Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:58 (GMT +7)
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn thịt đỏ?
Thứ 2, 23/10/2023 | 17:01:53 [GMT +7] A A
Ăn nhiều thịt đỏ (thịt có màu đỏ khi chưa nấu chín thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt nai, thịt cừu) có liên quan tăng nguy cơ đái tháo đường type 2.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố có thể giải thích mối liên hệ giữa thịt đỏ và đái tháo đường type 2. Một trong số đó là hàm lượng sắt cao trong thịt đỏ.
Sắt là một nguyên tố thiết yếu cho sự sản xuất hồng cầu và vận chuyển oxy trong máu. Tuy nhiên, khi sắt dư thừa trong cơ thể, nó có thể gây ra các phản ứng oxy hóa và viêm nhiễm, làm tổn hại các tế bào beta sản xuất insulin trong tụy. Ngoài ra, sắt cũng làm giảm khả năng phản ứng của các tế bào với insulin.
Một yếu tố khác là chất béo bão hòa trong thịt đỏ. Chất béo bão hòa là loại chất béo không có liên kết kép giữa các nguyên tử carbon trong phân tử.
Chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu, gây xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Chất béo bão hòa cũng có thể làm giảm khả năng phản ứng của các tế bào với insulin, gây kháng insulin.
Các chất bảo quản trong thịt đỏ đã qua chế biến, như nitrat, nitrit, natri hay các chất tạo màu có thể gây ra các phản ứng hóa học trong cơ thể, tạo ra các chất gây ung thư (nitrosamine) hoặc các chất gây viêm nhiễm. Các chất này có thể làm hỏng các tế bào beta hoặc làm giảm khả năng phản ứng của các tế bào với insulin.
Dùng thịt đỏ thế nào?
Một nghiên cứu về vấn đề ăn thịt đỏ với đái tháo đường type 2 vừa được đăng trên tạp chí Dinh Dưỡng Lâm Sàng Hoa Kỳ tháng 10 năm nay. Nghiên cứu có 216.695 người tham gia (81% nữ).
Có 22.761 trường hợp trong số này mắc đái tháo đường type 2. Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêu thụ thịt đỏ trên 2 khẩu phần/tuần (khoảng 200 gam), bất kể thịt đã qua chế biến (xông khói, muối, thêm chất bảo quản,…) hay chưa qua chế biến (có sao ăn vậy như luộc, hấp,…) đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, nguy cơ mắc đái tháo đường khi ăn thịt đỏ đã qua chế biến cao gấp 1,5 lần ăn thịt đỏ chưa qua chế biến. Việc thay thế thịt đỏ bằng các loại sữa, đậu làm giảm 1/3 nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
Vậy, chúng ta nên hạn chế lượng thịt đỏ tiêu thụ xuống dưới hai khẩu phần mỗi tuần (mỗi khẩu phần khoảng 85-100 gam).
Nên chọn các loại thịt ít chất béo, ít chế biến (có sao ăn vậy), có nguồn gốc từ động vật ăn cỏ thay vì động vật ăn cám. Khi ăn thịt đỏ, nên ăn kèm các loại rau xanh, trái cây. Có thể thay thế thịt đỏ bằng đạm từ thực vật.
Mặc dù phổ biến và giàu dinh dưỡng, nhưng thịt đỏ có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều hoặc không đúng cách. Bên cạnh tăng nguy cơ đái tháo đường type 2, thịt đỏ còn có một số tác dụng bất lợi
Dùng quá nhiều thịt đỏ dễ dẫn đến một số bệnh lý
- Ung thư: Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ, đặc biệt là thịt chế biến như xúc xích, giăm bông, thịt muối... sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng.
Điều này có thể do trong thịt đỏ có chứa hàm lượng myoglobin cao, là một chất oxy hóa có khả năng gây tổn hại cho các tế bào trong ruột. Ngoài ra, khi nấu chín hoặc nướng thịt đỏ ở nhiệt độ cao, sẽ tạo ra các chất gây ung thư như heterocyclic amines (HCA) và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAH).
- Bệnh tim: Thịt đỏ chứa một hàm lượng lớn protein và các chất gây xơ vữa động mạch. Theo số liệu thống kê, thực đơn có thịt đỏ nếu bổ sung thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tử vong là 13-14%.
- Bệnh gout và viêm khớp: Purin trong thịt đỏ làm hàm lượng axit uric trong cơ thể cao hơn khiến tăng nguy cơ bệnh gout và viêm khớp. Axit uric là một chất phụ sản của quá trình chuyển hóa purin, khi tích tụ quá nhiều trong máu sẽ kết tinh thành những tinh thể nhọn và gây viêm ở các khớp xương.
Bệnh gout và viêm khớp sẽ gây ra những triệu chứng như sưng, đau nhức, khó vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Tăng cân: Thịt đỏ có chứa nhiều calo và chất béo bão hòa, do đó nếu ăn quá nhiều sẽ dễ dàng tích tụ mỡ trong cơ thể và gây ra hiện tượng béo phì. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch...
Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh việc kiêng hoàn toàn thịt đỏ là có lợi. Vì vậy, lợi ích hay nguy cơ sẽ tùy thuộc vào cách bạn chọn nguồn thực phẩm và cách chế biến, cũng như kiểm soát hàm lượng tiêu thụ.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()