riêng. Việc bản remix "Ngồi tựa mạn thuyền" được chia sẻ rầm rộ là một minh chứng rõ nét về những biến động này, và đó là chuyện không thể tránh khỏi.
Câu chuyện về xâm lăng văn hóa đang được bàn luận trở lại sau ý kiến của PGS.TS Bùi Hoài Sơn tại buổi thảo luận ngày 24.10 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Theo đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong văn hóa bản địa, phim có yếu tố lịch sử của Việt Nam được phát triển, đẩy mạnh hơn giữa bối cảnh các nền văn hóa từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đang tấn công mạnh mẽ.
Thế giới phẳng, khoa học công nghệ xóa nhòa mọi ranh giới, văn hóa bản địa của mỗi quốc gia đứng trước thách thức chưa từng có, khi sự hội nhập được “đính kèm” cả sự hòa tan, lai tạo. Bằng nhiều con đường, văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới đã ồ ạt du nhập vào Việt Nam, tạo nên nhiều trào lưu rầm rộ, đồng thời chi phối, ảnh hưởng lớn đến văn hóa bản địa, từ đời sống đến các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, phim ảnh.
Câu chuyện thế hệ và quản lý văn hóa
Từ câu chuyện về bản remix "Ngồi tựa mạn thuyền" được khán giả trẻ yêu thích, trong khi lớp khán giả nhiều tuổi gọi là “thảm họa” cũng cho thấy, di sản và văn hóa biến động, thay đổi còn do cách tiếp cận di sản của mỗi thế hệ mỗi khác.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi bắt tay vào dự án phim “Đất rừng phương Nam” cũng trăn trở, tác phẩm văn học cũng như phim truyền hình chỉ quen thuộc với khán giả tầm 7X, 8X, đầu 9X, trong khi phim ảnh Việt hiện rất mong muốn tiếp cận lớp khán giả trẻ. Do vậy, phim có phần lời thoại mới mẻ, có cả ngôn ngữ Gen Z.
Lớp khán giả sinh cuối những năm 90, đầu 2000 (Gen Z) đang là thế hệ năng động nhất, dễ chịu tác động từ văn hóa ngoại lai nhất.
Gen Z tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật có yếu tố văn hóa, lịch sử trên tinh thần cởi mở. Với di sản cũng vậy, họ sẽ không còn nghe quan họ như thế hệ trước, họ muốn làm mới chất liệu dân ca, muốn đưa dân ca tiệm cận với những trào lưu âm nhạc mới, lai tạo từ âm nhạc thế giới.
Tranh cãi về sự khác biệt giữa các thế hệ là câu chuyện không hồi kết.
Khi bàn về sự biến động, thay đổi đang diễn ra trong đời sống di sản, GS.TS Bùi Quang Thanh - Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng: “Đời sống luôn luôn vận động và phát triển không ngừng, kéo theo nhiều sự biến đổi khác trong nhận thức. Các nhà quản lý văn hóa cần cập nhật, thức thời, có những quy định theo kịp biến động thời đại, chứ không thể quản lý văn hóa, di sản trên những bộ luật đứng im”.
Ngoài việc quản lý văn hóa cần có những quy định thức thời, cập nhật, còn cần có những chiến lược lớn, có tầm vóc để quảng bá vẻ đẹp văn hóa bản địa, lan tỏa vẻ đẹp ấy trong khắp cộng đồng để chung tay gìn giữ, đồng thời lên kế hoạch đưa bản sắc văn hóa bước ra thế giới.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()