Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:45 (GMT +7)
Nhà báo Nguyễn Viết Khai với những dấu mốc của báo chí Quảng Ninh
Thứ 6, 30/06/2023 | 08:10:37 [GMT +7] A A
Ngày 29/6/2023, nhà báo Nguyễn Viết Khai, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã từ trần, hưởng thọ 82 tuổi. Biết rằng, bệnh tật khiến sức khoẻ ông yếu từ mấy năm nay nhưng khi nghe tin ông mất, người thân, bạn bè và những người làm báo Quảng Ninh vẫn không khỏi tiếc thương.
Nhà báo Nguyễn Viết Khai sinh năm 1942, quê ở thôn Đại Đê, xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hơn 40 năm làm báo tận tụy và cống hiến, nhà báo Nguyễn Viết Khai gắn bó với Báo Quảng Ninh tới 38 năm. Trong đó, ông làm Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh từ tháng 2/1988 đến tháng 5/2000.
Trong kỷ yếu 40 năm Báo Quảng Ninh, nhà báo Nguyễn Viết Khai kể lại chuyện xây dựng trụ sở Toà soạn cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, ông rất vui bởi Tòa soạn đang chuẩn bị xây dựng mới mà nguồn vốn đầu tư gần 100 triệu đồng được các cơ quan, đơn vị và nhân dân ủng hộ. Có đơn vị, cơ quan, địa phương thì ủng hộ bằng tiền, có nơi ủng hộ bằng đá, xi măng, sắt thép, phương tiện vận chuyển... Thậm chí, có 4 đảng viên ở Ba Chẽ rất khó khăn vẫn gửi tiền ủng hộ người 5.000 đồng, người 10.000 đồng. Vậy là chưa đầy 1 năm, từ tháng 8/1989 đến tháng 6/1990, trụ sở Báo Quảng Ninh đã được xây dựng xong. Ngày 20/6/1990, kỷ niệm 65 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), cũng là ngày khánh thành trụ sở Tòa soạn trong niềm vui của cán bộ phóng viên Báo Quảng Ninh.
Có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời nhà báo Nguyễn Viết Khai như ông từng chia sẻ là được gặp gỡ và tặng báo Quảng Ninh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ấy là, năm 1994, nhân kỷ niệm lần thứ 83 ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tỉnh uỷ Quảng Ninh mời Đại tướng và gia đình về nghỉ tại khu biệt thự Nhà tròn Bãi Cháy (bây giờ nơi này là Khách sạn Novotel).
Ông kể lại: “Biết được lịch trình của Đại tướng, anh Vương Quốc Thái là Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ bàn với tôi, xin phép được sang Nhà tròn chúc mừng Đại tướng. Tôi chuẩn bị một bó hoa dơn rất đẹp và 3 số báo Quảng Ninh để tặng Đại tướng. 19 giờ ngày 30/8/1994, anh Thái, tôi và phóng viên ảnh Công Chác vượt phà từ Hòn Gai sang Bãi Cháy. Vừa đến sân Nhà tròn thì đồng chí thư ký của Đại tướng đã đợi sẵn và bảo: Các anh lên ngay đi. Đại tướng đang chờ. Tối nay, Đại tướng còn có chương trình làm việc với nhà văn Hữu Mai. Chúng tôi vui mừng, hồi hộp. Do điều kiện công tác, đã có mấy lần tôi vinh dự được tiếp cận Đại tướng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới được trực tiếp gặp Đại tướng. Vì vậy, trong tôi rộn lên bao niềm vui. Tôi dặn anh Công Chác chuẩn bị phim, máy ảnh thật cẩn thận để chụp được những bức ảnh kỷ niệm với Đại tướng.
Đến cửa thì đã thấy Đại tướng ở trong phòng khách. Đại tướng mặc bộ quần áo xanh lơ. Anh Thái giới thiệu. Tôi xin phép được tặng Đại tướng bó hoa thật tươi. Đại tướng nhận và bảo chúng tôi ngồi xuống ghế phòng khách. Tôi đưa 3 số báo Quảng Ninh tặng Đại tướng và xin phép được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng. Biết tôi là Tổng Biên tập Báo, Đại tướng ân cần hỏi tôi về tình hình tổ chức toà soạn, đội ngũ cán bộ, phóng viên, công tác in ấn phát hành và dư luận quần chúng về Báo. Tôi lần lượt báo cáo với Đại tướng về từng vấn đề. Đại tướng lật từng trang, xem từng số báo. Đại tướng khen báo Quảng Ninh thứ bảy in màu đẹp, sáng sủa. Đại tướng góp ý, báo không nên dùng chữ nhỏ quá, người đọc khó xem, nhất là đối với người cao tuổi. Đại tướng nói: Năm 1936 khi nổ ra cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ, Đại tướng đã về Vùng mỏ theo dõi cuộc đình công và viết bài cho Báo Le Travail. Tôi và anh Thái lúc này mới biết thêm chi tiết này”.
