Khi nghe những tin tức đầu tiên về cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, Itai Reuveni và nhiều lính dự bị trong tiểu đoàn lính dù vội đóng gói hành lý và đến điểm tập trung.
Nhưng họ không hành quân về phía nam tới Gaza mà tới biên giới phía bắc, nơi họ tin một mối đe dọa lớn hơn Hamas đã sẵn sàng tham gia cuộc chiến. Đó là Hezbollah, nhóm vũ trang của người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon được Iran hậu thuẫn. Hezbollah hiện kiểm soát phần lớn khu vực có đa số người Hồi giao dòng Shiite ở Lebanon. Các cộng đồng này tập trung ở nam thủ đô Beirut và các vùng ngoại ô phía nam, khu vực phía bắc và tây thung lũng Baqaa và miền nam Lebanon.
"Chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng không ai gây rủi ro với biên giới phía bắc như những gì xảy ra ở miền nam", Reuveni, 40 tuổi, nói. "Chúng tôi hiểu rằng lực lượng Hezbollah tinh vi hơn Hamas nhiều. Chúng tôi hiểu sẽ không chỉ là 3.000 tay súng vượt qua biên giới mà còn nhiều hơn nữa. Iran cũng có thể tham gia cuộc chiến. Chúng tôi ở đây để đối phó với điều đó".
Reuveni không phải người duy nhất nhận thấy Hezbollah là mối nguy hiểm lớn hơn đối với Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và nhiều quan chức khác trong nội các chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tranh luận về phương án tấn công phủ đầu Hezbollah ngay sau cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10.
Điều đó khiến Mỹ lo ngại về nguy cơ chiến tranh khu vực lan rộng, có thể kéo Iran vào cuộc. Thuận theo quan điểm của Mỹ, ông Netanyahu đã bác đề xuất tấn công Hezbollah.
Tuy nhiên, chính trị gia, tướng lĩnh và ngày càng nhiều người dân Israel tin rằng một cuộc chiến mới ở Lebanon là điều không thể tránh khỏi. Cuộc thăm dò thực hiện cuối tháng 11 chỉ ra rằng 52% người được hỏi ủng hộ cuộc tấn công ngay lập tức chống lại Hezbollah và 35% phản đối mở mặt trận xung đột mới.
Kể từ khi đến Rosh Hanikra, biên giới bên bờ Địa Trung Hải, tiểu đoàn lính dù 7056 đã tham gia giao tranh cường độ thấp. Dọc khu vực biên giới này, lực lượng Hezbollah đã bắn phá các thị trấn và làng biên giới Israel như động thái thể hiện ủng hộ người Gaza. Israel cũng đáp trả bằng các cuộc pháo kích và không kích.
Trong những ngày gần đây, giao tranh leo thang. Số dân thường thiệt mạng tăng lên với ít nhất 4 người Israel và 14 người Lebanon. Ba nhà báo đã thiệt mạng trong các cuộc tập kích của Israel.
"Chúng tôi giao tranh mỗi ngày với Hezbollah và tình hình đang leo thang. Đây là điều đáng lo ngại nhất. Không ai muốn chứng kiến chiến tranh toàn diện, nhưng chúng tôi có thể bị kéo vào nó", Orna Mizrahi, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia về chính sách đối ngoại Israel và hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, nói.
Một tháp viễn thông của Israel ở Rosh Hanikra đã bị tên lửa chống tăng bắn phá 13 lần. Tuần trước, một lên lửa đã rơi xuống nóc một tòa nhà trong căn cứ tiểu đoàn 7056.
Vài lần mỗi ngày, báo động an ninh sẽ vang lên khi phát hiện lực lượng Hezbollah chuẩn bị phóng tên lửa hoặc UAV, để những người lính Israel tìm nơi trú ẩn. Tiểu đoàn có mạng lưới chiến hào chỉ cách bức tường biên giới bằng bê tông vài mét, phía trên có lưới kim loại chất lượng cao để ngăn tên lửa. Ở phía bên kia là một sở chỉ huy của quân đội Lebanon, nhưng Reuveni cho biết các thành viên Hezbollah xuất hiện gần đó. Ông tin rằng Hezbollah có thể sử dụng các cơ sở của quân đội Lebanon trong khu vực.
