Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:21 (GMT +7)
Những sản phẩm có một không hai
Thứ 2, 12/08/2024 | 06:09:23 [GMT +7] A A
Dù chưa một ngày học về mỹ thuật, thiết kế hay đồ họa, chỉ là một công nhân mỏ nghỉ hưu, nhưng với óc sáng tạo, bàn tay khéo léo, niềm đam mê, ông Nguyễn Đức Toàn (SN 1972, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) đã biến rác thải thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có "102", hồi sinh thành những sản phẩm hữu ích, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Từ những mảnh ghép
Chúng tôi tới thăm nhà ông Toàn trong những ngày nhân dân Vùng mỏ và cả nước hướng về Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi không khỏi thán phục trước bức tranh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được làm nên từ những mảnh kính cường lực, đặt trang trọng trong ngôi nhà của ông. Để bày tỏ sự đau buồn, thương tiếc, tôn kính sâu sắc tới nhà lãnh đạo đã dành trọn đời mình cho dân tộc, ông Toàn đã dành 3 ngày thu gom, xếp, dán hàng trăm mảnh kính nhỏ, không chỉ khắc họa hình dáng, mà còn thể hiện rõ nét thần thái, tính cách của vị lãnh đạo mà cả dân tộc Việt Nam tin yêu trong bức tranh chân dung. Đây là bức tranh thứ 2 về chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ông Toàn thực hiện. Trước đó ông Toàn đã thực hiện để gửi tặng Bảo tàng Quảng Ninh năm 2023 phục vụ trưng bày.
Ông Toàn chia sẻ: Giống như các bức tranh chân dung bằng kính cường lực khác, khó khăn nhất khi thực hiện bức tranh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là làm thế nào để có thể khắc họa thần thái của vị lãnh đạo giản dị, ấm áp, hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân này. Tôi đã dành nhiều thời gian để tìm tòi các bức ảnh chân thực nhất, đẹp nhất, khắc họa rõ thần thái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để in ấn, phóng to, phác họa thực hiện bức tranh. Bức tranh như một nén hương, tri ân và lòng biết ơn của tôi với Tổng Bí thư. Dù bác đã ra đi, nhưng nhân cách to lớn của bác sẽ luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.
Cái duyên đến với những bức tranh bằng kính cường lực của ông Toàn thật đặc biệt. Sinh ra và lớn lên ở Hạ Long, ông Toàn đã gắn bó suốt những năm tháng của tuổi trẻ với đường lò, hầm sâu và hòn than ở Công ty CP Than Hà Lầm, rồi Công ty 91 (Tổng Công ty Đông Bắc). Về hưu ở độ tuổi 50, tuy không còn trẻ nhưng sức khỏe vẫn còn nhiều, khiến ông cảm thấy thời gian mỗi ngày trôi qua thật lãng phí khi chỉ biết đọc báo, xem tivi, xem internet để giải khuây. Ông bén duyên với nghiệp “tái chế” từ một lần đọc được bài báo viết về chàng trai 9x Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đã thu gom rác thủy tinh, kiên trì nghiên cứu, hồi sinh chúng thành những bức tranh. Ông Toàn đã dành thời gian tới nhà Thanh để học cách mài thủy tinh, dán tranh, thực hiện tác phẩm hoàn chỉnh…
Vốn có “tý nghề” về cơ khí, ông Toàn tự chế tạo một chiếc máy mài để thủy tinh nhẵn nhụi, trơn tru, hoàn hảo. Một lần đi qua công trình đang xây dựng, thấy những mảnh kính cường lực vương vãi khắp nơi, vứt chỏng chơ, không thể tái sử dụng, khiến ông nảy ra ý tưởng làm tranh từ loại vật liệu này. Ông nhận ra giá trị của việc tái chế vật liệu cũ để tạo nên những tác phẩm có ích. Việc lựa chọn vật liệu là mảnh vỡ của tấm kính cường lực để tạo hình bức tranh đã giúp ông tiết giảm công đoạn mài thủy tinh, song vẫn mang đến cho bức tranh hiệu ứng nghệ thuật cao.
