Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 19:11 (GMT +7)
Nhậm chức nhiệm kỳ mới, ông Putin muốn đưa Nga vào top 4 nền kinh tế thế giới
Thứ 3, 07/05/2024 | 15:20:12 [GMT +7] A A
Ông Putin cho biết nền kinh tế Nga hiện đứng thứ 5 thế giới tính theo sức mua tương đương và đặt mục tiêu đưa nước này vào top 4 trong nhiệm kỳ 6 năm tới.
Ngay 7/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa lắng dịu và mối quan hệ với phương Tây rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Theo Tass, kinh tế được xem là một những trọng tâm chính trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông Putin. Nhà lãnh đạo 71 tuổi cho biết nền kinh tế Nga hiện đứng thứ 5 thế giới tính theo sức mua tương đương và đặt mục tiêu đưa nước này vào Top 4 sau 6 năm.
Tổng thống Nga đã chỉ đạo chính phủ nâng tổng giá trị gia tăng trong ngành sản xuất lên ít nhất 40% vào năm 2030 so với năm 2022, giảm tỷ trọng nhập khẩu trong GDP xuống 17%, đồng thời tăng xuất khẩu mặt hàng phi tài nguyên và phi năng lượng lên tối thiểu 66%.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Nga đã vượt qua Iran và Triều Tiên, trở thành quốc gia bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống khó khăn đó, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí còn đạt kết quả gây ngạc nhiên cho giới quan sát.
Ông Putin nêu lên thực tế rằng nền kinh tế Nga đã phát triển nhanh hơn vào năm ngoái với mức tăng trưởng GDP 3,6%, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong Nhóm G7 đã tấn công Moskva bằng làn sóng trừng phạt vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Theo CNBC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay. Nga dự kiến sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2024, vượt quá tốc độ tăng trưởng dự báo của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp ( 0,7%).
Nga được cho là đã thích nghi với trạng thái “bình thường mới” khi nền kinh tế đất nước được đặt trong tình trạng chiến tranh.
Moskva cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các ngành công nghiệp quan trọng của Nga đã giúp nước này trở nên tự cung tự cấp hơn, trong khi tiêu dùng tư nhân cũng như đầu tư trong nước vẫn có khả năng phục hồi tốt.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục xuất khẩu dầu và hàng hóa sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, cho phép Nga duy trì doanh thu xuất khẩu dầu mạnh mẽ.
Tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga cũng đã mở rộng đáng kể trong thời kỳ chiến tranh khi chi tiêu và sản xuất quốc phòng tăng vọt.
"Bất chấp những thách thức chưa từng có mà chúng ta phải đối mặt trong vài năm qua, các xu hướng tích cực trong nền kinh tế vẫn đang được củng cố", Tổng thống Nga Putin tuyên bố.
Ông cho biết thêm: "Một trong những động lực của nền kinh tế Nga là nỗ lực của các doanh nghiệp, công ty và toàn thể cộng đồng doanh nhân, cùng nhau làm việc không chỉ vì lợi nhuận của riêng mình mà còn nhằm được các mục tiêu phát triển quốc gia. Mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng trong những điều kiện khó khăn đã cho phép chúng ta đối phó thành công với những khó khăn bên ngoài".
Những thách thức
Tuy nhiên, IMF cho rằng nền kinh tế Nga vẫn đang phải đối mặt với những cơn gió ngược đáng kể bất chấp những dự báo lạc quan của Quỹ dành cho đất nước có khoảng 145 triệu dân này.
"Nếu nhìn vào Nga ngày nay, có thể thấy mức độ sản xuất tăng lên nhưng mức tiêu dùng giảm xuống", Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định.
Bà Georgieva cho rằng nền kinh tế Nga cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến làn sóng di cư của công nhân lành nghề và “khả năng tiếp cận công nghệ giảm dần theo các biện pháp trừng phạt”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói với các nhà lập pháp tại Duma Quốc gia Nga hồi đầu tháng 4 rằng sản xuất ở nước này đang bị hạn chế do tình trạng thiếu lao động, mặc dù bà lưu ý nền kinh tế Nga đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng.
Ngoài ra, sự đột phá về mức sống vẫn chưa thành hiện thực. Thu nhập thực tế đã tăng 7,6% kể từ khi Tổng thống Putin đưa ra lời hứa năm 2018 nhưng vẫn thấp hơn một chút so với năm 2013.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 2 do ngân hàng trung ương thực hiện, 28% người dân cho biết họ không có đủ tiền mua thực phẩm, hoặc có thể mua thực phẩm nhưng không đủ tiền mua quần áo và giày dép.
Lạm phát đã tăng nhanh vượt xa mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương trong những năm gần đây - đạt 8,4% vào năm 2021, 11,9% vào năm 2022 và 7,4% vào năm 2023 - và lãi suất ở mức 16%.
Giá trứng tăng vọt đã buộc Putin phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi vào tháng 12/2023. Dịch vụ thống kê nhà nước Rosstat, trong các báo cáo năm nay, đã bắt đầu nói rằng giá cả "đã thay đổi" chứ không phải "gia tăng".
Bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ nâng cao mức sống ở Nga bằng cách tăng chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng công cộng. Ông cũng báo hiệu rằng thuế đánh vào các công ty lớn hơn và những cá nhân giàu có hơn sẽ tăng lên.
Kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Quỹ Dư luận Xã hội (FOM) cho thấy đa số (82%) người Nga đánh giá công việc của Tổng thống Vladimir Putin là khá tốt và tỷ lệ tương tự (82%) cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Putin trong nhiệm kỳ 6 năm sắp tới.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()