Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:06 (GMT +7)
Nguy cơ thảm hoạ đến mức nào tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine
Thứ 6, 12/08/2022 | 22:33:15 [GMT +7] A A
Giới chuyên gia đánh giá mối nguy hiểm thực sự từ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia trong lúc cả hai phía Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công nhằm vào nơi này.
Theo trang Politico, những báo cáo về các vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine do Nga đang kiểm soát đã làm dấy lên lo ngại về thảm họa hạt nhân, tuy nhiên các chuyên gia vẫn tin tưởng rằng nguy cơ xảy ra một đại thảm kịch giống Chernobyl là thấp.
Nhà máy điện Zaporizhzhia, do quân đội Nga kiểm soát từ tháng 3, vào cuối tuần qua đã hứng chịu một số cuộc tấn công pháo kích. Ukraine và Nga đã đưa ra những cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công này, trong đó Kiev cho rằng một cuộc pháo kích của Nga đã làm hỏng ba thiết bị dò theo dõi bức xạ và khiến một nhân viên của nhà máy phải nhập viện với các vết thương do mảnh đạn.
Ngược lại, Nga cáo buộc quân đội Ukraine bắn đạn pháo vào nhà máy và đã thực hiện một số vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy điện hạt nhân này trong tháng qua. Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số thiết bị ở nhà máy Zaporizhzhia bị mất điện do vụ pháo kích, hỏa hoạn bùng lên nhưng được dập tắt nhanh chóng. Phía Nga khẳng định hai đường dây điện cao thể và một đường ống dẫn nước bị hư hại, nhưng cơ sở hạ tầng quan trọng không bị ảnh hưởng.
Các cuộc tấn công nhanh chóng vấp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi "bất kỳ cuộc tấn công nào" vào các cơ sở hạt nhân là "tự sát" và người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Mariano Grossi kêu gọi cả hai bên Nga và Ukraine "thực hiện sự kiềm chế tối đa" để tránh một thảm họa hạt nhân. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thì lập tức kêu gọi các nước phương Tây giáng đòn trừng phạt mới vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay tại Zaporizhzhia - nơi 500 binh sĩ Nga đóng quân cùng với 50 thiết bị hạng nặng, bao gồm cả xe tăng, theo phía Ukraine - không phát đi cảnh báo về một thảm họa trên toàn châu Âu.
Ông Leon Cizelj, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Châu Âu, cho rằng rủi ro do pháo kích được hạn chế do các lò phản ứng được bảo vệ bởi lớp bê tông dày tới 10 mét. Ông ước tính rằng chỉ một loạt các cuộc ném bom mục tiêu từ trên không mới có khả năng làm thủng các bức tường của lò phản ứng.
Ông Cizelj nói thêm, một cuộc tấn công vào các địa điểm lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ có ảnh hưởng hạn chế, vì bất kỳ vật chất phóng xạ nào được phát tán ra cũng sẽ chỉ di chuyển trong khoảng 10 đến 20 km.
Ông James Acton, đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, đồng ý rằng pháo kích không phải là rủi ro thực sự, mà có thể chỉ là nguy cơ đối với tính dễ bị tổn thương của hệ thống làm mát tại nhà máy. “So sánh đúng ở đây phải là Fukushima chứ không phải Chernobyl”, ông Acton nói.
Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế với nhiều hệ thống an toàn độc lập, bao gồm nhiều kết nối lưới điện và máy phát điện diesel dự phòng. Nhà máy Zaporizhzhia cũng sử dụng hồ phun để làm mát, có nghĩa là nước nóng từ bên trong nhà máy được phun ra không khí bên ngoài để hạ nhiệt độ của nó.
Ông Acton cho biết, hệ thống làm mát "thực sự tương đối dễ bị tổn thương vì chúng phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài", dễ trở thành mục tiêu tấn công.
Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất - nếu hệ thống làm mát bị lỗi, dẫn đến sự cố lò phản ứng - nó sẽ chỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở cấp độ cục bộ. Ông Cizelj ước tính ảnh hưởng ở bán kính 30 km.
“Đó sẽ là một thảm kịch đối với người dân địa phương,” ông nói, ngay cả khi nó sẽ không gây ra thương vong ngay lập tức. Nhhưng “đối với chúng ta ở châu Âu, đó sẽ là một sự kiện không quá nghiêm trọng, về hậu quả đối với sức khỏe hoặc bất kỳ điều gì khác trong môi trường.".
Vậy tại sao Nga và Ukraine lại cáo buộc lẫn nhau và nhấn mạnh nguy cơ thảm họa?
John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, một tổ chức phi lợi nhuận, bình luận: “Ý tưởng về một vụ tai nạn hạt nhân là đáng sợ - nó sẽ thu hút sự chú ý của mọi người - vì vậy nó là một công cụ sẵn sàng cho mục đích này”.
Theo ông, đối với Nga, đó là một cách để “nâng cao quan điểm nhằm gia tăng mối quan tâm [trong nước]… để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục chiến dịch quân sự". Đây cũng có thể là một chiến lược nhằm "đánh vào nỗi lo của phương Tây về một thảm họa hạt nhân và làm suy giảm ý chí của phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine", theo một phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh được công bố ngày 8/8.
Còn với Ukraine, mục đích có thể là gây tạo “thiện cảm của công chúng” xung quanh việc nhà máy điện của họ bị Nga kiểm soát.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya được xây dựng trên khu đất rộng 104,7 hecta bên bờ sông Dnepr tại thành phố Energodar thuộc vùng Zaporizhzhya, Ukraine. Nhà máy này cách vùng Donbass đang xảy ra tranh chấp khoảng 200km và cách Kiev 550km về phía đông nam.
Zaporizhzhya hiện là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và trước khi xung đột xảy ra, nó là một trong 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở Ukraine, sản xuất tới 42 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện hạt nhân và 1/5 tổng sản lượng điện hằng năm của Ukraine, đủ cấp năng lượng cho khoảng 4 triệu hộ gia đình sử dụng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()