Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 21/12/2024 03:05 (GMT +7)
Người Sán Dìu Quảng Ninh giữ gìn văn hóa dân tộc
Thứ 7, 08/12/2018 | 09:14:27 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh giao thoa văn hóa của cuộc sống hiện đại, cộng đồng người Sán Dìu Quảng Ninh đã và đang cố gắng lưu giữ nhiều nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc.
Các thành viên CLB hát Soọng cô xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) tập hát. |
Người Sán Dìu ở Quảng Ninh sống tập trung ở một số huyện, thành phố như: Vân Đồn, Cẩm Phả và sống xen kẽ với các dân tộc khác ở Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… Nhìn chung, văn hóa người Sán Dìu khá phong phú, thể hiện ở các phong tục, tập quán, lễ nghi. Nghề chính của người Sán Dìu là làm ruộng nên họ có rất nhiều nghi lễ về nông nghiệp. Trong một năm, người Sán Dìu có nhiều lễ tiết như: Lễ hội Đại phan, lễ cầu an, lễ cầu mùa, Tết Mười Tư (14/7 âm lịch), lễ rửa cày bừa hoặc lễ lên đồng, v.v..
Văn hóa ẩm thực của người Sán Dìu cũng hết sức phong phú và độc đáo. Người Sán Dìu Quảng Ninh đang bảo tồn món bánh bạc đầu, bánh tài nồng ệp, món khau nhục, canh gà bản địa nấu với rượu và lá ngải cứu, thịt muối, cháo khoai, sắn. Tất cả được chế biến từ những nguyên liệu sẵn trong đời sống của họ. Nhiều món ăn đã trở thành đặc sản, không thể thiếu khi tiếp đón khách quý hoặc mỗi dịp lễ, Tết của người Sán Dìu.
Độc đáo nhất và tập trung nhiều nét văn hóa nhất trong các lễ hội dân gian của người Sán Dìu là lễ Đại phan. Lễ Đại phan thường được người Sán Dìu tổ chức vào dịp cuối năm, kéo dài tới 5 ngày, 4 đêm gắn liền với nghi thức tâm linh, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu siêu cho các vong hồn chết đường, chết chợ, giải hạn. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Sán Dìu tích hợp trong lễ hội Đại phan gồm có: Thiết chế nhà sinh hoạt cộng đồng, miếu thờ tổ, trang phục truyền thống, ẩm thực dân gian, hát Soọng cô, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc v.v..
Lễ hội Đại phan của người Sán Dìu xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. |
Tuy nhiên, khoảng hơn nửa thế kỷ qua, lễ hội Đại phan nói riêng và nét đẹp văn hóa của người Sán Dìu nói chung đã có nguy cơ mai một. Nghiên cứu văn hóa của tộc người Sán Dìu sẽ giúp chúng ta hiểu sâu những giá trị văn hóa phong phú của họ đóng góp vào kho tàng văn hóa các dân tộc Quảng Ninh, giúp nhận thức đầy đủ văn hóa của một tộc người được tích lũy, chắt lọc trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Gần đây, bà con Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn), Cộng Hòa (TP Cẩm Phả), Thống Nhất (huyện Hoành Bồ) đã phục dựng lễ hội Đại phan.
Mới đây, UBND xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) đã tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu năm 2018. Ngày hội có nhiều hoạt động thể thao như: Thi kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu; ẩm thực dân tộc như: Thi gói bánh lá hẹ, bánh bạc đầu, thi trưng bày mâm cỗ cúng của người Sán Dìu; giao lưu hát Soọng cô, lễ hát đối đón dâu, hát giao duyên, xem các thầy cúng thực hiện nghi lễ leo gươm trong lễ hội Đại phan. Đây là lần đầu tiên một ngày hội văn hóa thể thao của người Sán Dìu được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Yên.
Để thực hiện công tác bảo tồn một cách bài bản, UBND huyện Vân Đồn đã xây dựng đề án “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy Lễ hội Đại phan và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020”. Mục tiêu của đề án là trên cơ sở bảo tồn để nhân rộng và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống đặc trưng của người Sán Dìu gắn với phát triển kinh tế du lịch, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội phát triển. Đề án tập trung bảo tồn và phát huy công năng nhà văn hóa dân tộc, phục dựng miếu thờ tổ, thờ thành hoàng ở xã Bình Dân, mở các lớp truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống trọng tâm: Trang phục, ẩm thực; cây trồng, vật nuôi; âm nhạc, dân ca dân vũ; trò chơi dân gian; ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết; nghề thủ công truyền thống; nghi lễ cấp sắc; lễ Đại phan.
Ông Hồ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Vân Đồn, cho biết: "Để các thế hệ trẻ tham gia trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tự hào với truyền thống văn hóa của tổ tiên để có ý thức bảo tồn cũng là dịp gắn kết cộng đồng làng xóm cũng như các mối quan hệ họ tộc. Đề án không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn phát huy giá trị di sản trong khai thác du lịch của địa phương”.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa người Sán Dìu Quảng Ninh, có những nỗ lực của cá nhân. Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn hóa Sán Dìu Việt Nam, một người con của Quảng Ninh đã có nhiều chương trình sưu tầm, bảo tồn văn hóa Sán Dìu, văn hóa đình làng Quang Hanh (TP Cẩm Phả) và đã cùng với cộng sự nghiên cứu bộ chữ Latinh phát âm Sán Dìu nhằm truyền dạy và bảo tồn tiếng nói của người Sán Dìu cho thế hệ trẻ.
Huỳnh Đăng[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()