Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:31 (GMT +7)
Người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam
Chủ nhật, 21/06/2020 | 10:22:24 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng. Bác Hồ không chỉ là một lãnh tụ thiên tài vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, mà còn là người thầy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội xung kích trong công tác tư tưởng văn hóa, để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.
Bác Hồ đã để lại một gia sản vô cùng to lớn cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, để lớp lớp những người làm báo sau này luôn soi mình vào đó, không ngừng học hỏi, trau dồi, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Bác Hồ để lại ấn tượng sâu sắc nhất là đức tính giản dị, khiêm tốn trong cuộc sống đời thường đến cách nói, cách viết, cách tiếp xúc với quần chúng nhân dân. Khi viết báo, Người luôn chú ý tới vấn đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Những câu hỏi ấy nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng để thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm thì những người làm báo còn phải học tập mãi, không ngừng tu dưỡng.
Ngày nay, những người làm báo luôn không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là luôn thi đua học tập thật tốt phong cách làm báo của Người. Trong đó, học cách viết dung dị, dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề cụ thể, thiết thân của cuộc sống, của quốc gia bằng ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng.
Mỗi người làm báo luôn khắc ghi lời dạy của Bác, như: Viết báo phải có căn cứ. Bác nhấn mạnh: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ để thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ. Nếu không như thế thì không nên viết.
Viết cho sát đối tượng: Bác căn dặn: “Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Viết cho ai xem, nói cho ai nghe?” “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.
Bác còn nhấn mạnh: Viết báo phải ngắn gọn, giản dị. Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, trình bày rõ ràng, phải đi thẳng vào nội dung, không lan man khoe chữ.
Viết sinh động, lôi cuốn: Bởi đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc.
Viết thẳng thắn, có tính chiến đấu: Làm báo là tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng bằng những thông tin chọn lọc, có căn cứ, phê bình những thói hư tật xấu trong sinh hoạt xã hội và xây dựng đạo đức mới. Việc này đòi hỏi người viết báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, dám bảo vệ cái đúng, không uốn cong ngòi bút.
Khiêm tốn sửa bài của mình: Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén, nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”.
Ngày nay, trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đa phương tiện, bùng nổ về thông tin, công nghệ, báo chí đang chịu một sức ép vô cùng lớn, phải cạnh tranh rất mạnh mẽ với các trang mạng xã hội, báo chí không chính thống… Chính vì vậy, việc thi đua học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh càng phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, để truyền tải thông tin thật nhanh, thật chính xác và có tâm đến độc giả, công chúng.
Và để có “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như lời cố nhà báo Hữu Thọ, mỗi nhà báo hôm nay cần phải ra sức, không ngừng học hỏi, tu dưỡng bản thân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, rèn luyện tính chiến đấu, tấm lòng trong sáng, chân thành để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân thông qua những tác phẩm báo chí, qua đó góp phần xây dựng quê hương, xây dựng Đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()