Tháng 10/2023 ông Toàn bắt tay thực hiện bức tranh đầu tiên với chân dung nữ diễn viên, người mẫu, ca sĩ người Mỹ Marilyn Monroe. “Đẹp quá!” - Vợ con ông, hàng xóm và bạn bè đã thốt lên khi lần đầu nhìn thấy tác phẩm bằng kính cường lực của ông. Những mảnh kính cường lực được ông đập vỡ thành từng mảnh nhỏ. Khác với thủy tinh, kính cường lực có bề mặt phẳng, nên bám chắc với vật liệu khác khi dính keo, mảnh kính bóng, sáng lấp lánh, không gây sát thương, tạo hiệu ứng cho các bức tranh.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, niềm đam mê sáng tạo, ông Toàn đã tạo nên nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong gian phòng khách nhà ông hiện trưng bày hơn 20 bức tranh lớn, nhỏ làm từ kính cường lực vỡ. Hình ảnh các vị lãnh tụ, người nổi tiếng, bạn bè, người thân đều trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo trong những bức tranh đầy tính nghệ thuật của ông. Không được học qua trường lớp nào về nghệ thuật, nhưng mỗi bức tranh của ông đều tái hiện chân thật, sinh động và thần thái của nhân vật thông qua từng đường nét, chi tiết tỉ mỉ, thể hiện tâm huyết, sự kỳ công của tác giả. Gần một năm nay, ông đã làm hàng chục bức tranh, từ đơn giản đến phức tạp. Không có ý định mua bán hay kinh doanh các sản phẩm tự tay làm ra, ông chỉ tặng bạn bè, người thân và những người thực sự yêu thích.
"Phần lớn các tác phẩm của tôi đều là tranh chân dung, tranh phong cảnh đơn giản. Kính cường lực có một hạn chế rất lớn đó là màu sắc đơn giản, không có nhiều màu, chủ yếu là đen, trắng, nâu, xanh, ngọc. Do đó thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo để có thể thực hiện thành công những bức tranh phong cảnh đa màu sắc", ông Toàn chia sẻ.
Đến những con vật khổng lồ
Không chỉ hồi sinh rác thải thành những bức tranh, ông Toàn còn nghiền ngẫm, tỉ mỉ, cặm cụi biến hóa những chiếc lốp xe bỏ đi thành nhiều đồ vật ngộ nghĩnh. Ông nhận thấy lốp xe chính là vật liệu dễ tìm kiếm, phù hợp để sáng tạo. Thêm vào đó, đây là loại rác thải phải mất tới hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Trong khi đó Việt Nam chưa có công nghệ tái chế loại rác thải này. Vì vậy ông bắt tay vào thực hiện các con vật từ chính những chiếc lốp xe bỏ đi này.
"Lốp xe là vật liệu thô, rất cứng, khó cắt nhỏ, nên làm những con vật nhỏ là điều không thể. Do đó tôi lựa chọn thực hiện con đại bàng đầu tiên với sải cánh dài 2,8m, cao 1,4m, trọng lượng 300kg. Để có nguyên liệu cho tác phẩm, tôi phải đi nhiều nơi thu thập lốp xe cũ tại các tiệm sửa xe lớn, nhỏ, đồng thời nhờ thêm các chị đồng nát quanh khu thu gom. Từ đó nhà tôi lúc nào cũng chất đầy lốp xe hơn cả nhà thu mua đồng nát", ông Toàn cười nói.
Ông tham khảo rất nhiều hình vẽ trên mạng để chọn một hình ưng ý nhất rồi in làm mẫu. Từ hình ảnh trên giấy, ông thiết kế hình ảnh 3D để tính toán tỷ lệ chiều cao, chiều dài, chiều rộng mô hình. Các chi tiết khác như chân, mỏ, mắt của đại bàng đều do ông tưởng tượng.
