Tất cả chuyên mục

Những ngày này, dư luận cả nước đang “nóng” lên trước những thông tin nhiều giáo viên mầm non (GVMN) sau hàng chục năm cống hiến nhưng khi về nghỉ hưu theo chế độ lại hưởng mức lương quá thấp. Vậy ở Quảng Ninh, thực trạng này như thế nào? Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi cùng ông Trương Đắc Thời, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
- Xin ông cho biết, mức lương hưu của GVMN trên địa bàn tỉnh hiện nay đang hưởng như thế nào?
![]() |
Ông Trương Đắc Thời, Phó Giám đốc BHXH tỉnh. |
+ Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 20 GVMN được giải quyết chế độ hưu trí. Trong 20 trường hợp trên có 6 người có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở nên đã được bù đủ bằng tiền lương cơ sở theo quy định tại Nghị định 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về “Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995”.
Trong số trên, người hưởng mức lương hưu thấp nhất là bà Phùng Thị Linh, nguyên giáo viên của Trường Mầm non Yên Hải, TX Quảng Yên, nghỉ hưu từ tháng 2/2016. Đến thời điểm đó, bà Linh tham gia BHXH được 21 năm 1 tháng, nên tỷ lệ hưởng là 64,5%, tính ra gần 946.000 đồng/tháng nên được bù bằng mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. Đến thời điểm này, qua các giai đoạn điều chỉnh lương của Nhà nước, hiện mức hưởng lương hưu của bà Linh là 1.603.000 đồng/tháng.
Người hưởng mức lương cao nhất là bà Trần Nguyệt Nga, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Tu (TP Hạ Long), nghỉ hưu tháng 9/2016 với mức hưởng lương hưu lúc đó gần 6.670.000 đồng/tháng, hiện là 7.164.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung của cả nước, hiện lương hưu của đa số GVMN trên địa bàn tỉnh là rất thấp.
- Vì sao lại có tình trạng như vậy, thưa ông?
+ Mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng BHXH và thời gian đóng BHXH. Với GVMN, trước năm 1995 không thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Đến ngày 19/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chủ trương khuyến khích xã hội hoá đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có chính sách phát triển giáo dục mầm non, khi đó mới có quy định GVMN công lập và ngoài công lập thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Để tạo điều kiện cho GVMN khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu, Bộ GD&ĐT và BHXH Việt Nam đã ban hành Văn bản số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 về việc thực hiện BHXH, BHYT đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó có hướng dẫn, người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH (mức đóng tính trên mức lương tối thiểu chung). Do đó, những trường hợp truy đóng BHXH thì thời gian đóng được tính từ tháng 1/1995.
Tiếp đó, để tạo điều kiện cho GVMN có thời gian công tác trước tháng 1/1995 mà khi nghỉ việc hết độ tuổi lao động nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH có thể đóng BHXH để hưởng lương hưu, ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 45/2011/QĐ-TTg quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho những giáo viên này (bằng 13% tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định).
Với các quy định, chính sách như trên, đến thời điểm này, các trường hợp GVMN nghỉ hưu đều có thời gian đóng BHXH ngắn (cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH chỉ đủ 20 - 22 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%; cộng thêm mức đóng rất thấp, chủ yếu là đóng trên nền mức lương tối thiểu nên mức hưởng lương hưu của GVMN không cao. Đây là tình hình chung trong cả nước và Quảng Ninh cũng không ngoại lệ.
Giờ sinh hoạt ngoại khóa tại Trường Mầm non Quốc tế Hạ Long, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. (Ảnh minh họa) |
- Tại sao lại có sự chênh lệch về mức hưởng lương hưu của GVMN như trên ban đầu ông trao đổi, thưa ông?
+ Trường hợp GVMN có mức lương hưu cao chủ yếu rơi vào trường hợp là hiệu trưởng, hiệu phó của các trường mầm non. Bởi trước năm 1995, họ vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như trường hợp bà Trần Nguyệt Nga, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Tu (TP Hạ Long), từ tháng 12/1983 đến tháng 10/1985 là cán bộ Phòng Giáo dục TP Hạ Long nên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tham gia từ tháng 12/1983.
- Theo Luật BHXH 2014, từ năm 2018 trở đi phải đủ 30 năm tham gia BHXH mới được hưởng tỷ lệ lương hưu 75%. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến mức lương hưu của GVMN khi nghỉ hưu trong những năm tới?
+ Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người đủ điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ: Nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước 1/1/2018 được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 3%, mức tối đa là 75%. Từ 1/1/2018 trở đi, dù tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng tính bằng 45% tương ứng 15 năm đóng BHXH, nhưng cứ mỗi năm đóng chỉ tính thêm 2%, mức tối đa không quá 75%.
Như vậy, lao động nữ phải đủ 30 năm tham gia BHXH mới được hưởng mức lương hưu là 75% mức đóng. Ví dụ, một GVMN có 20 năm tham gia BHXH, nghỉ hưu trước 1/1/2018, tỷ lệ hưởng mức lương hưu là 60%; nhưng từ 1/1/2018 chỉ còn hưởng 55%. Như vậy, trong năm 2018, 2019, 2020... cơ bản mức hưởng lương hưu của GVMN nghỉ hưu còn thấp nữa bởi tính từ năm 1995 thì phải đến năm 2025, GVMN mới đủ 30 năm tham gia BHXH.
- Vậy tỉnh Quảng Ninh có chính sách nào về lương hưu cho GVMN không? Ngành BHXH tỉnh có đề xuất gì để tháo gỡ cho GVMN trong việc hưởng lương hưu, thưa ông?
+ Hiện Quảng Ninh chưa có chính sách gì khác trong hỗ trợ mức lương và lương hưu cho GVMN. Tuy nhiên, năm 2015, UBND tỉnh đã báo cáo và được Bộ LĐ,TB&XH vận dụng giải quyết cộng nối thời gian công tác trước tháng 4/1993 cho 59 trường hợp GVMN có thời gian dạy học ở các thành phố, thị xã. Sau khi được giải quyết, thời gian tính hưởng BHXH của các cô giáo này đều trên 30 năm (tỷ lệ hưởng lương hưu là 75%). Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp cá biệt.
Để tháo gỡ được mức lương hưu quá thấp thì phải tăng mức đóng. Do đó, chúng tôi đề nghị đối với GVMN các trường công lập, Nhà nước cần quy định thang, bảng lương phù hợp với tính chất công việc, đặc thù nghề nghiệp. Còn đối với giáo viên các trường bán công, dân lập và tư thục, chủ sử dụng lao động phải trả tiền lương, tiền công xứng đáng và nộp đầy đủ các khoản phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để đảm bảo quyền lợi về mức hưởng lương hưu sau này.
Xin cảm ơn ông!
Thu Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến (0)