Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:39 (GMT +7)
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát
Thứ 2, 15/06/2020 | 11:13:00 [GMT +7] A A
Dịch tả lợn châu Phi là một đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi thế giới. Ở Việt Nam, dịch cũng gây ra thiệt hại nặng nề cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn. Dịch đã khiến nguồn cung thịt lợn thị trường trong nước thiếu trầm trọng, làm giá mặt hàng này bị đẩy lên cao suốt trong một thời gian dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tưởng chừng qua nhiều tháng, dịch không còn xuất hiện, tạo điều kiện để người chăn nuôi có thể tái đàn, qua đó ổn định thị trường thịt lợn trong nước. Thế nhưng, những ngày gần đây, ở một số địa phương trên cả nước, trong đó có Quảng Ninh đã xuất hiện lại những ổ dịch tả lợn châu Phi nhỏ lẻ, gây lo lắng cho người dân.
Như ở Quảng Ninh, từ ngày 6/5/2020 đến 12/6/2020, bệnh tả lợn châu Phi tái phát tại 33 hộ ở 17 thôn, khu thuộc 13 xã, phường của 6 địa phương, gồm: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Uông Bí, Hạ Long. Số lợn bệnh phải tiêu hủy là 97 con với tổng trọng lượng gần 3.500kg.
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành Chăn nuôi Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng thiệt hại nặng nề. |
Nguyên nhân phát dịch được xác định là do người chăn nuôi mua lợn giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi từ các thương lái bán rong nên không được kiểm soát nguồn giống sạch bệnh. Cùng với đó, việc áp dụng những biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường chưa được các hộ chăn nuôi nhỏ này thực hiện tốt, không đăng ký kê khai với chính quyền cơ sở để được kiểm tra, hướng dẫn biện pháp phòng dịch.
Còn nhớ năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành Chăn nuôi Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng thiệt hại nặng nề. Cả nước có 60 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch, làm 5,7 triệu con lợn phải tiêu hủy, bằng khoảng 10% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn, tổng thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ở Quảng Ninh, ngành Chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng. Tuy tỉnh chỉ đạo quyết liệt, ngành Nông nghiệp và các địa phương vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc, triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch, thành lập 7 chốt kiểm dịch động vật, thế nhưng năm 2019, tổng số lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy là hơn 143.000 con (chiếm trên 38,4% tổng đàn lợn), trọng lượng tiêu hủy trên 6.000 tấn. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 16.062 hộ/968 thôn, khu, ở 162 xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, dịch tả lợn châu Phi cực kỳ nguy hiểm với đàn lợn. Loại virus này khi xâm nhập vào đàn lợn gây tỷ lệ chết tới 100%, trong khi 100 năm nay thế giới không sản xuất được vaccine.
Hộ nuôi tại xã Hải Tiến (TP Móng Cái) phun khử trùng tiêu độc cho chuồng trại. |
Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát trở lại và để kịp thời ngăn chặn, dập tắt ngay những ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 3783/UBND-NLNN1 về việc tập trung các giải pháp kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương chủ động, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “dập dịch như chống giặc”, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; thành lập đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung nhân lực, vật lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới phát sinh; nắm chắc tình hình tái đàn lợn để có phương án phòng, chống dịch hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là đối với lợn thịt, lợn giống…
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, thành lập đoàn công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch; phân công cán bộ phụ trách địa bàn hỗ trợ các địa phương xử lý dứt điểm ổ dịch phát sinh, không để kéo dài…
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát đang hiện hữu. Chính vì vậy, các ngành, đơn vị, địa phương liên quan phải vào cuộc ngay, khẩn trương dập tắt dịch khi nó mới khởi phát và điều mấu chốt, quan trọng là phải kiểm soát tốt nguồn lợn giống đảm bảo sạch bệnh, hướng dẫn các hộ gia đình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, đặc biệt chuyển sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể khống chế được dịch bệnh trên đàn vật nuôi, từ đó phát triển ngành Chăn nuôi bền vững hơn.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()