Kể từ sau Chiến tranh Israel - Hezbollah năm 2006, tình hình khu vực đã tương đối yên bình. Song các điều khoản hòa bình năm 2006, đưa ra trong nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chưa bao giờ được thực hiện.
Hezbollah lẽ ra phải rút quân khỏi khu vực 30 km tính từ biên giới và giải giáp. Lực lượng này đã không làm như vậy, thay vào đó xây dựng kho vũ khí mạnh mẽ với sự hỗ trợ của Iran. Kho vũ khí ước tính có tới hơn 100.000 rocket, có thể áp đảo hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thành phố nước này.
Lực lượng lâm thời Liên Hợp Quốc (Unifil), được thành lập năm 1978 để giữ gìn hòa bình khu vực, được cho là đã phát hiện việc Hezbollah tích trữ kho vũ khí nhưng không ngăn chặn.
Sau cuộc tấn công của Hamas, Hezbollah đã bắn phá các ngôi làng biên giới và triển khai các đội biệt kích qua biên giới với Israel. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái của nhóm vũ trang dường như chỉ nhằm bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine, chứ không đủ kích động chiến tranh toàn diện.
"Căng thẳng leo thang dọc biên giới dẫn tới những đòn ăn miếng trả miếng. Tại thời điểm này, quyết định tham gia vào cuộc chiến toàn diện hoàn toàn phụ thuộc vào Israel. Hezbollah và Iran không muốn leo thang", Randa Slim, nhà nghiên cứu kiêm giám đốc về giải quyết xung đột ở Viện Trung Đông ở Mỹ, nhận định.
Người Israel trước đây chấp nhận bất đắc dĩ sự hiện diện của Hezbollah ở biên giới phía bắc nhưng quan điểm này đã thay đổi sau cuộc tấn công của Hamas. David Azoulay, người đứng đầu hội đồng thị trấn Metula, cho rằng cần đẩy Hezbollah lùi ra xa khu vực biên giới để người dân tại đây được trở về nhà. Cư dân Metula nằm trong số khoảng 80.000 người dân miền bắc Israel phải di tản.
Khi người dân mong ngóng được về nhà và kinh tế suy thoái vì căng thẳng kéo dài, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thực hiện giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề dứt điểm. Tại cuộc họp với các thị trưởng miền bắc Israel ngày 6/12, ông Gallant cho biết Israel sẽ "hành động bằng mọi cách sẵn có" nếu cộng đồng quốc tế không khiến Hezbollah rút quân.
Benny Gantz, cựu thủ tướng đang phục vụ trong nội các thời chiến của ông Netanyahu, đưa ra cam kết tương tự với những người dân miền bắc phải sơ tán. "Nếu thế giới không kéo Hezbollah khỏi khu vực biên giới, Israel sẽ làm điều đó", ông nói.
Mỹ và Pháp đang theo đuổi những nỗ lực ngoại giao. Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein đề xuất thỏa thuận, trong đó Israel và Lebanon giải quyết những bất đồng lãnh thổ lâu nay ở khu vực biên giới, với hy vọng sẽ làm suy giảm tham vọng của Hezbollah và sự ủng hộ của dân thường Lebanon với nhóm vũ trang này. Tuy nhiên, chính phủ ở Beirut đang trong tình trạng khủng hoảng và không có đủ khả năng thiết lập, thực thi các thỏa thuận. Lebanon không có tổng thống và chỉ có một chính phủ lâm thời, đang đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài.
Khoảng trống quyền lực ở Beirut chỉ khiến tăng thêm rủi ro xung đột ở khu vực, theo giới quan sát.
"Cả Iran và Hezbollah đều không thấy bị răn đe vào thời điểm này. Đối với họ, đó không phải vấn đề lớn. Nhưng nếu Israel quyết định tấn công mạnh mẽ, Hezbollah sẽ xem đó là cuộc chiến sinh tồn và chiến tranh sẽ nổ ra", Emile Hokayem, giám đốc về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, cảnh báo.
Ý kiến ()