Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:35 (GMT +7)
Nguy cơ biến đổi khí hậu gây tê liệt kênh đào Panama
Thứ 4, 31/05/2023 | 17:28:07 [GMT +7] A A
Kênh đào Panama có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với lĩnh vực kinh tế.
Nguy cơ hiện hữu
Theo kênh DW (Đức), mực nước kênh đào Panama đang giảm vì Trung Mỹ có ít mưa hơn. Các chuyên gia lo ngại người tiêu dùng có thể chịu ảnh hưởng vì thực trạng này.
Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Việc tạo ra công trình này đã đóng góp lợi ích to lớn cho vận chuyển toàn cầu. Trước khi kênh đào Panama được xây dựng, tàu biển thường phải đi vòng qua cực Nam của Nam Mỹ, đây là tuyến đường dài và nguy hiểm hơn nhiều. Việc di chuyển qua kênh đào Panama đã rút ngắn hải trình hơn 13.000 km, tiết kiệm chi phí và thời gian. 5% các dịch vụ giao thương bằng đường biển của toàn cầu đi qua tuyến đường thủy chiến lược này.
Nhưng hiện nay, biến đổi khí hậu đang đe dọa tuyến đường này. Mỗi khi các âu thuyền trên kênh mở ra, hàng triệu lít nước ngọt đổ ra biển. Mực nước trong kênh giảm xuống nhưng sau đó được thay thế bằng nhiều nước hơn chảy vào. Âu thuyền còn gọi là hệ thống khóa nước, là một thiết bị trên các kênh rạch hoặc cảng biển có nhiệm vụ tăng và giảm mực nước, giúp các phương tiện giao thông đường thủy di chuyển vào hệ thống đường thủy liền kề có mực nước chênh lệch nhau.
Kênh đào Panama sử dụng rất nhiều nước ngọt vì tàu phải đi qua hàng chục âu thuyền đưa chúng lên hoặc xuống 26 mét. Theo công ty tư vấn Everstream, cần khoảng 200 triệu lít nước cho mỗi con tàu đi qua kênh đào Panama.
Hiện nay, người dân, các nhà bảo tồn và nhà khí tượng học đều đang quan sát thấy lượng mưa ở Trung Mỹ giảm do hậu quả của biến đổi khí hậu. Điều này đồng nghĩa với việc ít nước hơn cho kênh. Và nếu nước chảy ra từ các âu thuyền trên kênh không còn được thay thế, thì những con tàu lớn sẽ ngày càng khó đi qua.
Các giải pháp "cứu" kênh đào Panama
Cơ quan quản lý kênh đào Panama đã ban hành hạn chế mớn nước nghiêm ngặt trong những tháng gần đây. Mớn nước của tàu là khoảng cách giữa ngấn nước và đáy tàu. Phép đo này xác định lượng nước mà một con tàu cần để di chuyển an toàn. Nếu một con tàu chất đầy hàng hóa nặng, nó sẽ chìm sâu hơn tạo ra mớn nước lớn hơn.
Mớn nước hoạt động bình thường của kênh đào Panama là 15,24 m. Vào đầu tháng 5, các nhà chức trách đưa ra điều chỉnh. Bắt đầu từ ngày 24/5, những con tàu lớn nhất đi qua kênh đào Panama sẽ bị giới hạn ở mớn nước 13,56 m. Một tuần sau, vào ngày 30/5, con số đó sẽ lại giảm xuống còn 13,4 m.
Hapag-Lloyd, một công ty vận tải biển có trụ sở tại Hamburg (Đức) cùng nhiều doanh nghiệp quốc tế khác đã đối phó bằng cách xếp ít container hơn để giảm mớn nước cho tàu của họ. Để bù đắp cho việc mất thu nhập, Hapag-Lloyd sẽ áp dụng phụ phí 500 USD cho mỗi container đi qua kênh đào Panama bắt đầu từ tháng 6. Các chuyên gia thương mại lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thời gian vận chuyển lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Vincent Stamer tại Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) lại có quan điểm thoải mái hơn về mực nước ở kênh đào Panama và những hậu quả có thể xảy ra đối với thương mại toàn cầu. Ông đánh giá: “Điều đó sẽ không thực sự quan trọng đối với chuỗi cung ứng trong thời điểm hiện tại”. Theo nhà kinh tế học này, tình hình sẽ không giống như năm 2021, khi con tàu container Ever Given mắc kẹt gây ảnh hưởng ở kênh đào Suez. Ông lý giải: “Kênh đào Panama không quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu như kênh đào Suez”.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đang được cân nhắc cho kênh đào Panama. Chúng bao gồm kênh nhân tạo tiết kiệm nước sẽ tích trữ nước ngọt trong các lưu vực để có thể tái sử dụng. Việc xây dựng các hồ chứa và nhà máy khử mặn cũng đang được nghiên cứu.
"Giảm tải chắc chắn là cách dễ dàng nhất cho các công ty vận chuyển. Và việc sử dụng các tàu nhỏ hơn cũng có thể thực hiện được", ông Vincent Stamer nói.
Ông Stamer cũng đề xuất lựa chọn thay thế khác: “Tuyến đường vận chuyển từ châu Á qua kênh đào Panama đến bờ biển phía Đông của Mỹ có thể đổi tuyến lại một phần qua kênh đào Suez”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()