Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 15:47 (GMT +7)
Nguyên nhân nhiều nước Nam bán cầu không ủng hộ phương Tây về xung đột ở Ukraine
Thứ 5, 30/03/2023 | 14:17:12 [GMT +7] A A
Trong khi phương Tây phần lớn ủng hộ Ukraine, cam kết làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp Kiev trong cuộc đối đầu với Moskva, thì nhiều người ở Nam bán cầu lại có quan điểm khá khác.
Nam bán cầu là một khu vực rộng lớn và thái độ của họ đối với cuộc xung đột hiện đang ở tháng thứ 14 là khác nhau đáng kể trên khắp Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mong muốn xung đột kết thúc ngay bây giờ.
Paul Rogers, Giáo sư An ninh Quốc tế tại Đại học Bradford cho biết: “Nếu bạn nhìn vào bức tranh toàn cầu, thì sự ủng hộ cho Ukraine và phương Tây không hoàn toàn vững chắc – xét về tầm nhìn dài hạn”.
Chủ nghĩa chống Mỹ?
Đặc biệt là ở Trung Đông, Giáo sư Rogers cho rằng các cuộc can thiệp quân sự trong quá khứ của Mỹ và đồng minh đã tạo ra tâm lý hoài nghi đối với các hành động của phương Tây ở Ukraine.
Tuy nhiên, thay vì chuyển thành sự ủng hộ dành cho Nga, ông Rogers nói rằng một số nước được coi là “không chọn phe".
Ông Rogers nêu rõ: “Có những câu hỏi rằng (cuộc tấn công của Nga vào Ukraine) có khác với những gì các nước phương Tây đã làm hay không”.
Hơn 929.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh sau ngày 11/9 trên khắp Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác, những nơi mà quân đội phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng liên quan đến bạo lực thảm khốc.
Ký ức về chủ nghĩa thực dân
Sâu xa hơn, các vấn đề lịch sử cũng tác động đến cách những người ở các khu vực này nhìn nhận cuộc xung đột ở Ukraine.
Giáo sư Rogers giải thích: “Ở phần lớn Nam bán cầu, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, Nga không phải là một trong những cường quốc thực dân đã kiểm soát họ trong nhiều thế kỷ, không giống như các cường quốc châu Âu khác".
Theo ông Rogers, mặc dù di sản thuộc địa không tạo ra tình cảm thân Nga, nhưng điều đó có nghĩa là "họ có ít thiện cảm hơn đối với quan điểm của phương Tây".
Cho đến nay, di sản của chủ nghĩa thực dân vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Các nhà phê bình chỉ ra những hành động tàn bạo, phân biệt chủng tộc và bóc lột của tư bản phương Tây trên khắp thế giới, trong khi những người bảo vệ cho rằng nó mang lại sự phát triển kinh tế và chính trị.
Nhưng Nam bán cầu không chỉ suy nghĩ bằng trái tim mà còn sử dụng khối óc. Mặc dù không mạnh bằng các quốc gia như Trung Quốc, nhưng Nga đã tạo dựng được các liên kết kinh tế mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây.
Ivan Kłyszcz, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, nhận định: “Mối quan hệ thương mại rất quan trọng. Các quốc gia như Brazil và Ấn Độ đang đầu tư vào mối quan hệ tốt đẹp với Nga vì họ tin rằng điều đó sẽ giúp ích cho các chương trình nghị sự quốc tế của chính họ”.
Bên cạnh đó, dư luận toàn cầu đang rất chia rẽ khi nói đến các lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo một cuộc thăm dò của IPSOS, trung bình có 45% ủng hộ ý tưởng rằng đất nước họ nên áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt nhất đối với Nga, trong khi 25% phản đối.
Ngoài ra, nhiều quốc gia đã bỏ phiếu trắng trước các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc xung đột Nga - Ukraine, thay vào đó kêu gọi đàm phán.
Chuyên gia Kłyszcz lưu ý: “Nam bán cầu được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách phải chấm dứt chiến sự để ngừng giao tranh và nối lại thương mại như trước. Xung đột đã đi ngược lại lợi ích của các quốc gia này và đó là một thực tế đáng tiếc. Họ đang quan tâm đến an ninh của chính mình”.
Hiện nhiều người ở châu Phi và Trung Đông đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá lương thực tăng cao, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 do xung đột ở Ukraine và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Tác động của cuộc xung đột cũng đã lan rộng ra khắp thế giới, nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, đẩy hàng triệu người đến bờ vực của nạn đói.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()