Tất cả chuyên mục

Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá; những người làm công tác khoa học kỹ thuật, đào tạo, quản lý thuỷ sản. Qua 15 năm hoạt động với 2 kỳ đại hội, Hội Nghề cá Quảng Ninh đã khẳng định được vai trò, tác dụng của Hội với hội viên, nông dân ngư dân và các tổ chức doanh nghiệp thuỷ sản trong toàn tỉnh. Nhân 58 năm Ngày Nghề cá Việt Nam 1-4 (1959-2017), phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Tuy, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh (ảnh) xung quanh vai trò, hoạt động của Hội và nghề cá Quảng Ninh.
Từng có 45 năm gắn bó với ngành thuỷ sản, là Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh từ năm 2002 đến nay, nói chuyện về nghề cá, ông Tuy chia sẻ: Thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển kinh tế thuỷ sản. Đặc biệt, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 13/NQ-TU ngày 6-5-2014 về phát triển kinh tế thuỷ sản tỉnh năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ Nghị quyết, tỉnh có chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển kinh tế thuỷ sản, vì vậy cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực nghề cá được tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hội viên, nông ngư dân yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh đã có 9 Hội nghề cá cấp huyện với 5.000 hội viên và hơn 80 chi hội cơ sở. Những năm qua, Hội Nghề cá tỉnh đã hoạt động tích cực; phối hợp chặt chẽ với sở chuyên ngành nên đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Hội Nghề cá Quảng Ninh đã hỗ trợ hội viên, ngư dân sản xuất kinh doanh như thế nào, thưa ông?
![]() |
+ Thời gian qua Hội Nghề cá tỉnh cùng với Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thuỷ sản. Đến nay ngành thuỷ sản đã có chuyển biến rất tích cực. Trong khai thác cơ cấu nghề nghiệp bước đầu đã được chuyển đổi hợp lý, nâng cao năng suất sản lượng khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản. Đã hình thành các tổ đội sản xuất trên biển với đội tàu, nhóm khai thác tuyến khơi và các nghiệp đoàn nghề cá ở huyện Vân Đồn, huyện Hải Hà và TX Quảng Yên với các nghề khai thác chính là chài chụp, câu khơi lưới rê... Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản, Hội Nghề cá tỉnh trong thành phần thẩm tra thẩm định các dự án đóng tàu, đã cùng với sở chuyên ngành hướng dẫn cho ngư dân giải quyết những khó khăn khi thực hiện dự án. Đến nay đã có 11 chủ đầu tư ký hợp động tín dụng với ngân hàng đã giải ngân được 106,6 tỷ đồng. Tổng số tàu công suất từ 90CV trở lên có 438 chiếc, tăng 55 chiếc so với năm 2015.
- Một trong các yếu tố quan trọng đối với nghề cá là nguồn lợi thuỷ sản. Những năm qua, Hội thể hiện vai trò gì trong bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản?
+ Trong vài năm trở lại đây, Hội thường xuyên phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức ngày truyền thống ngành thuỷ sản và thả cá giống tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Đến nay, đã thành thông lệ, tất cả các chi hội đều tổ chức thả cá giống. Đây là việc làm rất ý nghĩa trong truyền thông, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Từ nhận thức đó sẽ có những chuyển biến trong hành động để ngư dân không đánh cá nhỏ, không dùng mắt lưới nhỏ, không dùng mìn, không đánh điện huỷ diệt, không bắt động vật quý hiếm v.v.. Chúng tôi chủ yếu thả tôm, cá song, cá vược. Tôm thì tỷ lệ sống thấp nên giờ chúng tôi chủ yếu thả các loại cá khoẻ, tỷ lệ sống cao. Chúng tôi còn phối hợp với Phật giáo các địa phương để thả giống phóng sinh. Mỗi năm, có khi chúng tôi thả 3 lần...
- Phải chăng vấn đề bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đang là những khó khăn với nghề cá Quảng Ninh?
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2016 sản lượng thuỷ sản đạt 108.600 tấn, đạt 100,6% so với kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Trong đó khai thác đạt 58.600 tấn, đạt 100,12% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ; nuôi trồng đạt 50.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ. Tổng số tàu cá đến năm 2016 là 7.413, trong đó tàu cá có công suất 90CV trở lên hiện có 438 chiếc; diện tích nuôi trồng thuỷ sản được 20.690ha, đạt 100% so với kế hoạch. |
+ Đúng là như vậy. Đối với nuôi trồng thuỷ hải sản, việc đảm bảo môi trường là số một. Khó khăn của nghề cá một phần đến từ quy hoạch hay bị thay đổi. Rồi môi trường bị ảnh hưởng từ phát triển công nghiệp, từ rác thải nước thải sản xuất, dịch vụ chưa qua xử lý xả ra mặt nước. Điều đó làm cho môi trường của một số vùng nuôi không đảm bảo nên đôi khi bị dịch bệnh gây thiệt hại kinh tế. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản có sự đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Khu vực hậu cần nghề cá ở Vân Đồn hay Cô Tô được làm tốt, có nơi xây dựng hiện đại, mở rộng. Cảng cá ở Cái Rồng (Vân Đồn) đã tách biệt ra khỏi cảng tàu khách. Ở Tân An (Quảng Yên) đã có đầu tư xây dựng bến cá lớn. Các khu vực hậu cần nghề cá, các bến tàu, bến cá ở nơi khác đã có nhưng còn yếu. Số tàu ra khơi còn hạn chế (khoảng 400 tàu), thiếu nhân lực, thiếu kỹ thuật nên chủ yếu ngư dân khai thác ven bờ cũng dẫn đến việc suy giảm, cạn kiệt tài nguyên. Tóm lại, tiềm năng thuỷ sản Quảng Ninh có nhiều nhưng phát triển chưa tương xứng...
