Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 17:01 (GMT +7)
Nhà trẻ Hoa Sen, món quà độc đáo của tình hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển tại Vùng mỏ
Thứ 3, 18/04/2023 | 09:45:34 [GMT +7] A A
Sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã viện trợ nhân đạo thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (viết tắt là UNICEF) giúp Việt Nam xây dựng một số các công trình như trường học và bệnh viện…, có thể kể đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Nhà trẻ Hoa Sen và Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Tháng 4/1976, “Bệnh viện Việt Nam –Thụy Điển” chính thức khởi công tại đồi Bãi Dài thuộc phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh. Tháng 9/1980, toàn bộ công trình đã hoàn thành với 23 hạng mục chính, trên diện tích 5,97 ha. Diện tích nhà sử dụng 26.000m2. Tổng giá trị là 120 triệu curon Thụy Điển và 58 triệu đồng Việt Nam (thời điểm năm 1981).
Cùng thời điểm đó, Nhà trẻ Hoa Sen được xây dựng theo mô hình lắp ghép ở Cẩm Phả. Cho đến nay, ngôi trường này vẫn giữ nguyên được cơ bản kiến trúc như ban đầu, khác biệt, nằm khiêm tốn ẩn mình như một đóa hoa sen dịu dàng giữa lòng phố mỏ đang phát triển mạnh mẽ, sôi động, náo nhiệt và phồn hoa.
Ngược dòng thời gian vào những năm 1960, khuôn viên Nhà trẻ Hoa Sen còn là một bãi đất nghiêng thoải dốc. Phía Tây có hai, ba gian nhà tạm bợ, nền nhà trẻ là cả một vạt đất trải dài phía dưới nơi người dân tộc Sán Dìu và cả người Hoa canh tác trồng lúa và hoa màu.
Ông Lê Văn Mão, nguyên là giáo viên trường Cấp II Bái Tử Long, sau khi phục vụ trong Quân đội 13 năm thì về công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cẩm Phả, đến khi nghỉ hưu ông làm bảo vệ trường Hoa Sen. Ông Mão cho biết: “Năm ấy khi tìm mặt bằng để xây dựng nhà trẻ do tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF viện trợ, do thời gian rất gấp nếu như không triển khai nhanh thì công trình sẽ chậm tiến độ và rất có thể bị chuyển dự án sang địa phương khác. Và thế là thị xã Cẩm Phả quyết định lấy toàn bộ khu đất nói trên là ruộng khoai HTX Cẩm Bình lúc bấy giờ để triển khai việc xây dựng cho nên không kịp san lấp mặt bằng, vì vậy ngôi trường hiện tại thấp hơn so với mặt đường như ngày nay".
Phần thiết kế các lô nhà, phòng học là của Thụy Điển, các nước khác như Liên Xô, Đức, Pháp, Trung Quốc cũng đóng góp các trang thiết bị dạy học, đồ dùng cho nhà trẻ như hệ thống quạt, hệ thống điện, đồ chơi, dụng cụ nhà bếp, bàn ghế… rất đầy đủ, hiện đại và rất bền. Điển hình là các tấm ốp trần, kính lấy sáng, hệ thống cửa, bóng đèn của Thụy Điển cùng một số dụng cụ trong nhà bếp của Pháp như mặt bàn chế biến thức ăn, xoong nồi, chiếc xe đẩy thức ăn làm bằng inox đến nay nhà trường vẫn đang sử dụng.
Không chỉ đặc biệt về hoàn cảnh ra đời, kiến trúc của Nhà trẻ Hoa Sen luôn là một điểm ấn tượng với những ai từng đặt chân tới ngôi trường này. Càng tiến sâu vào không gian phía trong của nhà trường, càng nhận ra vẻ đẹp vừa lạ vừa quen bởi các kiến trúc sư đã tái hiện hoàn hảo từ màu sắc, ánh sáng và các đường nét kiến trúc độc đáo của phong cách Châu Âu kết hợp nét thuần Việt đan xen, mang đến một công trình rất hài hòa, gần gũi và vô cùng ấn tượng.
Hệ thống các phòng học lắp ghép được liên kết với nhau thành 5 khu nhà hai tầng và 2 khu nhà một tầng, thiết kế thoáng mát, thân thiện với môi trường, đủ ánh sáng tự nhiên. Mái lợp tôn nhôm khung thép, tường là 03 tấm panel ghép lại với nhau, tấm ở giữa dày 7cm cùng với lớp cách nhiệt dày 3cm, hai tấm bên ngoài mỗi tấm dày 2cm. Các lô nhà và tầng lầu được kết nối bởi hệ thống cầu thang rất phù hợp bởi các kỹ sư đã thiết kế hẳn hai lớp tay nắm lan can, phía trên là dành cho người lớn, phía dưới là dành cho các bé vậy nên việc đi lại, lên xuống cầu thang rất thuận lợi và an toàn.
Ngoài các thiết bị dạy học hiện đại, nhà trường còn có hệ thống bình nước nóng 100 lít ở các lớp để đảm bảo nước ấm cho các bé vệ sinh cá nhân. Hệ thống giường cũng được thiết kế phù hợp cho các bé lớn và những bé nhỏ hơn. Khu nhà bếp có các bếp điện, nồi điện công suất lớn. Đặc biệt, nhà trẻ có hệ thống điện rất hiện đại. Ở nhà điều hành có thể đóng ngắt điện ở các nhóm chi tiết đến từng thiết bị vậy nên sử dụng rất an toàn.
Còn một điều đặc biệt nữa là khi xây dựng nhận thấy khu vực này trống trải, toàn bộ kết cấu nhà là bằng kim loại, do đó, các kĩ sư đã bố trí 05 cột thu lôi ở trong khuôn viên nhà trẻ (đến nay 05 cột thu lôi này vẫn còn sử dụng tốt). Gạch lát nền là gạch men từ Thụy Điển nhập về, điểm đặc biệt ở loại gạch này rất nhỏ (5x5cm) các mối ghép gần giống gờ giảm tốc làm tăng thêm độ ma sát, thoát hơi nước rất nhanh, không trơn trượt. Tuy nhiên sau gần nửa thế kỷ, nền nhà một số các thiết bị đã bị hỏng, xuống cấp nhiều, không có thiết bị cùng chủng loại nên phải thay mới.
Đại diện cho tập thể giáo viên nhà trường, chị Lương Thị Chung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường mầm non Hoa Sen thành lập từ năm 1977, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2003 và tháng 9/2016 tiếp tục được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định và trao bằng công nhận lại trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia.
Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tin tưởng ủng hộ của các bậc cha mẹ học sinh, đó chính là nguồn động viên rất lớn đối với nhà trường. Do đó liên tục nhiều năm trường đạt tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000; Huân chương lao động hạng Nhì năm 2007; đơn vị được tặng cờ thi đua dẫn đầu toàn khối giáo dục mầm non năm 2017… Từ đó góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước khẳng định sự trưởng thành, là địa chỉ tin cậy của các bậc cha, mẹ học sinh và toàn thể nhân dân trên địa bàn phường Cẩm Thành (thành phố Cẩm Phả). Kể từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động cho đến nay, ngôi trường này vẫn luôn nằm trong top những công trình đẹp và độc đáo nhất của Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, sự độc đáo về mặt kiến trúc, mà nó còn thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trương Thành Công (Trung tâm Truyền thông và văn hóa Thành phố Cẩm Phả)
Liên kết website
Ý kiến ()