Dữ liệu vừa được Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) công bố cho thấy, tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý qua hệ thống của đơn vị này trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.
Cùng với giá trị giao dịch tăng mạnh, số lượng khách hàng trong năm 2021 cũng tăng trưởng hơn 80% so với năm 2020.
Một dữ liệu gây nhiều chú ý là tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS tiếp tục giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021.
Xu hướng giảm rút tiền mặt diễn ra trong bối cảnh các kênh thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục bùng nổ mạnh trong năm 2021. Nhiều kênh thanh toán quy mô rộng được đưa vào hoạt động và mở rộng tại Việt Nam như kênh kết nối hạ tầng thanh toán trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Quốc gia với 63 bộ ngành địa phương và 40 ngân hàng; chính thức kết nối chuyển mạch các giao dịch nội địa của thẻ quốc tế.
Việt Nam cũng chính thức có thương hiệu VietQR ứng dụng chuẩn chung trong thanh toán QR code, được coi là nền tảng để kết nối liên thông thanh toán giữa các ngân hàng và mở rộng kết nối thanh toán xuyên biên giới.
Số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, thị trường thẻ giai đoạn 2018-2021 có sự tăng trưởng tích cực, trên cả 4 mặt hoạt động gồm: Phát hành thẻ, sử dụng thẻ, thanh toán thẻ và phát triển mạng lưới.
Đáng chú ý, tổng số lượng thẻ phát hành, đang lưu thông đến cuối tháng 6.2021 đạt 110 triệu thẻ các loại, tăng 28% so với cuối năm 2018. Trong đó, 4 ngân hàng dẫn đầu về số lượng thẻ đang lưu hành gồm: Vietinbank với 16,9 triệu thẻ (chiếm 15%); BIDV với 15,3 triệu thẻ (chiếm 14%); Vietcombank với 15,1 triệu thẻ (chiếm 14%) và MB với 7,6 triệu thẻ (chiếm 7%).
Các dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh trong năm 2021 mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng, người dùng thẻ ngân hàng đã biết chi và tiêu qua app ứng dụng, thậm chí tiêu trước trả sau nhờ phát huy tối đa công năng dịch vụ tiện ích do tổ chức phát hành liên kết với các trung gian thanh toán mang lại.
Nhờ đó tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM liên tiếp giảm dần trong thời gian gần đây. Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường đạt 1.781.251 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, doanh số thanh toán chiếm 34% và doanh số rút tiền mặt chiếm 64%, con số này đã giảm so với cùng kỳ 2020 là 79%.
Theo tìm hiểu của Lao Động, phần lớn các ngân hàng hiện thu phí rút tiền tại ATM nội mạng lẫn ngoại mạng với mức phổ biến 1.100 - 3.300 đồng/giao dịch.
Các ngân hàng cho rằng việc thu phí rút tiền tại ATM là cần thiết do ngân hàng phải trang trải các chi phí từ việc thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, giám sát an toàn, tiếp quỹ và số tiền phải bỏ ra để nạp vào các cây ATM...
Một số ngân hàng trước đây cũng từng đề xuất tăng phí rút tiền tại ATM do chi phí lớn, ngân hàng phải thực hiện bù lỗ. Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua do gặp sự phản đối của người dùng.
Ý kiến ()