Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:14 (GMT +7)
Người phụ nữ giàu nghị lực
Thứ 2, 09/05/2022 | 10:23:59 [GMT +7] A A
“Mất đi một phần cơ thể, nhưng được sự giúp đỡ của mọi người, nên tôi đã vượt qua sự khốn khó, vượt lên số phận”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Sâm, người phụ nữ khuyết tật tại thôn Tân Hà, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà. Bằng nghị lực mạnh mẽ, chị Sâm không chỉ tạo dựng cho gia đình một cuộc sống ổn định, nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác vươn lên trong cuộc sống.
Năm 1997 chị Nguyễn Thị Sâm (SN 1975, tại Nghệ An) kết hôn cùng anh Chu Văn Thi; năm 2000, gia đình chị chuyển về quê chồng ở xã Tân Bình, huyện Đầm Hà sinh sống. Anh chị có với nhau 3 người con.
Chị Sâm chia sẻ: Những ngày đầu theo chồng về quê lập nghiệp, chúng tôi sinh sống trong một căn lán nhỏ được dựng lên tạm bợ. Hằng ngày, tôi dậy từ 3-4h, đạp xe trung bình khoảng 20km khắp các thôn bản vùng cao từ xã Quảng Lâm sang xã Quảng An để bán hàng rong. Tuy vất vả, nhưng cũng kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
Biến cố xảy ra năm 2007, chị Sâm bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi lấy hàng về bán, phải cắt bỏ một bên chân phải. Do vết thương quá nặng, chị phải chuyển viện qua nhiều tuyến, chân bị hoại tử. Sau 6 tháng nằm điều trị, chị Sâm được ra viện, kinh tế gia đình kiệt quệ, trong nhà không còn tài sản gì đáng giá. Nhưng điều làm chị Sâm tuyệt vọng nhất là từ một phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn, nay trở thành một người khuyết tật. Mỗi lúc nghe tiếng khóc của đứa con thứ 3 mới hơn 1 tuổi, chị càng thêm đau lòng, lo lắng không thể trở thành chỗ dựa, chăm sóc các con còn nhỏ dại.
Năm 2012, Hội Phụ nữ xã Tân Bình đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH cho gia đình chị vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chị Sâm mua bầu, hạt tự mình mày mò, học hỏi, đóng bầu ươm cây giống. Khởi nghiệp với 3,5 vạn cây giống keo, quế, bạch đàn, chè đã cho chị thu lãi. Nhìn thấy triển vọng từ việc ươm cây giống, chị Sâm dần mở rộng diện tích, lấy ngắn nuôi dài, chăm chỉ, chịu khó chăm sóc vườn ươm.
Sau bao nỗ lực, trái ngọt đã đến với gia đình chị. Vườn ươm keo giống của gia đình ngày càng được mở rộng, tạo được uy tín với khách hàng. Hiện tại, gia đình có khoảng 5.000m2, mỗi năm xuất hơn 100 vạn cây giống, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm 2017, chị đã xây được căn nhà khang trang trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
Không chỉ nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, chị Sâm còn tạo công ăn việc làm hằng tháng cho 5-10 lao động tại địa phương với thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng trở lên/người. Chị Sâm cũng là người vợ, người mẹ đảm đang, chăm sóc, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, trưởng thành. Hiện nay con trai lớn đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, con gái thứ 2 đang học Đại học Dược, con trai út đang học cấp 3.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bình Phạm Thị Quý, người đã đồng hành cùng chị Nguyễn Thị Sâm suốt những năm qua nhận xét: Trong cuộc sống mỗi người có một số phận, một hoàn cảnh, nhưng với chị Sâm, bằng nghị lực và ý chí của mình, chị đã vượt qua những khó khăn, gây dựng mô hình phát triển kinh tế thành công, xứng đáng là tấm gương không chỉ cho những người khuyết tật, mà cả những người bình thường khác noi theo.
Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()