Để tạo hình đại bàng, ông dùng chủ yếu loại sắt 6, sắt 8 uốn cong, hàn lại thành bộ khung chắc chắn. Tiếp đến, ông bọc một lớp tôn lập xung quanh khối sắt đã tạo hình. Cuối cùng, lốp xe được cắt thành các sợi cao su có kích thước phù hợp cho từng vị trí, bộ phận của con vật và cố định bằng đinh vít để tạo độ chắc chắn. Mỗi loại lốp xe có một cấu hình khác nhau, do đó việc cắt ra sao, loại da nào gắn vào đâu cũng được ông cân nhắc tỉ mỉ. Phần thân đại bàng, ông cắt các sợi nhỏ, mảnh, tạo độ xù xì, nhưng với phần cánh cắt thành các bản to xếp chồng tầng tầng lớp lớp để tạo hiệu ứng chân thật nhất. Khó nhất là việc cắt tỉa lốp xe để tạo chi tiết mềm mại, giúp con vật có thần thái giống thật. Sau khi hoàn thành tạo hình cho con vật, ông phủ sơn chống nhiệt, chống nắng, chống ẩm mốc để nâng cao độ bền, thẩm mỹ, hiệu ứng.
Sau 2 tuần tự mày mò, ông đã hoàn thiện con đại bàng với gần 5kg sắt, hơn 100 lốp xe đạp các loại, khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ. Từ con đại bàng được làm thành công, ông tiếp tục thực hiện nhiều mô hình con vật khác nhau, như: Tê giác, king kong, voi, chim… Trong đó, con khủng long với chiều dài 7,9m, rộng 1,3m, cao 3m, trọng lượng 480kg là mô hình lớn nhất ông thực hiện với nhiều thời gian, công sức, tâm huyết.
Ông mượn một mảnh sân vườn chừng 30m2 của hàng xóm để trưng bày sản phẩm, tạo thành "Sở thú lốp xe", thu hút nhiều người đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh.
Cùng với "Sở thú lốp xe", ông còn tạo ra những con vẹt rực rỡ sắc màu để tặng bạn bè, người thân sử dụng trang trí, mang đến niềm vui cho mọi người, góp phần vào việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bằng việc tái chế những đồ dùng cũ.
Ông Toàn chia sẻ: Khi tôi bắt tay thực hiện các con vật bằng lốp xe, vợ con tôi thì cằn nhằn, hàng xóm thì bàn tán, nhiều người bảo hâm, thế nhưng tôi trót đam mê rồi. Tôi đã mất 5 tháng để thực hiện "Sở thú lốp xe" này. Sau khi nhiều người biết đến "Sở thú", một đơn vị đã mua lại toàn bộ 6 con vật này về trưng bày phục vụ du khách tham quan. Tôi đang làm 3 bông cúc vàng cao 4m bằng lốp xe theo đơn đặt hàng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Toàn không giấu nổi niềm vui: "Việc làm của tôi chỉ như một hạt cát trong sa mạc, song tôi hy vọng từ ý thức của một cá nhân sẽ lan toả đến cả gia đình, cộng đồng, xã hội chung tay giữ gìn, mang lại môi trường sống an toàn. Giờ đây hàng xóm, người thân, bạn bè, nhiều người thường xuyên thu gom một số vật dụng bỏ đi mang đến với hy vọng tôi có thể biến chúng thành sản phẩm hữu ích. Tôi cũng mong muốn sẽ có cơ hội được tham gia triển lãm về tái chế để học hỏi, giao lưu, lan tỏa ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống đến mọi người, truyền cảm hứng về tinh thần “sống xanh” trong cộng đồng, góp phần chung tay vì một hành tinh mãi xanh".
Hạ An - Trung Thành
- Tái sinh rác thải, lan tỏa lối sống xanh
- 8.700 tấn - là trung bình khối lượng rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm từ hoạt động khai thác thủy sản trên cả nước
- Thu gom trên 1.500m3 rác thải trong tháng cao điểm làm sạch Vịnh Hạ Long
- 400 triệu tấn - là khối lượng rác thải nhựa mà thế giới thải ra môi trường hàng năm
- Rác thải nhựa toàn cầu có nguy cơ tăng gấp 3 lần vào năm 2060
- Đầm Hà: Ra mắt mô hình điểm về chống rác thải nhựa
- Biến rác thải thành nhiên liệu trong sản xuất xi măng
- Chung tay chống rác thải nhựa
Liên kết website
Ý kiến ()