Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:24 (GMT +7)
Nhạc sĩ Văn Cao trong trang viết của Trịnh Công Sơn
Thứ 2, 10/07/2023 | 11:24:01 [GMT +7] A A
“Anh Văn ơi, đừng buồn, bởi có gì tồn tại mãi đâu. Có đấy và mất đấy. Cái tồn tại hôm nay là tạm bợ. Cái vĩnh viễn là tấm lòng chung thủy quá hiếm hoi” - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1996 sau khi đến viếng người tri âm, tri kỉ vong niên là nhạc sĩ Văn Cao.
“Trịnh Công Sơn - Tôi là ai là ai" được tổng hợp từ những bài viết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nhiều thể loại, hồi ức, tản văn, tùy bút, truyện ngắn và thơ. Sách do nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Nguyễn Trọng Chức cùng gia đình cố nhạc sĩ tổ chức sưu tầm và hoàn thành bản thảo.
Tác phẩm có hai phần: “Tôi là ai” và “Là ai”. Phần đầu là những trang viết của Trịnh Công Sơn về cuộc đời, bạn bè, gia đình, quê hương ông và cả những nơi mà ông đã đặt chân đến.
Phần 2 là những dòng cảm nghĩ, hồi ức của Trịnh Công Sơn về các tri âm, tri kỷ ghé ngang cuộc đời mình, đồng thời mang đến nhận xét, đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về người nhạc sĩ tài hoa.
Trong số nhiều nhân vật được nhắc đến, cố nhạc sĩ Văn Cao luôn có vị trí rất đặc biệt, thể hiện rất rõ trong trang viết của Trịnh Công Sơn. Được biết, nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939.
Tuy hơn nhau 16 tuổi nhưng cả hai như "tri âm với một tri âm", giữa hai người nhạc sĩ tài hoa có sợi dây liên kết mà không dễ ai nhận ra. Có lẽ chính vì vậy mà Trịnh Công Sơn đã viết về cố nhạc sĩ Văn Cao theo cách riêng có.
“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi đi la đà giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư...".
Với nhạc sĩ Văn Cao, ông gọi Trịnh Công Sơn với cái tên đầy trìu mến là người ca thơ. "Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính, cái nào phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền".
Rồi Văn Cao nhận xét về phong cách sáng tác của người bạn vong niên: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa.
Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975... Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc của Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm...”.
Đọc từng trang viết của Trịnh Công Sơn sẽ thấy buồn man mác, bởi đó là con chữ của những hoài niệm. Và hơn hết, khi ông viết về những tri âm, tri kỷ đã khuất thì chất văn ấy lại càng thấm đẫm vẻ sầu buồn của một người nghệ sĩ chân chính.
Trong bài viết "Giữa Sài Gòn uống rượu nhớ Nguyễn Tuân và Văn Cao", Trịnh Công Sơn bộc bạch: "Những ngày vui chơi giữa Sài Gòn này cùng các anh tưởng chừng như vô tận mà có lúc tận. Rượu thì vô hạn mà đời người thì hữu hạn.
Đã bao nhiêu mùa xuân qua rồi. Bao nhiêu đêm giao thừa tôi ngồi uống rượu và nhớ đến các anh Nguyễn Tuân, Văn Cao. Trầm hương không đủ để làm ấm một không gian đã vắng những khuôn mặt người vắng để nhớ.
Nhớ như nhớ một vết thương. Bạn trong đời sống uống rượu đường dài có nhiều nhưng không phải ly rượu nào cũng quý và bữa tiệc rượu nào cũng vui...".
Hay sau khi đến viếng vào năm 1996, sau một năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, người nhạc sĩ gốc Huế cũng đã viết những lời bộc bạch gửi đến người bạn nghề, bạn rượu, bạn đời.
"Anh Văn ơi, sao anh ra đi mà tôi cứ có cảm giác như một cuộc hành hương tưng bừng về cố quận. Chỉ thấy nụ cười và nụ cười. Nụ cười của anh đã lỡ mở ra không cần giấu diếm với một không gian nhỏ bé quanh anh.
Ở đâu rồi và ở đâu anh đang bước những bước đi không chính xác. Không chính xác đôi khi cũng là bản chất của người nghệ sĩ. Anh thì cần gì nghệ sĩ hay không.
Quên đi những ai tự cho mình là nghệ sĩ. Anh cứ là anh như một kẻ tình cờ lạc lối đến nơi này. Không mưu toan gì, không ân hận gì nhưng dù sao cũng phải yêu thương cuộc đời này dù anh đang ở một cuộc đời khác".
Hai nhạc sĩ tài danh đã viết về nhau như thế. Chỉ có tâm hồn đồng điệu của người yêu nhạc mới có thể cùng lắng nghe và chia sẻ như vậy cho nhau. Từng câu từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như đưa ta chạm vào cái hư vô, khoảng không chơi vơi của kiếp người. Bên cạnh đó, xuyên suốt tác phẩm còn là nhiều câu chuyện, triết lí sâu sắc khiến cho độc giả không thể nào quên.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()