Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 00:37 (GMT +7)
Người phát ngôn
Chủ nhật, 31/08/2008 | 08:57:25 [GMT +7] A A
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, hơn 1 năm kể từ khi Quy chế Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có hiệu lực, mới chỉ có 28 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện (bố trí người phát ngôn) và hoạt động cũng mới chỉ dừng lại ở mức họp báo định kỳ. Yêu cầu quan trọng nhất của quy chế này là nhằm giúp báo chí (đồng nghĩa với dư luận xã hội) tiếp cận nhanh, chính xác nhất với các thông tin chính thống từ các cơ quan công quyền.
Nhưng, yêu cầu đó không những chưa đạt được mà, thậm chí, "người phát ngôn" còn trở thành "cớ" để một số người có thẩm quyền, một số cơ quan từ chối trách nhiệm thông tin.
Khi quy chế này vừa được ban hành (tháng 5.2007), Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (khi đó là Bộ Văn hóa - Thông tin) Đỗ Quý Doãn đã khẳng định: "Cơ chế người phát ngôn không thay thế hoạt động cung cấp thông tin chuyên môn bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước". Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, sau đó rất nhiều lần nhắc lại trên báo chí rằng: "Báo chí hoạt động theo luật, khi nhà báo quan tâm đến một vấn đề chuyên môn nào đó, có thể gặp, trao đổi với người có trách nhiệm, am hiểu vấn đề của cơ quan hành chính Nhà nước mà không phụ thuộc vào người phát ngôn".
Quan điểm đúng đắn này được quán triệt ở nhiều cơ quan. Chánh văn phòng - người phát ngôn của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Minh cho biết: "Bộ Xây dựng không chủ trương mọi thông tin đều phải qua người phát ngôn để hạn chế báo chí tiếp xúc và tìm hiểu thông tin chuyên môn từ các đơn vị cấp dưới". Bên cạnh một Bộ Công thương phản ứng rất nhanh trước những thông tin không chính xác về giá lúa gạo, giá xăng dầu... là rất nhiều cơ quan không coi việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí là một thứ quyền mà mình cần tận dụng (chưa nói đó còn là trách nhiệm!). Không hiểu vô tình hay hữu ý, không ít cơ quan đã vận dụng Quy chế Người phát ngôn bằng các quy định cứng nhắc. Thứ trưởng một bộ khi được đề nghị trả lời phỏng vấn về lĩnh vực mà ông này phụ trách đã nói rằng: "Bộ đã có quy định rồi, chỉ người phát ngôn được trả lời thôi, nhà báo liên hệ với chánh văn phòng (kiêm người phát ngôn - NV) nhé" (?). Cũng ở bộ này, một vụ trưởng vốn được tiếng cởi mở với báo chí cũng đành gợi ý rằng, phóng viên phải gửi câu hỏi phỏng vấn đến người phát ngôn, "nếu được yêu cầu tôi sẽ trả lời".
Lại có một bộ khác, người phát ngôn cũng là một chánh văn phòng cẩn thận đến mức, nhất nhất vấn đề gì cũng phải "gửi bằng văn bản chúng tôi sẽ trả lời". Nhưng các văn bản đề nghị cung cấp thông tin gửi đến bộ này ít khi nào có hồi âm...
Đa số các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố hiện bố trí chánh văn phòng làm người phát ngôn, điều này cũng hợp lý vì ở mức độ nào đó, chánh văn phòng là người nắm giữ các đầu mối thông tin nhưng rắc rối sẽ phát sinh khi thông tin yêu cầu thuộc những vấn đề về chuyên môn sâu, chuyên ngành hoặc học thuật. Trong một cuộc gặp mặt báo chí gần đây, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói, sẽ báo cáo Thủ tướng và kiến nghị có biện pháp xử lý đối với cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm Quy chế Người phát ngôn. Nhưng, vấn đề đặt ra ở chỗ, không chỉ là làm sao để các bộ, ngành, phải chấp hành một quy định được ban hành bởi Thủ tướng, mà còn ý thức, đó chính là trách nhiệm của các cơ quan ấy trước nhân dân.
Liên kết website
Ý kiến ()