Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:11 (GMT +7)
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - tác giả ca khúc 'Xa khơi' - qua đời
Thứ 6, 11/02/2022 | 14:33:24 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - tác giả ca khúc 'Xa khơi' nổi tiếng - vừa qua đời lúc 9h07 sáng nay (11-2) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), hưởng thọ 87 tuổi.
Tin từ PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - phó chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Hà Nội - cho biết nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mất vì bệnh phổi.
Trước đó ít ngày ông mới khỏi bệnh COVID-19, nhưng vài ngày sau khi ra viện, ông lại mắc bệnh phổi. Được gia đình đưa tới điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhưng ông đã không qua khỏi.
Dù không được đào tạo âm nhạc bài bản ngay từ đầu (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tốt nghiệp ngành sư phạm), nhưng với tài năng và đam mê âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã để lại nhiều ca khúc rất giá trị như Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Xa khơi....
Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó ngay khi vừa ra đời đã được ca sĩ Quốc Hương thể hiện rất thành công, nhanh chóng đưa bài hát được phổ biến với mọi người.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết, lúc đó ca khúc rất nổi tiếng với tiếng hát Quốc Hương, nhưng thực tế thì cả ca sĩ và nhạc sĩ đều chưa một lần tới Pắc Bó.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã viết nên ca khúc bằng lòng kính yêu và biết ơn vô hạn với Bác Hồ - vị cha già dân tộc, và nhiều năm tháng sống ở núi rừng Tây Bắc.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục đánh giá bài hát có âm hưởng rất đẹp, ảnh hưởng của âm nhạc Tày, Nùng, lời ca giàu hình tượng, như một bài thơ.
Ca khúc Xa khơi được sáng tác năm 1962 khi nhạc sĩ đang ở Đoàn ca múa nhạc nhân dân trung ương, được giải nhì (không có giải nhất) cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước.
Ca sĩ Tân Nhàn hát ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15-5-1936 tại xã Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, ông đã say mê với âm nhạc qua những làn điệu ví dặm, những khúc hát đò đưa của quê hương xứ Nghệ.
Năm 1955, khi học hết cấp 3, ông ra Hà Nội. Bố ông muốn con trai đi theo con đường văn chương để làm thầy giáo. Học được một thời gian, ông nhận ra âm nhạc mới là cái nghiệp của mình chứ không phải văn chương và ông đi theo âm nhạc từ đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng làm diễn viên của Đoàn ca múa nhân dân trung ương hát với những ca sĩ như Quốc Hương, Mai Khanh, Chu Minh, Thương Huyền trong một dàn hợp xướng và đồng thời đi theo con đường sáng tác.
Ðầu năm 1957, Nguyễn Tài Tuệ lên công tác tại Ðoàn ca múa Lao - Hà Yên. Tại đó ông được tiếp xúc nhiều với dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dáy... và sáng tác các ca khúc như Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum còn chảy mãi, hợp xướng Xuân về trên bản...
Đầu năm 1959, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ về Hà Nội công tác tại Ban nghiên cứu âm nhạc dân gian - tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian hiện nay.
Năm 1963, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh. Từ năm 1966 đến năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được cử đi học sáng tác âm nhạc bậc đại học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng.
Trở về nước, ông công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với tư cách là nhạc sĩ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.
Ông sáng tác nhạc đều đặn và các tác phẩm của ông đều gần gũi với âm hưởng dân gian. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, đặc biệt cho nhạc cụ dân tộc. Ông cũng soạn nhạc cho các vở múa và một số ca cảnh, tổ khúc dân ca.
Các ca khúc chính như: Lời ca gửi noọng, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Xuân về trên bản Nhắng, Về mỏ, Xôn xao bến nước, Xa khơi...
Về khí nhạc, ông có giao hưởng thơ Những cánh chim cao nguyên, Kỷ niệm quê hương (cello và piano). Ngoài ra, nhạc sĩ cũng đã xuất bản Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Tài Tuệ và album riêng tác giả.
Với những cống hiến của mình cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt I (2001), Huân chương Lao động hạng nhì; được trao Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch).
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()