Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 04:42 (GMT +7)
Người cao tuổi và khuyến học
Chủ nhật, 30/09/2012 | 09:38:13 [GMT +7] A A
Một sự ngẫu nhiên thú vị, ngày đầu tiên của tháng mười là ngày Quốc tế Người cao tuổi thì ngay tiếp sau đó, ngày 2-10, lại là ngày Khuyến học Việt Nam. Dường như ở đây có một mối “lương duyên” nào đó chăng, bởi trong nhận thức của người dân Việt, nói đến khuyến học, không thể không nói đến vai trò của lớp người cao tuổi...
Điều này xuất phát từ quan điểm truyền thống, rằng học là để cho mình, nhưng cũng là để làm “rạng danh dòng tộc”… Và vì thế, động lực thôi thúc con cháu học hành giỏi giang, tấn tới, ngoài những nguyên nhân chủ quan khác, có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là để ông bà, cha mẹ “đẹp lòng”! Còn về phía các bậc trưởng lão, cao niên, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tuổi già chính là thấy con cháu thành đạt; chẳng thế mà dân gian vẫn có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc” đó sao?
Chính vì thế, ngay từ Đại hội lần thứ hai, (2001-2005), Hội Người cao tuổi Việt Nam đã xác định: Việc tham gia phong trào khuyến học ngay từ gia đình, dòng họ là một “nội dung quan trọng” của phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”. Và từ tháng 12- 2002, Hội cũng đã có đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX về xây dựng xã hội học tập. (Nếu không kể tới Hội Khuyến học, thì đây là tổ chức xã hội quan tâm bắt tay vào thực hiện chủ trương này của Đảng một cách sớm nhất).
Thực tế cũng đã cho thấy trong công tác khuyến học, vai trò người cao tuổi, cả trong cộng đồng cũng như trong mỗi gia đình, dòng tộc v.v.. là rất quan trọng. Từ việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình, dòng họ hiếu học v.v.. ở đâu biết phát huy vai trò của người cao tuổi thì ở đó các hoạt động này thu được hiệu quả tốt hơn, chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, trong “cái mạnh” không phải không có những “cái yếu” mà đôi khi ta thường hay bỏ qua. Người cao tuổi với công tác khuyến học cũng vậy! Là những người “đức cao vọng trọng”, tiếng nói của các cụ trong gia đình, dòng tộc và cả trong cộng đồng dân cư nữa, luôn có “sức nặng” với lớp trẻ. Nhưng cũng chính vì thế, nếu không thận trọng, cân nhắc, có khi cái “sức nặng” ấy lại trở thành sự áp đặt chủ quan. Ấy là khi nhận thức của lớp già và lớp trẻ trong việc “khuyến học” có sự không đồng nhất. Người già, do quan niệm cũ, thường gắn sự thành đạt trong học tập với sự đỗ đạt; từ đó việc khuyến học đồng nghĩa với việc khuyến khích con cháu phải giành được những học hàm, học vị càng cao càng danh giá, càng làm cho gia đình, dòng tộc “nở mày nở mặt”… Chỉ xin nêu một ví dụ; ở rất nhiều các gia tộc, thậm chí cả trong cộng đồng dân cư, nếu con cháu thi đỗ đại học thì được trích thưởng từ quỹ khuyến học của dòng tộc, thôn xóm; còn ngược lại, nếu đi học nghề chẳng hạn, thì không được biểu dương, khen thưởng. Chuyện này vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Và rõ ràng đây là một nhận thức lệch lạc về khuyến học; trong đó tác động từ phía người cao tuổi khá là quan trọng, nếu không nói là mang tính quyết định! Nói vậy để thấy, khuyến học là cần; nhưng khuyến học như thế nào lại càng cần hơn…
Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, xin mạo muội lạm bàn, nếu có gì thiếu sót, mong các bậc cao niên lượng thứ!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()