Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam có chuyến công tác biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa tại huyện Cô Tô từ ngày 13-16/10/2022.
Tối 13/10, tại sân khấu ngoài trời Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam đã biểu diễn vở tuồng “Phương thuốc thần kỳ” nhận được sự đón xem của đông đảo nhân dân huyện đảo Cô Tô. Với mạch kịch nhanh, tình tiết dí dỏm, lời thoại sắc sảo, "Phương thuốc thần kỳ" kể câu chuyện về một người nông dân thông minh, tài trí đã dạy cho bọn quan quyền hay ức hiếp dân lành những bài học đích đáng.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của gần 30 nghệ sĩ, diễn viên với âm nhạc, hiệu ứng sân khấu hiện đại, mang đến nhiều cảm xúc sâu sắc trong lòng người xem.
Ngoài vở tuồng “Phương thuốc thần kỳ”, vào 19h30, các ngày 14/10 và 16/10, tại sân khấu ngoài trời Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà hát Tuồng Việt Nam tiếp tục biểu diễn các vở “Chiếc bóng oan khiên”, “Ba giá đồng và Chương trình ca nhạc đặc sắc”. Ngày 15/10, Đoàn nghệ thuật sẽ biểu diễn tại nhà văn hóa xã Thanh Lân.
Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Nếu như Trung Quốc có Kinh kịch, Nhật Bản có kịch Noh thì người Việt có nghệ thuật Tuồng. Ngày nay, môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam. Việc đưa nghệ thuật Tuồng đến với bà con vùng sâu vùng xa thông qua các buổi biểu diễn không chỉ giúp đưa tuồng cổ tiếp cận với khán giả mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là quảng bá hình ảnh và nghệ thuật truyền thống của dân tộc; góp phần bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ.
Ý kiến ()