Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:00 (GMT +7)
Người gửi hồn vào than đá
Thứ 7, 20/03/2021 | 07:49:41 [GMT +7] A A
Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm ra đi khi mùa xuân đang đến, khi mà những ấp ủ sáng tác vẫn còn tràn trề…
Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm. |
Nhìn di ảnh của Nguyễn Tâm Nhâm, vẫn đôi mắt ấy, vẫn vầng trán và bộ tóc ấy khiến tôi không cầm được nước mắt. Lòng tôi ngập tràn sự xót xa, tiếc thương một con người tài năng đầy cá tính. Chỉ khi tiếp xúc nhiều với Nhâm, tôi mới hiểu được về Nhâm. Buồn quá Nhâm ơi! sao đã vội vàng ra đi đến thế! Còn biết bao nhiêu tác phẩm đang ấp ủ kia mà! Còn bao tác phẩm đang dang dở kia mà!
Cô giáo Tâm - vợ Nhâm, đưa tôi đi xem những tác phẩm điêu khắc của Nhâm mới được chuyển từ khu nhà cũ sang nhà mới ít ngày trước khi Nhâm ra đi. Nhiều quá! Một khối lượng tác phẩm điêu khắc than khổng lồ Nhâm đã sáng tác suốt cả cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Nhìn khối lượng tác phẩm điêu khắc mà Nhâm để lại cho đời thì mới thấy không biết bao nhiêu tấn than đá đã đi qua cái sức vóc nhỏ bé của Nhâm.
Cô Tâm nghẹn ngào nói với tôi:
- Nhà em ra đi, để lại cho mẹ con em biết bao mồ hôi công sức, cả máu và nước mắt của anh ấy trong suốt mấy chục năm làm nghệ thuật. Bây giờ dang dở thế này, đau đớn quá! Em chẳng biết làm sao bây giờ!
Hình ảnh Nhâm đang ngồi bên tác phẩm điêu khắc than đá cứ hiện lên trong tôi. Vẫn cặp kính trắng, vẫn bộ đồ bảo hộ lao động bám đầy mạt than lấp lánh sáng. Vẻ hào hứng đầy phấn khích khi nói về nghệ thuật luôn bùng lên trong Nhâm. Hình như Nguyễn Tâm Nhâm sinh ra để mà tất bật, miệt mài với công việc. Nếu như có nói chuyện thì cũng không ngoài chuyện nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Mới tiếp xúc và nghe Nhâm nói, người ta dễ đánh giá Tâm Nhâm là người thích khoe vốn hiểu biết của mình, thực ra không phải như thế, nếu chịu khó lắng nghe sẽ thấy được ở nhà điêu khắc này có vốn hiểu biết về nghề khá phong phú, chỉn chu, bởi Nhâm có trí nhớ khá tốt và nếu được nhìn tận mắt những tác phẩm điêu khắc của Nhâm thì sẽ tin những điều Nhâm nói là thật.
Nguyễn Tâm Nhâm là người con của đất mỏ Cẩm Phả. Nhâm nhỏ bé, còi cọc, được sinh ra trong một gia đình nghèo và không mấy hạnh phúc. Từ những năm tháng đầu đời, đôi chân gầy guộc gần như không nâng nổi thân xác Nhâm. Nhâm sống trong cô đơn vì bạn bè cùng trang lứa được chạy nhảy nô đùa với trái bóng, với con quay, với khăng, với đáo. Bạn thân của Nhâm là những viên bi, những con giống ngô nghê bằng than kíp lê, tự tay kì cạch gọt đẽo. Nhâm tha thẩn chơi một mình dưới hàng dâu da bên vỉa hè bốn mùa đen nhẻm bởi bụi than. Cuộc đời Nhâm cứ thế lặng thầm mà lớn dần lên. Nhiều người nói số Nhâm là như vậy. Nhâm sẽ phải cam chịu sống với thân hình dặt dẹo suốt đời.
Khi được hỏi về đời tư, Nhâm đã nói với tôi: “Tôi không nghĩ thế, từ khi còn là cậu bé còi cọc, yếu ớt, đôi chân không bước qua nổi cái tường rào cao chừng bốn chục cm nhưng tôi đã tự hứa với mình phải quyết tâm sống, quyết tâm đứng lên và bước đi vững vàng trên đôi chân của mình. Thế rồi tôi đã làm được điều đó, tôi đã đi lên bằng chính đôi chân của mình nhờ ý chí quyết tâm rèn luyện. Con đường tôi chọn để bước vào đời thật không đơn giản, dễ hiểu thôi bởi với sức vóc nhỏ bé và đôi chân yếu, tôi không thể cầm cuốc vào lò mà đào than được. Tôi phải tìm cho mình cái nghề để mà sống, mà tồn tại. Tôi sinh ra, lớn lên trên than và rồi tôi đã “gặp” than. Than đã như hòa nhập vào cuộc đời tôi, tâm hồn tôi như một cặp bài trùng. Hình như trời cho tôi đôi chân không được bằng người thì lại cho tôi đôi bàn tay kỳ lạ. Tôi có cảm giác như tay tôi có một con mắt “nhìn” vào từng viên than mà thấy được những gì nằm trong đó, rồi tôi chỉ việc bóc tách phần vỏ ngoài là sẽ hiện ra những gì mà tay tôi đã “thấy”. Từ năm lên bảy, tôi đã có những “tác phẩm” mỹ nghệ đầu tiên khiến nhiều bà con trong phố ngạc nhiên. Ngày ấy hàng mỹ nghệ được làm bằng than kíp lê đang rất phát triển. Tôi có thể đứng hàng giờ để xem các bác, các anh đục đẽo than làm hàng mỹ nghệ mà không chán. Về nhà, tìm trong đống than những viên than kíp lê ưng ý, tôi cắt gọt bằng con dao mẹ tôi làm bếp. Khi con thú hình thành thì cũng là lúc con dao của mẹ cũng mòn vẹt khiến mẹ la toáng lên. Cha tôi lừ lừ rút roi định đánh nhưng khi thấy con thú trong tay tôi, ông lặng lẽ vứt roi không nói gì. Có lẽ cha tôi đã thấy được điều gì đó ở tôi. Ít lâu sau, cha tôi đem về một bộ đồ nghề đục đẽo than mỹ nghệ, ông bày ra trước mặt tôi, nói: “Nếu con thích thì con cứ làm, làm cho ra làm để mà kiếm sống sau này con ạ!”.