- Cần làm gì để khắc phục những khó khăn, hạn chế ông vừa nêu?
+ Thời gian tới phải tạo điều kiện cho tàu ra khơi, đào tạo nhân lực vươn khơi vốn đang rất thiếu. Về cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay đã rất thuận lợi nhưng vẫn còn thiếu. Cái này cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Quảng Ninh cũng cần coi trọng việc đưa ngư dân ra những ngư trường lớn vươn khơi, bám biển giữ chủ quyền. Trên thực tế, ngư dân Quảng Ninh ít vào những ngư trường lớn như Trường Sa...
![]() |
Tàu đánh bắt thuỷ sản xa bờ của ngư dân huyện Vân Đồn. Ảnh: Trần Minh |
- Vậy những ngư trường truyền thống của Quảng Ninh hiện nay ở đâu thưa ông?
+ Thực ra ngư dân Quảng Ninh vẫn chủ yếu đánh bắt gần bờ, ít vươn khơi bởi vươn khơi là câu chuyện phức tạp đòi hỏi vốn, kỹ thuật và nhân lực như trên tôi đã đề cập. Các làng nghề đánh cá truyền thống cũng không như xưa nữa. Không còn hợp tác xã truyền thống mà chủ yếu là các tổ hợp. Tính chất truyền thống không còn mà hướng đến dịch vụ là chính. Giờ đây, ở Quảng Ninh chủ yếu ngư dân Vân Đồn là còn phát triển nghề cá mạnh như trước. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái chính là những người tâm huyết và có kinh nghiệm đã cao tuổi không thể vươn khơi. Trong khi đó, vươn khơi quá vất vả nên người trẻ ít theo. Những ai theo đuổi thì vì những hạn chế này nọ mà thích đánh bắt khai thác gần bờ để chỉ phải đầu tư vốn ít và thu hồi nhanh...
- Sản phẩm từ nghề cá ở Quảng Ninh thì sao, có ra được những thị trường lớn không?
+ Tất nhiên là có. Hải sản Quảng Ninh đã và đang xuất khẩu được chứ không dừng ở lại ở sản phẩm OCOP. Có nhiều hình thức để hải sản đi xa: Ngư dân có thể bán trực tiếp trên biển, đưa về nhà máy chế biến như ở Quảng Yên. Đối với nuôi trồng cũng vậy. Còn như sứa thì có xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc nhưng nguồn xuất khẩu không được nhiều. Muốn xuất khẩu tốt cần phải tiếp tục phổ biến đến ngư dân các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nuôi trồng thuỷ sản bền vững theo hướng VietGAP hay HACCP...
- Ngoài đánh bắt xa bờ, Quảng Ninh còn có thế mạnh nuôi trồng thuỷ hải sản. Ông có thể kể ra một số ví dụ điển hình?
+ Ông Đỗ Hữu Tờ nuôi tu hài ở Vân Đồn; ông Ngô Hùng Dũng nuôi trồng và sản xuất giống ở Tân An; ông Minh Hàn chuyên sản xuất tôm, cua ở Tân An (TX Quảng Yên), ông Lương Thanh Phương sản xuất cá song tại Móng Cái; ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Nghề cá Móng Cái nuôi tôm theo hướng VietGAP; nhiều hộ sáng tạo ra phương pháp nuôi hà treo dây ở Hoàng Tân (TX Quảng Yên)... Nhìn chung, những hộ nuôi những con hai mảnh, quá trình nuôi không phải cho ăn, rất hiệu quả. Việc này thu lãi cao không cần đầu tư nhiều...
- Trong thời gian tới, Hội Nghề cá Quảng Ninh hướng đến nhiệm vụ trọng tâm nào?
+ Nhiệm kỳ tới, Hội Nghề cá Quảng Ninh hướng đến xây dựng bộ máy gồm những người tâm huyết nhiệt tình vì quyền lợi của ngư dân hội viên; hướng dẫn hội viên tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định 67/CP của Chính phủ về chính sách đầu tư tín dụng bảo hiểm để phát triển nghề cá xa bờ, phát triển đánh bắt xa bờ công suất lớn, giảm số tàu đánh bắt gần bờ xuống còn 7.000 tàu; hướng dẫn hội viên quản lý tốt môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh kịp thời xử lý, áp dụng phương pháp nuôi theo hướng bền vững. Và quan trọng hơn cả chúng tôi sẽ cố gắng tạo nguồn kinh phí để hoạt động bằng cách làm dịch vụ, làm hợp đồng, phối hợp chuyển giao công nghệ, phối hợp với cơ quan chuyên môn tranh thủ vốn dự án để có thể trích một phần lại cho Hội có quỹ...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hải Dương (Thực hiện)
Ý kiến (0)