"Chẳng hạn tuần tới, dây chuyền sản xuất nhà máy cần 5.000 chip, nhưng nguồn cung không đủ và phải tạm thời ngừng hoạt động. Công ty của bạn sẽ rơi vào tình thế khó khăn, phải gấp rút mua chip mới để đảm bảo tiến độ. Lúc này, bạn có thể sẽ lo lắng tìm nguồn cung chip và mất cảnh giác, không còn tuân theo các quy tắc xác minh nghiêm ngặt như trước. Đó là vấn đề lớn", Diganta Das, chuyên gia nghiên cứu thiết bị điện tử thuộc tổ chức CALCE, nêu ví dụ.
Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các công ty sản xuất chất bán dẫn đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là nguồn cung hạn chế. Sự thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu đã được ghi nhận khá rõ ràng thời gian qua, hầu hết dự báo đều tuyên bố rằng ít nhất phải đến năm 2022, mọi thứ mới trở lại bình thường.
Việc "trà trộn" chip kém chất lượng vào các lô hàng để bán cho các công ty sản xuất thiết bị điện tử là điều không mới trong quá khứ, nhưng đang là vấn đề đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia bảo mật, chip chất lượng kém có thể khiến hệ thống hoạt động với hiệu suất thấp, độ bền không cao, nguy cơ bị hacker tấn công...
Thông thường, các công ty trước khi mua chip sẽ thử nghiệm mẫu đó trên sản phẩm, đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn mới đặt hàng số lượng lớn. Tuy nhiên, khi nguồn cung thiếu hụt, những công đoạn này có thể không được thực hiện kỹ càng như trước. Đó là khi các công ty cung cấp chip thiếu minh bạch tận dụng cơ hội.
"Vấn đề lớn nhất mà các công ty phải đối mặt là thời gian gấp rút trong việc mua chip cho dây chuyền sản xuất khiến họ không còn thời gian kiểm tra nguồn gốc và chất lượng từ các nhà phân phối chuỗi cung ứng", Das nói. "Điều đó khiến các công ty này có nguy cơ phải nhận linh kiện kém chất lượng hoặc giả mạo".
Theo ghi nhận của CALCE, các lô hàng chip "trà trộn" các thành phẩm chất lượng kém đã xuất hiện từ đầu năm nay, nhưng số lượng được báo cáo chưa nhiều. Tuy nhiên, Das cho rằng trong 6 tháng tới, số lượng có thể tăng lên nhanh chóng do các công ty mua chip bắt đầu kiểm tra các lô hàng chip đã mua.
Cũng theo Das, vấn đề chip kém chất lượng sẽ không ảnh hưởng đến các công ty lớn do những doanh nghiệp này đã triển khai chuỗi cung ứng mạnh mẽ và thường sẽ chỉ mua linh kiện trực tiếp từ các nhà sản xuất chip. Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn sẽ bị tác động do nguồn cung bán dẫn thiếu ổn định, phải phụ thuộc bên thứ ba, nhưng có thể trong số này có cả các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, chăm sóc sức khỏe hay ô tô.
Steve Calabria, người sáng lập PC Components, tin rằng khủng hoảng chip đang là cơ hội cho làn sóng chất bán dẫn giả len lỏi vào thị trường. "Chúng ta dường như đang gặp phải vấn đề lớn. Tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đã mở ra cánh cửa cho bọn tội phạm khai thác thị trường linh kiện điện tử. Điều này đã bắt đầu xảy ra", Calabria nói.
Michael Pecht, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Maryland và là người sáng lập CALCE, dự đoán rằng sẽ ngày càng nhiều công ty sử dụng chip kém chất lượng trong tương lai do không kiểm soát nguồn cung. Pecht lo ngại việc chip kém chất lượng len lỏi vào các lĩnh vực y tế và quân sự sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Theo một cuộc điều tra năm 2012 của Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ, đã có hơn một triệu linh kiện điện tử kém chất lượng đã được sử dụng trong các thiết bị cho Không quân, Hải quân và lực lượng đặc nhiệm Special Operations.
Ý kiến ()