Nhâm bắt đầu kiếm sống từ ngày ấy. Ngoài giờ đi học và giúp cha mẹ công việc trong nhà ra, Nhâm lao vào chế tác những mặt hàng theo mẫu người ta bày bán, rồi đem giao cho các cửa hàng. Không ít người tưởng Nhâm ăn cắp của ai đó để đem bán, nhưng khi thấy đôi bàn tay và bộ quần áo đen nhẻm vì bột than, họ hiểu sản phẩm đó là do Nhâm làm ra và họ đã mua.
Một số tác phẩm điêu khắc than đá của Nguyễn Tâm Nhâm. |
Cậu bé Nhâm đã kiếm tiền giúp cha mẹ từ thủa lên chín, lên mười. Vì hoàn cảnh gia đình, Nhâm học xong lớp bảy đã phải nghỉ học để đi làm công nhân mỏ than Cọc Sáu. Lãnh đạo mỏ Cọc Sáu biết Nhâm có khả năng làm hàng mỹ nghệ bằng than, họ đã giao cho Nhâm làm những sản phẩm mỹ nghệ để tặng khách đến mỏ. Ngoài thời gian làm “hàng mỹ nghệ”, Nhâm vẫn phải lên mỏ xúc than như những công nhân khác. Giờ nghỉ ở nhà, Nhâm đã ngấm ngầm sáng tác những tác phẩm điêu khắc cho riêng mình, anh khát khao được đi học mỹ thuật. Nhâm dành dụm tiền lương tìm mua những cuốn sách mỹ thuật để tự học. Nhâm như người mò mẫm trong đường hầm để tìm đường ra thì gặp luồng ánh sáng từ những cuốn sách đó. Nhâm đã định hướng cho cuộc đời mình là phải lao vào điêu khắc than, bởi than đã gắn bó với cuộc đời Nhâm từ khi còn tấm bé. Nhâm nói: “Người ta nói Than là vàng đen, còn tôi nói than là ngọc sáng trong cuộc đời tôi!”
Năm 1994, Nhâm tốt nghiệp Trường Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh, rồi tiếp tục học lên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và tốt nghiệp đại học vào loại giỏi năm 2001. Nhâm được chuyển công tác về Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Càng làm, càng học, Nhâm càng vỡ ra nhiều điều mới lạ trong nghệ thuật. Nhâm đã nhận thấy rằng việc định hướng đi của mình từ mấy chục năm trước là hoàn toàn đúng. Nhâm nói: “Cuộc đời tôi đã gắn bó với than. Tôi vịn vào than mà đi lên...”.
Nguyễn Tâm Nhâm được các nhà điêu khắc danh tiếng trong nước đánh giá là: “Một hiện tượng của điêu khắc Việt Nam”. Tác phẩm điêu khắc than của Nguyễn Tâm Nhâm đã có trong bộ sưu tập về điêu khắc của các nước Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc.... Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm đã được xác lập kỷ lục Ghi nét của Việt Nam về 56 tác phẩm điêu khắc chân dung Picasso bằng than đá.
Nguyễn Tâm Nhâm cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ sáng tác, sáng tác miệt mài không biết mệt mỏi, mấy chục tấn than kíp lê đã qua tay ông để hình thành chừng bốn ngàn tác phẩm lớn, nhỏ được người đời ghi nhận và đánh giá cao.
Nguyễn Tâm Nhâm ra đi bất ngờ quá, tác phẩm điêu khắc đang còn dang dở vẫn đứng nguyên đó trong xưởng chế tác của Nhâm, như đợi bàn tay Nhâm về hoàn thiện, như đợi Nhâm về thổi hồn vào cho trọn vẹn...
Nhâm vẫn còn lũ học trò nhỏ mà Nhâm dạy vẽ. Lũ trẻ ấy - lũ học trò ấy nói với cô giáo Tâm vợ ông: “Cô ơi! Cô cứ để chúng con lên học vẽ trên nhà như khi thầy còn đang sống dạy chúng con...”. Rồi đây lũ trẻ ấy, lũ học trò ấy sẽ lại nối tiếp những gì thầy Nguyễn Tâm Nhâm đang còn dang dở..!
Hoài Giang
Liên kết website
Ý kiến ()