Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:45 (GMT +7)
Người bán hàng online lo bị chèn ép
Thứ 4, 18/09/2024 | 16:42:26 [GMT +7] A A
Thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh buộc nhà sản xuất dù muốn dù không cũng phải tham gia vào sân chơi này.
Kinh doanh đồ gia dụng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hơn 2 năm, bà Huỳnh Thanh Ngân (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết bà vừa phải nghỉ bán do buôn bán ngày càng ế ẩm, thu không đủ bù chi, doanh thu tháng 6 và 7 chỉ khoảng 25 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 1/3 những tháng đầu năm và chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước. Trừ hết các chi phí, bà lãi chưa tới 5 triệu đồng trong khi công sức bỏ ra rất lớn.
Người bán nhỏ bỏ nghề
Theo bà Ngân, tình hình kinh doanh trên sàn ngày càng khó phần lớn là do nhiều nhà xưởng, doanh nghiệp (DN) chuyển mô đổi hình từ B2B (DN bán hàng cho DN phân phối, đại lý) sang D2C (bán thẳng đến người tiêu dùng cuối) trên sàn TMĐT và giá bán giá rẻ hơn thị trường đến 15%-20% khiến những người kinh doanh nhỏ lẻ hết đường sống. Song song đó, các sàn liên tục thay đổi chính sách, ưu ái người tiêu dùng, cho phép trả hàng vô tội vạ, ảnh hưởng lớn tới người bán.
"Khách hàng đọ giá rất kỹ và thường sản phẩm giá rẻ sẽ được đưa lên trên đầu trang, tức chỉ có DN lớn được lợi, trong khi gian hàng nhỏ bị lép vế, lại còn bị hàng giá rẻ Trung Quốc áp đảo, khó lòng mà đấu lại. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ bán, tính nghỉ ngơi một thời gian sẽ mở quán cà phê hoặc đi làm công ty để ổn định cuộc sống" - bà Ngân nói.
Tương tự, ông Bùi Đức Anh, chủ gian hàng bán quần áo và phụ kiện trên các nền tảng TMĐT gần 2 năm nhưng cũng đã đóng gian hàng vì không cạnh tranh lại với các xưởng sản xuất, các DN và các nhà phân phối lớn đua nhau lên sàn bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng với giá sỉ.
"Kinh doanh trên sàn ngày càng áp lực, chúng tôi bị áp tiến độ giao hàng cho đơn vị vận chuyển nếu không sẽ bị phạt. Giao hàng xong vẫn lo khách trả hàng, hoàn tiền coi như lỗ. Nhiều người khuyên tôi xây dựng website, ứng dụng bán hàng riêng, tôi không có đủ tài chính và cũng không hiểu biết nhiều nên rủi ro, thất bại sẽ càng lớn" - ông Đức Anh nói.
Chuyên gia TMĐT Lưu Thanh Phương cho biết nhiều DN nhỏ bắt đầu chuyển B2B sang D2C do lợi nhuận qua các kênh phân phối không còn hiệu quả. Điều này vô tình khiến những người bán lẻ online bị bóp nghẹt.
"Hiện nay, D2C là xu hướng được nhiều start-up và DN nhỏ chọn do độ thâm nhập thị trường cao, không qua kênh trung gian phân phối, giúp hạ giá bán. Đã có nhiều thương hiệu thành công từ mô hình bán trực tiếp đến người tiêu dùng, kể đến như Coolmate, Yody, Levents, Xiaomi... nhưng cũng có nhiều nhãn hàng, DN đã phá sản vì nghĩ dễ ăn" - ông Phương nói.
Chủ yếu để làm thương hiệu
Theo các chuyên gia lĩnh vực bán lẻ và TMĐT, hiện nay nhiều DN cũng rất đau đầu trong việc phát triển các kênh phân phối. Riêng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đa số DN kinh doanh trên TMĐT chủ yếu để làm thương hiệu cho DN và sản phẩm, bán hàng chỉ là yếu tố phụ.
"Với DN FMCG, nếu tăng trưởng doanh số trên TMĐT 1 thì giảm trên kênh thương mại trực tiếp đến 3-4. Chưa kể, với một số ngành hàng như sữa, trứng, chi phí để bán được 1 đơn vị sản phẩm trên sàn cao hơn nhiều so với bán ở điểm bán trực tiếp. Thế nhưng, với ngành hàng hóa mỹ phẩm thì sự tăng trưởng mạnh mẽ ở kênh trực tuyến đang khiến các cửa hàng bán trực tiếp phải co hẹp lại.
Trong khi ở ngành hàng điện tử, có sự dịch chuyển giữa cửa hàng phân phối sản phẩm với bán trên TMĐT nhưng hành vi mua sắm không thay đổi vì DN "đẩy" TMĐT để làm thương hiệu và một số mục đích khác; khách hàng đến cửa hàng xem mẫu sản phẩm rồi mua trên TMĐT để được hưởng ưu đãi" - vị chuyên gia dẫn chứng.
TS Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhà sản xuất chuyên môn hóa bằng cách tập trung nguồn lực cho sản xuất và bán sỉ cho DN/đại lý phân phối.
"DN/ đại lý phân phối sẽ có chuyên môn, nghiệp vụ lẫn công cụ để làm tốt việc phân phối bán hàng ra thị trường một cách hiệu quả nhất. Một số nhà sản xuất lớn, tiềm lực mạnh thì tổ chức chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý phân phối bán lẻ và có chính sách riêng cho hệ thống của mình. Nếu không, các kênh phân phối sẽ giẫm chân lên nhau, không những không có lợi mà còn gây thiệt hại cho DN" - ông Xuân Vũ cho biết.
Tuy nhiên, ông Vũ thừa nhận TMĐT phát triển nhanh và mạnh, buộc nhà sản xuất dù muốn dù không cũng phải tham gia vào sân chơi này. Bản thân Xuân Nguyên cũng xây dựng website để giới thiệu sản phẩm và bán hàng online nhưng chủ yếu là để quảng bá, giới thiệu chứ không nhằm phát triển doanh thu.
"Xu hướng các DN nhỏ và siêu nhỏ, các DN khởi nghiệp chưa đủ điều kiện tham gia vào kênh phân phối siêu thị, cửa hàng, chưa có sản lượng lớn... đang tận dụng kênh online để bán trực tiếp đến người tiêu dùng.
Trong nhiều trường hợp, họ phân phối sản phẩm chưa có đủ giấy tờ chứng nhận, chất lượng chưa được kiểm chứng với giá rẻ hơn nhiều so với giá của sản phẩm có thương hiệu, có giấy tờ chứng nhận đầy đủ và tạo nên sự cạnh tranh không sòng phẳng trên thị trường" - ông Vũ phản ánh.
Theo chuyên gia Lưu Thanh Phương, rủi ro lớn của mô hình D2C chính là sự phụ thuộc quá lớn vào các nền tảng bán hàng. Nếu sàn tăng phí hoặc khóa tài khoản, DN chắc chắn rơi vào khó khăn.
Đồng thời, mô hình này cũng chịu chi phí khá cao, chiếm đến 20%-25% doanh thu, bao gồm phí nền tảng, quảng cáo và vận chuyển, đóng gói, bao bì, hoàn hàng... Do đó, nguyên nhân khiến nhà bán lẻ online rời khỏi thị trường không hẳn do B2C mà là vì họ chưa có sự đầu tư bài bản về quy trình bán hàng gồm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, hậu mãi.
Theo Người lao động
Liên kết website
Ý kiến ()