Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Tại triển lãm tranh, tượng "Mừng Đảng - Mừng xuân" Canh Tý 2020 ở TP Cẩm Phả, tôi thật ấn tượng với một cái tên Nguyễn Viết Quang. Ông tham gia cả 3 thể loại ảnh nghệ thuật, tượng và tranh, thể loại nào cũng có thành công riêng của nó. Thế nhưng điêu khắc than đá có vẻ đem đến thành công nhất cho ông Quang.
Ngôi nhà ông Quang nằm trong một con ngõ nhỏ của phường Cửa Ông (Cẩm Phả). Biết tôi đến thăm, ông ra tận ngoài đường đón, có lẽ vì sợ tôi không tìm được lối vào. Trong ngôi nhà bàn ghế được xếp ngay ngắn, không giống như ngôi nhà của những người đục đẽo than đá khác mà tôi vẫn thấy, họ thường bày biện đồ nghề đục đẽo lẫn những hòn than đục dở. Ông Quang bảo: Thỉnh thoảng tôi chỉ khởi động tí cho vui thôi, ai đặt thì làm, lúc có cảm hứng thì sáng tác dự thi.
Đưa tôi lên gian gác, nơi ông còn để các tác phẩm đạt giải của mình, ông bảo: Ngẫm thấy mình cứ nghèo suốt cũng phải, nhiều người hỏi mua những bức tượng đạt giải của tôi với giá cao, nhưng tôi không bán, mà chỉ bày thỉnh thoảng ngắm lại mà thấy vui. Mình coi đó là những đứa con tinh thần của mình. Ai lại bán con đi bao giờ.
![]() |
Những tác phẩm điêu khắc và hội họa của tác giả Nguyễn Viết Quang ở Triển lãm tranh tượng "Mừng Đảng- Mừng xuân" Canh Tý 2020 tại Cẩm Phả. |
Cuộc đời cứ vậy xoay vần, năm nay ông Quang đã gần 60 tuổi, ông đam mê cả chụp ảnh, vẽ tranh và điêu khắc. Ông bảo: May mà tôi có hậu phương vững chắc, ấy là bà vợ cũng ủng hộ tôi đam mê nghệ thuật, nếu không chẳng theo được.
Ấy là ông sắm máy móc cho hoạt động nghệ thuật, lại những khi đi sáng tác hàng tháng trời tốn kém không ít, mà kết quả nếu nói về kinh tế thì đúng là “một tiền gà, ba tiền thóc”, trong khi vợ ở nhà phải nhặt từng đồng từ bán hàng tạp hóa.
Ông Quang có quê gốc từ TP Nam Định rồi ra Vùng mỏ sinh sống. Đam mê với nghề đẽo than đá đã khiến ông trở thành người Vùng mỏ từ lúc nào không hay. Cuộc sống gia đình ông có thời trông cả vào nghề đẽo than, rồi ông giành nhiều giải thưởng cũng từ nghề này, ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Quảng Ninh năm 2012 cũng từ thành công từ tác phẩm than đá. Trước đó, năm 2003 ông được kết nạp vào Hội VHNT Cẩm Phả, rồi năm 2004 ông vào Hội VHNT Quảng Ninh.
Từ thủa nhỏ cái máu điêu khắc đã thấm trong ông, từ ảnh hưởng của truyền thống gia đình. Ông nội ông Quang thường làm những phiến đá vuông, mỗi chiều 30x30cm rồi đánh bóng, đóng kiện gửi sang Pháp. Còn bố ông là xưởng trưởng, xưởng mỹ nghệ của Công ty Mỹ nghệ Quảng Ninh. Trước đây, ông Quang sống cùng gia đình ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long).
Năm 1983, ông vào bộ đội, đóng quân ở phường Cửa Ông. Trong thời gian này, nhờ có năng khiếu điêu khắc nên ông chuyên đẽo tượng cho Sư đoàn 242, đóng ở Cửa Ông để họ làm quà tặng cho các đối tác. Sau khi giải ngũ, ông định cư luôn ở phường Cửa Ông cho đến ngày nay.
![]() |
Ông Quang giới thiệu những tác phẩm của mình đã đoạt giải của tỉnh và toàn quốc. |
Vậy nhưng từ hòn than với các tác phẩm sáng tác về vùng than chỉ đem lại cho ông những thành công nho nhỏ. Đề tài vùng cao mới đem đến cho ông Quang nhiều cảm hứng để cho ra các tác phẩm đạt giải. Đó là các tác phẩm “Chợ phiên” và tác phẩm “Trở về” đều lọt vào triển lãm toàn quốc năm 2004, tác phẩm “Xuống chợ” giành giải A khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2015 đều lấy đề tài về thôn, bản vùng cao.
Mỗi lần lên vùng cao, ông ở đó nửa tháng, hoặc có khi cả tháng, ngồi ngắm bà con váy xòe thướt tha xuống chợ. Ông kể: Tác phẩm “Xuống chợ” từ tình cờ một hôm, tôi phải theo bà người dân tộc đi chợ Bắc Hà (Lào Cai). Bà ấy đi bộ lại dắt theo con lợn ra chợ bán, tôi phải theo sau đến mỏi cả chân vì đi đến vài cây số.
Người phụ nữ ấy có khuôn mặt nhiều góc cạnh rất đặc trưng của những người phụ nữ vùng cao, vậy là tạo cho ông Quang cảm xúc sáng tác. Còn bức “Gieo hạt” chất liệu than đá, thể hiện một cô gái đang gieo những hạt ngô để trong chiếc túi khoác bên mình.
Đấy là lần ông Quang đến Hà Giang, thấy người dân cắm cúi tra hạt ngô vào hốc đá, trong hốc chỉ có chút đất, nhưng lại tạo ra mầm xanh mềm mại trên đá khô cứng. Cuộc sống người vùng cao vất vả như vậy đó, tạo cho ông nhiều cảm xúc và ông đã thành công. Tác phẩm “Gieo hạt” đã lọt vào triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 2013.
Mặc dù không được đào tạo cơ bản tại các trường mỹ thuật, nhưng sự ham mê nghệ thuật ông Quang đều tự mầy mò học hỏi. Ông thường xuyên tiếp cận với các nghệ nhân của nghề, các giáo sư về nghệ thuật mỗi khi họ về công tác tại địa phương cùng các đồng nghiệp đã giúp ông Quang rất nhiều.
Người để lại cho ông nhiều ấn tượng lẫn kinh nghiệm nhất đó là nhà điêu khắc Lý Xuân Trường, một người có nhiều tác phẩm được đánh giá cao trong giới mỹ thuật của tỉnh Quảng Ninh và của trung ương.
Dẫu là nhà điêu khắc tài hoa có nhiều tiếng tăm, nhưng ông Quang vẫn không sống được bằng nghệ thuật. Vào các mùa xây dựng, nhiều người xây nhà và khi những ngôi nhà sắp hoàn thành, nhiều chủ nhà mời ông đến đắp hòn non bộ, làm tranh tường bằng đá. Vậy là ông lấy nguồn thu này để nuôi các đam mê của mình và nhiều thời điểm trong năm ông làm không hết việc.
Ông cười bảo: Nghệ thuật làm cho mình nổi tiếng, nhưng lại nhờ nổi tiếng mà người ta mới mời tôi đến để đắp hòn non bộ. Vậy là cái đời thường nuôi cái nghệ thuật danh giá, cái nọ hỗ trợ cái kia để tồn tại.
Anh Vũ
Ý kiến ()