Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:57 (GMT +7)
Nhà văn Dương Hướng: "Tôi vẫn trăn trở với mảng đề tài về làng quê..."
Chủ nhật, 11/06/2017 | 00:55:35 [GMT +7] A A
Mặc dù đã xa vùng quê nghèo khó của mình để định cư ở thành phố hơn 40 năm nay, nhưng nhà văn Dương Hướng vẫn nặng lòng về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ở đó, ông cảm nhận dù đời sống còn nghèo khó nhưng tấm lòng thuỷ chung và sự hy sinh của người dân quê thật phi thường. Thực tế, không chỉ riêng tiểu thuyết “Bến không chồng”, nhà văn Dương Hướng đã dành cả cuộc đời cầm bút của mình để theo đuổi mảng đề tài viết về những người nông dân. Nhân dịp nhà văn Dương Hướng vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, phóng viên Báo Quảng Ninh Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông.
Nhà văn Dương Hướng. |
- Xin chúc mừng nhà văn Dương Hướng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với tiểu thuyết “Bến không chồng”. Thưa nhà văn, chắc hẳn ông còn nhớ những ngày đầu “Bến không chồng” chào đời?
+ “Bến không chồng” được ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào năm 1990. Còn nhớ lúc đó, tôi đã đưa bản thảo sang NXB Quảng Ninh (khi ấy các tỉnh đều có thể có NXB riêng - PV) và chờ đợi, hy vọng. Người phụ trách biên tập của NXB Quảng Ninh lúc đó trao đổi rằng sẽ in nhưng với điều kiện tôi phải sửa chữa nhiều chi tiết, nội dung trong cuốn tiểu thuyết đó. Tôi không đồng ý, xin bản thảo về và khăn gói đi Hà Nội. Lúc đó anh biết không, bà xã tôi tăng gia nuôi được con lợn 70 cân bán đi đưa cho chồng 200 đồng, một người bạn của tôi cũng đưa cho 200 đồng nữa. Tôi lên gặp anh Nguyễn Phan Hách, Giám đốc NXB Hội Nhà văn để đưa bản thảo và sau đó thì lại mang tiền về đưa vợ vì lúc đó in sách không mất tiền. Một thời gian sau, tôi nhận được thư gửi bản bông để đọc lại. Tôi thấy vài trang đầu NXB tôn trọng bản thảo của mình không sửa chữa gì nên cũng đọc qua qua. Sách ra, sau đó, năm 1991, tôi được giải thưởng Hội Nhà văn và rồi được kết nạp Hội Nhà văn cũng nhờ tiểu thuyết ấy. Mọi chuyện đến theo cách hết sức tự nhiên, tôi cũng chẳng nghĩ đến, chẳng ngờ tới...
- Bạn đọc nhận ra có vẻ như sau “Bến không chồng” và rồi “Dưới chín tầng trời”, nhà văn Dương Hướng viết chậm lại và rất điềm tĩnh?
+ Tôi chẳng thích ồn ào. Thực ra mới đây tôi cũng đã xuất bản tuyển tập truyện ngắn và tập sách “Dương Hướng - Văn và đời”. Cũng có nhà xuất bản đề nghị được tái bản một trong số những tiểu thuyết của tôi. Tôi còn đang cân nhắc. Có chỗ còn đặt hàng tôi viết một cuốn tiểu thuyết khác về đề tài chiến tranh, tôi cũng chưa nhận lời. Sức khoẻ của tôi không cho phép mình nghĩ nhiều, nghĩ sâu một tí, lao tâm nhiều như trước là không được nữa. Giờ đây, để giữ gìn sức khoẻ sau đợt mổ tim, tối nào tôi cũng phải đi khiêu vũ. Không đi khiêu vũ cho lưu thông máu, chắc tôi nằm xẹp rồi chứ viết lách gì nữa (cười). Nói là nói vậy chứ tôi vẫn ấp ủ nhiều dự định, nhiều suy tư muốn trải lòng trên trang viết...