Từ năm 2000 đến năm 2002, nhà báo Nguyễn Viết Khai chuyển sang làm Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh cho đến khi nghỉ hưu. Đây cũng là giai đoạn có sự kiện quan trọng Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh tách riêng kênh vào ngày 19/5/2001, đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh cả nước lúc đó, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có chương trình truyền hình đầu tiên vào ngày 2/9/1983. Ban đầu, Đài chỉ có một kênh phát sóng mỗi giờ một ngày. Tuy có kênh song nhưng kênh của Đài lúc đó vẫn thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Thời điểm đó vì nhiều khó khăn hạn chế khác nhau nên Đài có diện phủ sóng hẹp, nội dung nghèo nạn, chủ yếu phát lại chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Muốn cho chương trình phong phú, hấp dẫn, đáp ứng mong mỏi của người xem thì Đài phải có kênh riêng, nâng dần thời lượng phát sóng trong ngày. Chủ trương này đã có từ lâu nhưng nội bộ Đài chưa thống nhất. Có lần, nhớ lại sự kiện này, Nhà báo Nguyễn Viết Khai đã viết trong một cuốn kỷ yếu: “Một câu hỏi khá hóc búa đặt ra cho tôi khi từ Báo Quảng Ninh bước chân về Đài, việc tách riêng có làm được không? Bao giờ làm? Làm như thế nào? Là người lãnh đạo buộc tôi phải suy tính, cân nhắc, quyết đoán: Phải làm. Tôi đưa ra bàn trong lãnh đạo và những anh em tích cực để tạo ra sự thống nhất, tìm cách tháo gỡ từng khâu”.
Ngày 19/5/2001, Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Ninh chính thức tách kênh riêng. Nhà báo Nguyễn Viết Khai đã chỉ đạo, động viên các phòng nghiệp vụ nhận thêm công việc, xây dựng thêm các chuyên đề, bàn bạc với các ngành, đoàn thể, các đài huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh làm chương trình địa phương, chương trình an ninh, quốc phòng, truyền hình thanh niên, an toàn giao thông, vấn đề bạn đọc quan tâm .v.v.. Khi các khâu đã chuẩn bị chu đáo, đúng 14 giờ 30 ngày 19/5/2001, Đài tách sóng thành công khi phát sóng bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”. Kể từ đây, thời lượng phát sóng của Đài tăng từ 1 giờ lên 8 giờ và rồi 12 giờ mỗi ngày; tăng từ 1 kênh lên 2 kênh QTV1 và QTV3 phát sóng 24/24h.
Nhà báo Nguyễn Viết Khai tự sự trong một bài viết: "Tôi bén duyên với nghề báo từ sớm. Cả cuộc đời hơn 40 năm làm báo, tôi đã "lăn lê bò toài" với đủ loại báo viết, báo ảnh, báo hình. Làm báo là một nghề gian khổ, vất vả, nguy hiểm nhưng thú vị một khi mình tâm huyết. Nó cho tôi nhiều cung bậc trải nghiệm nhận thức khác nhau đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc". Ông từng tâm sự rằng, có lẽ hạnh phúc nhất của người làm báo là may mắn được sống, được làm việc và tác nghiệp trên mảnh đất Quảng Ninh giàu truyền thống kiên cường, là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân.
Trò chuyện với những phóng viên trẻ, nhà báo Nguyễn Viết Khai luôn căn dặn, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với giai đoạn các ông, như: Được đào tạo một cách bài bản, toàn diện; trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ; phương tiện thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi, nên nắm bắt thông tin nhanh.v.v.. Tuy nhiên, để tạo được thương hiệu riêng, tạo sức vang cho mỗi tác phẩm báo chí, các nhà báo trẻ cần không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhà báo Nguyễn Viết Khai luôn đau đáu về nghề. Ông từng chia sẻ: Hiện báo chí địa phương mới chỉ đi trúng - đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước mà chưa có nhiều các bài viết mang tính chất phát hiện, đóng đinh được trong dư luận. Các nhà báo thế hệ bây giờ cần tích cực đi sâu vào thực tế, khám phá các vấn đề của xã hội để kịp thời đưa tin, phản ánh. Người làm báo phải tự tin, dân chủ, bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ. Các bài báo đừng viết như báo cáo, phải có chính kiến và chắt lọc theo tư duy của bản thân. Đồng thời, thường xuyên đổi mới tư duy trong định hướng và phong cách viết; đầu tư rút tít hấp dẫn để thu hút người đọc.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()