Những dấu hiệu ban đầu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dường như thấp hơn so với cuộc bầu cử hội đồng lập pháp hồi năm 2016. Sau 4 giờ, các số liệu của chính quyền đặc khu cho thấy 12,08% cử tri đã đi bầu, giảm so với mức 14,9% tại cùng thời điểm 4 năm trước.
Một số người đầu tiên bỏ phiếu khi hòm phiếu mở cửa lúc 8h30 cho biết họ muốn thực hiện nghĩa vụ công dân để đảm bảo sự ổn định của đặc khu.
Giảng viên ngôn ngữ Tam Po-chu, 79 tuổi, bày tỏ bà hy vọng hội đồng mới sẽ được công chúng hưởng ứng. "Sẽ chẳng ích gì nếu họ không nghĩ cho người dân Hong Kong", bà nói.
Những người khác nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu, bày tỏ giận dữ trước những thay đổi về quy định bầu cử.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam là một trong số những người đầu tiên đi bầu. Bà nói với các phóng viên tại một điểm bỏ phiếu ở ngoại ô thành phố rằng giới chức "không đặt ra bất kỳ mục tiêu nào" về tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử và bà không hay biết về bất kỳ quy định nào từ ban lãnh đạo ở Trung Quốc.
An ninh được thắt chặt xung quanh thành phố, với 10.000 cảnh sát và khoảng 40.000 nhân viên bầu cử được điều động. Cảnh sát trưởng Raymond Siu cho biết việc làm này là nhằm đảm bảo cuộc bỏ phiếu diễn ra an toàn, suôn sẻ.
Chánh văn phòng John Lee kêu gọi người dân đi bầu, nói rằng người không bỏ phiếu là "những kẻ phản bội" chỉ muốn cuộc bầu cử thất bại.
Hội đồng lập pháp Hong Kong có các chức năng chính là ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ luật; kiểm tra, phê duyệt ngân sách, thuế và chi tiêu công; chất vấn về hoạt động của chính quyền. Ngoài ra, hội đồng cũng được trao quyền chứng thực bổ nhiệm và bãi nhiệm các thẩm phán cũng như quyền kết tội trưởng đặc khu.
Từ 153 ứng viên sẽ có 90 người được bầu vào hội đồng lập pháp Hong Kong mới. Tuy nhiên, chỉ 20 thành viên do các khu vực bầu trực tiếp, 40 người do ủy ban bầu cử bầu ra, 30 thành viên do các nhóm chức năng bầu.
Quốc hội Trung Quốc hồi tháng ba công bố những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống bầu cử Hong Kong, trong đó có giảm số ghế được bầu trực tiếp và thành lập một ủy ban kiểm duyệt để sàng lọc tất cả các ứng cử viên, nhấn mạnh rằng chỉ "những người yêu nước" mới có thể điều hành thành phố.
Một số chính phủ nước ngoài, trong đó có Mỹ, cho rằng những thay đổi về bầu cử đã làm giảm tính dân chủ của đặc khu.
Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc và Hong Kong bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định những thay đổi về bầu cử và luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào năm ngoái là cần thiết để tăng cường khả năng quản trị của đặc khu và khôi phục ổn định sau các cuộc biểu tình năm 2019.
Ý kiến ()