CEO Tesla nhiều lần chê bai Twitter sau khi công bố sẽ mua mạng xã hội. Điều này trực tiếp khiến giá cổ phiếu công ty giảm tới 26% kể từ tháng 4. Giới quan sát nhận định, Musk đang trả quá cao cho Twitter. Theo Barrons, Musk định giá 54,2 USD mỗi cổ phiếu Twitter, cao gấp đôi so với khi định giá hai mạng xã hội mạnh hơn là Meta và Snap.
Nhà phân tích công nghệ Dan Ives của Wedbush thậm chí so sánh với giao dịch "dùng trứng cá muối thượng hạng để đổi lấy miếng pizza trị giá 2 USD". "Đây là một giao dịch tồi đối với tỷ phú Mỹ, cũng như đối với hơn một chục nhà đầu tư đã ủng hộ ông cho thương vụ 44 tỷ USD", Ives nói với Reuters.
Khối tài sản của Musk phần lớn gắn liền với giá cổ phiếu của Tesla. Nhưng kể từ khi công bố mua Twitter, cổ phiếu Tesla giảm 28%, còn tài sản của Musk cũng "bốc hơi" khoảng 30 tỷ USD và hiện còn hơn 200 tỷ USD.
Vị thế của Twitter cũng không còn được như ban đầu. "Chúng tôi tin Twitter đã kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với cách đây nửa năm. Mạng xã hội giờ đây thiếu sự ổn định, không có tính năng mới do chạy theo các vấn đề pháp lý thời gian qua", hai nhà phân tích Mark Kelley và Thomes Doheny của Stifel nhận xét.
Không chỉ Musk và Twitter, các ngân hàng như Morgan Stanley và Bank of America cũng phải chịu thiệt hại. "Các ngân hàng đang dựa lưng vào tường. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cấp vốn cho thương vụ vì đã có những cam kết trước đó", Ives nói.
Cuộc chiến pháp lý có thể sẽ buộc các nhà đầu tư như người sáng lập Oracle Larry Ellison hay CEO Morgan Stanley James Gorman phải ra tòa làm chứng. Khi đó, họ có thể phải trả lời nhiều câu hỏi về các trao đổi mật qua tin nhắn bị tiết lộ gần đây.
"Do đó, Musk thậm chí phải đẩy nhanh thương vụ và tìm cách hủy phiên xử. Thiệt hại từ phiên tòa có thể khiến mối quan hệ giữa ông với những người bạn tỷ phú lâu năm trở nên tồi tệ", Gerard Filitti, cố vấn cấp cao tại The Lawfare Project, nói với Business Insider.
Nhân viên Twitter cũng không vui vẻ gì trong thương vụ. Theo New York Post, sau thông tin Musk sẽ lại mua Twitter, nhiều nhân viên cảm thấy lo lắng, tức giận và bày tỏ sự bất mãn ngat trên nền tảng. Một số thậm chí cho biết sẽ nghỉ việc nếu Musk tiếp quản công ty.
"Vai trò chính của một nhân viên với công ty là tập trung vào công việc. Nhưng giờ đây, tâm trí họ chỉ nghĩ đến ai sẽ là ông chủ và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Harry Kraemer, giáo sư quản lý và chiến lược tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern.
Theo Business Insider, hàng trăm nhân viên Twitter đã rời khỏi công ty kể từ tháng 6, phần lớn là do lo ngại liên quan đến khả năng lãnh đạo của Musk.
Chiến thắng dành cho ai
Twitter gần như đã "ép" thành công khiến Musk phải ngồi vào đàm phán để quay lại hoàn tất những gì đã cam kết cách đây nửa năm. Tuy nhiên, chiến thắng này không hoàn hảo.
Theo Filitti, Twitter đang đạt được chính xác những gì họ muốn là mức giá mà Musk đưa ra. Đồng thời, công ty cũng tránh được mức phí "cắt cổ" của vụ kiện, vốn sẽ gây thiệt hại đáng kể cho công ty và tất cả những bên liên quan.
Dù vậy, theo phó giáo sư Paul Regan của Viện Luật Doanh nghiệp & Kinh doanh Delaware, câu hỏi về khả năng phục hồi của Twitter sau khi Musk tiếp quản công ty vẫn còn bỏ ngỏ. "Tương lai của Twitter rất khó đoán, khi Musk bây giờ trở thành một người mua bất đắc dĩ", Regan nhận xét.
Trong khi đó, các cổ đông của Twitter là những người được lợi nhất sau thương vụ. Một số cá nhân đã thu về hàng trăm triệu USD sau khi cổ phiếu Twitter tăng trở lại. Chẳng hạn, nhà đầu tư tỷ phú kiêm chủ tịch của Icahn Enterprises đã rót 500 triệu USD vào Twitter trong vài tháng qua. Sau khi Musk nói sẽ quay lại thương vụ, cổ phiếu tăng 26%, giúp ông có thêm ít nhất cả triệu USD, theo WSJ.
Tương tự, quỹ Pentwater Capital có trụ sở tại Florida cũng kiếm được khoảng hơn 200 triệu USD nhờ cổ phiếu Twitter tăng giá, theo CNBC. Pentwater Capital hiện là một trong những cổ đông lớn nhất của mạng xã hội.
Parag Agrawal, CEO Twitter, cũng là cái tên được nhắc đến. Ông bất đắc dĩ lên nắm quyền điều hành công ty thay cho người sáng lập Jack Dorsey. Thời gian qua, ông chịu nhiều lời chỉ trích khi chèo lái con thuyền Twitter trong sóng gió. Do bất đồng với Musk, Agrawal được dự đoán sẽ mất vai trò CEO sau khi thương vụ hoàn tất. Theo Business Insider, kể cả khi điều đó xảy ra, ông vẫn giữ lại được hình ảnh đẹp đẽ trước nhân viên và công chúng.
Ngoài ra, đội ngũ luật sư cũng thu về số tiền lớn. Theo các chuyên gia nói, Musk có thể vẫn phải chi tới 200 triệu USD cho các chi phí pháp lý sau khi các luật sư dành hàng tháng để nộp gần một nghìn bức thư cho tòa án và hàng trăm trát đòi hầu tòa.
Theo Anat Alon-Beck, giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Case Western Reserve, các nhà tranh tụng, luật sư phụ trách mua bán và sáp nhập có thể kiếm 2.500 USD một giờ. Bà ước tính chi phí cho luật sư của Musk vào khoảng 30 triệu USD. "Người thắng lớn nhất trong thương vụ này là các công ty luật", Alon-Beck nói.
Ý kiến ()