Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 00:17 (GMT +7)
Nhà báo và những kỷ niệm về nghề
Thứ 6, 21/06/2013 | 17:37:07 [GMT +7] A A
Có người đã đến với nghề khá lâu, có người là “lính mới”, song với họ, nghề báo là một nghề đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Mỗi kỷ niệm chính là một sự trải nghiệm, giúp cho những người làm báo thấy yêu hơn, gắn bó hơn với nghề. Những tâm sự của một số đồng nghiệp được chúng tôi ghi lại dưới đây chính là như vậy...
Nhà báo Bùi Hương Giang, Đài PT-TH Hạ Long: “Hạnh phúc của người làm báo, đôi khi chỉ cần thế thôi...”
Nghề báo đến với tôi như một cái duyên, bởi chuyên ngành tôi được đào tạo là Điện ảnh chứ không phải là Báo chí. Mặc dù là dân “sang ngang” nhưng khi đã dấn thân vào nghề, càng làm tôi càng thấy say mê. Điều tôi tâm đắc nhất ở nghề báo đó là được chứng kiến, trải nghiệm và chiêm nghiệm. Nó cho tôi cơ hội để hiểu mình, hiểu cuộc đời. Những kỹ năng làm nghề đã giúp tai tôi luôn biết lắng nghe; chân tôi không ngừng rong ruổi trong những chuyến đi đến nhiều vùng đất và được tiếp xúc nhiều mảnh đời; đầu óc tôi luôn phải suy nghĩ… Nghề báo tuy vất vả nhiều, gian khổ lắm nhưng cũng mang lại cho tôi hạnh phúc. Đặc biệt là hiệu ứng xã hội tốt sau khi bài được đăng…
Phóng sự “Lòng mẹ” tôi thực hiện cách đây 5 năm, đăng trên Báo Quảng Ninh, (sau đó cũng với tư liệu này tôi đã làm một phóng sự truyền hình, phát trên Đài PT-TH Quảng Ninh) là một trong những kỷ niệm sâu sắc mà tôi không thể quên trong quá trình làm nghề. Mẹ Thảo (ở tổ 33, khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) là nhân vật trong phóng sự “Lòng mẹ” của tôi. Đó là một phụ nữ đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình, để nuôi dưỡng đứa con nuôi suốt ba mươi năm liệt giường vì bị bệnh úng thuỷ não từ bé. Bài báo ca ngợi tấm lòng nhân hậu bao la của một người mẹ, đồng thời cũng phản ánh một số việc rất vô lý trong chuyện chi trả tiền trợ cấp cho chị Liễu, cô con gái mẹ Thảo… Và điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả là hiệu ứng xã hội sau khi tác phẩm đó được đăng tải: Rất nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến để thăm nom, trợ giúp cho mẹ Thảo và chị Liễu; nguồn trợ cấp hàng tháng của chị Liễu cũng được ngành LĐ-TB&XH khôi phục. Sau này, mẹ Thảo đã coi tôi như ân nhân, mối quan hệ càng trở nên thân tình. Tôi thường xuyên đến thăm nom hai mẹ con họ, những lúc bận không đến được thì gọi điện. Mỗi lần tôi gọi điện thoại đến, mặc dù không thể nói nhưng chị Liễu luôn bắt mẹ Thảo phải ghé điện thoại vào tai để chị ú ớ mấy tiếng như muốn nói điều gì đó. Năm vừa rồi, chị Liễu và mẹ Thảo đã vào sống ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh. Hạnh phúc của người làm báo, tôi nghĩ đôi khi chỉ cần thế thôi...
Nhà báo Hoàng Anh Tuấn, Thường trú Báo Nông thôn Ngày nay tại Quảng Ninh: “Lúc nào tôi cũng luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp...”
Đối với tôi, cái thú của nghề báo là sự tự do, phóng khoáng và nó cũng là một nghề sang trọng ấy chứ! Nhà báo có thể gặp bất cứ ai, từ người dân bình thường cho đến các quan chức cao cấp, đó là điều mà không phải nghề nào cũng có được. Tuy nhiên, với yêu cầu nhanh, kịp thời về thông tin, người làm báo lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp. Cũng chính vì thế, có thể tạo ra những thói quen không tốt cho sức khoẻ, như: Ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ không có chừng mực, lái xe có khi vượt quá tốc độ an toàn v.v..