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhà văn Dương Hướng tại lễ trao giải do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 20-5-2017. Ảnh: Nam Trần (CTV) |
- Giả sử, nhận lời đặt hàng viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh như vừa nói, ông sẽ viết như thế nào?
+ Tất nhiên, nếu viết theo kiểu đặt hàng thì chắc là mấy tháng thì xong thôi nhưng tôi không viết được cái kiểu ấy. Cái tôi viết ra phải là cái riêng, cái máu thịt của mình. Tôi sẽ viết về chiến tranh nói chung, chiến tranh như là tội ác đối với toàn nhân loại. Tôi lấy nguyên mẫu mà tôi đã gặp, đã chứng kiến trong những năm mình cầm súng chiến đấu. Rồi sau này hoà bình tôi đã đi cả tháng trời vào Nam để lấy tư liệu. Nhưng ấp ủ lâu rồi và tôi vẫn để đấy chưa bắt đầu. Có thể nếu viết, tôi chọn cách viết sẽ tưng tửng không lên gân, lên cốt...
- Viết về chiến tranh đã vậy còn nếu viết về làng quê nông thôn như sở trường thì ông sẽ khai thác thế nào?
+ Lâu nay, tôi ít về quê nhưng đề tài làng quê tôi vẫn đau đáu. Tôi muốn viết về nông thôn hôm nay những người nông dân bỏ hoang ruộng đất. Họ không thiết tha, không yêu đất như ngày xưa nữa. Ngay cả những đứa em của tôi ở quê đấy nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua rau chứ chẳng chịu trồng lấy mà ăn. Ở nông thôn, một số nơi các chính sách mở ra nông dân có đất bán cho một người giàu có tiền gom lại. Có khi người cai mua đất này là người nước ngoài. Ở quê tôi, thậm chí nông dân còn phải đào cả mồ mả xây kiên cố dời đi để bán chỗ đất đó cho một người nước ngoài. Người ta lấy đất của nông dân, nông dân bán đi mất tư liệu sản xuất trong khi vẫn chưa được giải quyết việc làm. Cái làm tôi thấy bi kịch nhất là nông dân không thiết tha gì với ruộng đất như xưa nữa. Họ không máu thịt với đất đai vì thấy cày cấy trên đất quê không sinh lời bằng làm nghề khác. Lẽ ra, người quê phải giữ đất, yêu đất, phải đầu tư khoa học kỹ thuật làm giàu từ đất thì chỉ mong ngóng đi làm thuê đâu đó kiếm tiền ăn ngay, mang tiền ở phố về quê thể hiện. Người ở quê có đồng tiền thì cũng hau háu ngóng trông. Điều đó làm tôi xót xa. Rồi thì môi trường nông thôn cũng không còn trong lành như thời tôi ở quê nữa. Nhiều khi về quê thấy cảnh quê người quê mà chạnh buồn...
Nhà văn Dương Hướng cùng vợ và hai con gái tại buổi nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. |
- Đọc những sáng tác của ông thấy ông quá chuyên tâm viết về chiến tranh, về nông thôn mà ít có những tác phẩm viết về ngành Than, về Vùng mỏ?
+ Có vẻ như đề tài ngành Than không phải là sở trường của tôi. Mỗi người có một lựa chọn mảng đề tài, không có đề tài nào là quý hơn đề tài nào cả. Riêng tôi quen với làng quê, quen viết về chiến tranh hơn. Thực ra tôi cũng có viết về mỏ, về ngành Than nhưng từ góc nhìn thân phận con người. Làng quê nơi tôi đã sinh ra lớn lên còn chiến tranh là mình đã trải nghiệm nên nó thuộc về mình. Viết ít về ngành Than, về mỏ có lẽ do tôi ít thâm nhập thực tế nên ít có vốn sống khó viết hơn chăng?
- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này.
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()