Nghề báo cũng là một nghề nhiều áp lực. Không chỉ lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải làm tin, nộp bài đúng kỳ, đúng ngày giờ. Áp lực về thời gian là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ một phóng viên nào cũng phải chịu đựng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để tạo uy tín, lôi kéo đông đảo bạn đọc về tờ báo mình, mỗi tờ báo đều cạnh tranh sao cho thông tin phải nhanh nhạy, chính xác, bám sát sự kiện. Do đó, người làm báo phải luôn trong tư thế sẵn sàng đi, sẵn sàng đến, sẵn sàng “lọc” thông tin, sẵn sàng chụp ảnh, sẵn sàng viết v.v. Trong nghề báo, không có khái niệm “hình như” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải luôn có sự khảo sát thực tế, có những chứng cứ xác đáng, chắc chắn và đa chiều. Cách đây chưa lâu, tôi có viết loạt bài phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trên vịnh Bái Tử Long. Đầu tiên, nguồn tin của bài viết này xuất phát từ hình ảnh vệt màu vàng bất thường trên hình ảnh vệ tinh. Tôi tò mò về điều này và gọi điện cho một số bạn bè để biết tình hình ở đó. Khi đến khảo sát thực tế, tôi được người dân cho biết chu kì cứ 3-4 ngày vệt màu vàng xuất hiện rõ. Sau khi quay phim, chụp ảnh lại để làm bằng chứng, tôi tiếp tục thuê một chiếc đò để đi khảo sát mức độ ô nhiễm đồng thời tìm hiểu thông tin ở các hộ dân xung quanh. Tiếp đó, lần theo một con suối chạy ra Vịnh để tìm đến nguồn gốc của dòng nước gây ô nhiễm trên… Sau khi nắm hết chứng cứ, thu thập đầy đủ thông tin từ người dân, tôi gặp chính quyền địa phương và một số người có liên quan để làm rõ vấn đề. Khi loạt bài báo ra, dư luận rất đồng tình. Với sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH MTV Than Thống Nhất (đơn vị đã thải chất bẩn chưa xử lý ra con suối) đã bị phạt theo quy định của pháp luật và phải lên phương án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, trả lại sự trong sạch của vịnh Bái Tử Long…
Từ thực tế làm nghề, theo tôi, ngoài sự nhạy bén, biết “sàng lọc” thông tin thì một vấn đề quan trọng không kém đó là phải “theo đến cùng” khi nhận được hay phát hiện được một thông tin quan trọng. Chỉ một vụ tai nạn giao thông nhỏ nhưng khi được báo, dù đang nửa đêm, đang mưa bão cũng phải đi để đưa tin một cách chính xác, kịp thời. Qua đó, tạo niềm tin cho bạn đọc mà trước hết là cho người cung cấp tin cho mình. Bên cạnh đó, trong xu hướng báo điện tử đang dần lên ngôi, thông tin càng nhanh càng chiếm ưu thế thì người làm báo cũng cần am hiểu về công nghệ. Điều này sẽ giúp ích và hỗ trợ rất nhiều cho các phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp…
Nguyễn Trang, Đài PT-TH Quảng Ninh: “Điều tôi thích ở nghề báo, đó là những chuyến đi...”
Là một phóng viên mới bước vào nghề, tôi nhận thấy kiến thức được học và thực tế công tác là một khoảng cách rất xa. Có muôn vàn bài học về nghề mà chỉ có “trường đời” chứ không trường lớp nào dạy được. Và vì thế, điều tôi thấy thích nhất ở nghề báo, đó là những chuyến đi. Với mỗi chuyến đi là một cuộc gặp gỡ, là một sự trải nghiệm. Càng đi nhiều, vốn sống càng dày, sự trải nghiệm càng lớn và cuộc sống nhờ đó mà có nhiều màu sắc hơn.
Tôi còn nhớ hồi còn là sinh viên, tôi làm cộng tác viên cho VTV6. Đợt đó, khi làm bộ phim tài liệu về nghệ sĩ ca trù Bạch Vân, tôi muốn lấy hình ảnh buổi biểu diễn tại đình Kim Ngân, nhưng cả 3 đêm liền đều bị dừng lại vì không có khách. Khi tâm sự với cô đến tận hơn 1 giờ sáng, tôi nhận ra trong con người cô là tình yêu rất lớn với nghiệp ca trù. Những nghệ sĩ gạo cội như cô Bạch Vân, họ chỉ vì yêu nghề, yêu nghiệp mà diễn, chứ cuộc đời của họ long đong lận đận lắm. Một nghệ sĩ hàng đầu trong làng ca trù như cô Bạch Vân nhưng không sống được bằng nghề, phải ở trong tầng 2 một ngôi nhà cũ nát, tù mù, với điều kiện kinh tế eo hẹp, bởi có bao nhiêu tiền đều dành để “nuôi” đoàn diễn... Và cũng từ đợt đó, mỗi khi có thể, tôi đều cố gắng đến giúp cô bán vé cho khách nước ngoài. Những lúc ở nhà rảnh rỗi thì nghe ca trù qua mạng. Nghe nhiều đến nỗi có một giai đoạn… bị nghiện ca trù, suốt ngày nghe, thậm chí còn nghêu ngao hát khiến ai cũng ngạc nhiên…
Thế đấy, nếu không làm báo, không có những chuyến đi thực tế ấy, thì ca trù đâu có ám ảnh tôi nhiều đến vậy!
Phương Thuý
Liên kết website
Ý kiến ()