Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:42 (GMT +7)
Nhận định chứng khoán tuần từ 18 - 22/7: Cân nhắc yếu tố giá giảm về vùng hấp dẫn
Chủ nhật, 17/07/2022 | 08:57:23 [GMT +7] A A
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực như tin tức lan truyền về một lãnh đạo doanh nghiệp trong nhóm VN30 bị cấm xuất cảnh, hay chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6. Dù vậy có thể nhận thấy, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có phản ứng khá “bình tĩnh” với những thông tin tiêu cực. Hiện tại, nhà đầu tư đang quan tâm đến cơ hội ở các nhóm cổ phiếu hơn là tham chiếu theo chỉ số thị trường.
Coi trọng yếu tố cơ bản
Thực tế, việc nhà đầu tư quan tâm đến cơ hội của các nhóm cổ phiếu thể hiện rõ trong những phiên giao dịch tuần qua. Đó là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi khi giá thịt lợn tăng vọt, hay cổ phiếu ngành thép tăng mạnh nhờ thông tin về Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đồng loạt tăng trần sau thông tin ngày 29/8 sẽ rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2.
Như vậy có thể thấy, nhà đầu tư luôn tìm cơ hội tại các nhóm cổ phiếu có có câu chuyện riêng. Cùng đó, các thông tin vĩ mô trong nước cũng khá tích cực phần nào hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS nhận định, thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần nhưng vẫn ghi nhận 1 tuần tăng điểm, trong bối cảnh chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6 “sốc” hơn dự báo. Điều đó cho thấy chứng khoán trong nước đang coi trọng yếu tố cơ bản khi các doanh nghiệp đang báo kết quả kinh doanh quý II và mạch thông tin trong nước không gặp yếu tố bất lợi.
Thanh khoản tuần này đã tăng so với mức bình quân tuần trước và cũng đạt mức cao nhất 3 tuần vừa qua khi chỉ số VN-Index ngày càng củng cố vùng đáy. Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt là điểm nhấn ở tuần qua, từ nhóm cổ phiếu ngân hàng sang cổ phiếu chứng khoán và dòng tiền chốt tuần ở nhóm cổ phiếu thép.
Như vậy thị trường đang có sự phân hóa tích cực, nhà đầu tư đang quan tâm đến cơ hội ở các nhóm cổ phiếu hơn là tham chiếu theo chỉ số thị trường, MBS khuyến nghị.
Các nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thì đánh giá tích cực cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1.204 điểm trong những phiên giao dịch tới.
Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ duy trì ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực là xu hướng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu VNSmallcaps (chỉ số vốn hóa đo lường mức tăng trưởng của các công ty có quy mô nhỏ trong VNAllshare) được nâng lên mức tăng, cho nên dòng tiền sẽ có xu hướng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.
Dù vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, trên quan điểm thận trọng, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, có thể kỳ vọng VN-Index tiếp tục hồi phục trong tuần tiếp theo với mục tiêu quanh vùng kháng cự của xu hướng giảm giá hiện tại là 1.185-1.190 điểm.
Với quan điểm dài hạn, thị trường kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, hình thành vùng tích lũy. Ở vùng giá hiện tại định giá thị trường vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thị trường đang ở mức 12,8 lần, P/B (giá trên giá trị sổ sách- là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu so với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó) trung bình toàn thị trường trong khoảng 1,4 lần, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. GDP quý II/2022 tăng 7,72%, cao nhất trong thập kỷ qua và quý III/2022 có thể tăng trên 9%.
SHS khuyên nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng khi giá đang giảm về vùng hấp dẫn.
Về diễn biến thị trường tuần qua (từ 11 - 15/7), kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,94 điểm lên 1.179,25 điểm, HNX-Index tăng 6,6 điểm lên 284,4 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,2% so với tuần trước đó với 57.669 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 11,2% lên 2.621 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 24,9% so với tuần trước đó với 6.646 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 14,3% lên 337 triệu cổ phiếu.
Thị trường giảm khá mạnh ngay trong phiên đầu tuần và tạo ra khoảng trống giảm giá (gap down) so với tuần trước đó do chịu ảnh hưởng từ tin tức được lan truyền về một lãnh đạo doanh nghiệp trong nhóm VN30 bị cấm xuất cảnh. Nhưng thông tin ngay lập tức được đính chính sau đó từ Bộ Công an, cũng như doanh nghiệp đã giúp cho chỉ số VN-Index hồi phục mạnh trong phiên sau đó trước khi đi ngang trong ba phiên còn lại để kết tuần với mức hồi phục nhẹ.
Trong tuần qua, cũng có một thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tài chính là việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981.
Thông tin này đã khiến cho quan điểm của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động trong kỳ họp tiếp theo thay đổi “chóng mặt”. Theo khảo sát từ CME Group, hiện có trên 50% tin rằng Fed sẽ tăng 0,75% ở kỳ họp tới và dưới 50% tin rằng Fed sẽ tăng 1%.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất trong tuần qua với 4,3% giá trị vốn hóa, nhờ lực kéo từ các cổ phiếu thép như HPG tăng 3,3%, NKG tăng 4,7%... và cổ phiếu ngành phân bón như DPM tăng 8,6%, DCM tăng 4%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng 3,2% giá trị vốn hóa, tiện ích cộng đồng tăng 2,4%, dầu khí tăng 2,2%, dược phẩm và y tế tăng 1,3%, tài chính tăng 1,1%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất với 3,2% giá trị vốn hóa do sự sụt giảm của các cổ phiếu bán lẻ như DGW giảm 7,9%, FRT giảm 7,3%, MWG giảm 5,4%, PNJ giảm 2,2%...
Khối ngoại bán ròng trên hai sàn với giá trị ròng ước đạt 1.226,16 tỷ đồng, tương ứng với giá trị ròng gần 40 triệu đơn vị. Xét theo khối lượng ròng, FUEVFVND là mã bị bán ròng nhiều nhất với 8,9 triệu chứng chỉ quỹ. Tiếp theo là DXG với 6,6 triệu cổ phiếu và SSI với 5,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, STB là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,8 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán thế giới đi xuống
Trong bối cảnh các thông tin vĩ mô tích cực trong nước hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam, việc các thị trường chứng khoán trên thế giới đi xuống phần nào kìm hãm mức độ đi lên của các chỉ số.
Bất chấp đà phục hồi phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn khép lại tuần giao dịch với mức giảm do xu hướng lao dốc diễn ra liên tiếp vào đầu tuần, khi số liệu về lạm phát mới nhất của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong ba phiên giao dịch đầu tuần này (11-13/7), Phố Wall liên tiếp đỏ sàn sau khi có thông tin về một đợt gia tăng số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc và báo cáo về mức lạm phát cao hơn dự kiến của Mỹ.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng Sáu đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Đây là mức cao nhất trong vòng 40 năm và củng cố khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất mạnh tay vào cuộc họp sắp tới.
Đáng chú ý, trong ngày 13/7, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng euro rớt giá xuống mức 1 euro đổi được 0,9998 USD sau khi các dữ liệu kinh tế mới phản ánh lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Sáu.
Những lo ngại về khả năng nền kinh tế giảm tốc càng gia tăng khi Mỹ bước vào mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp quý II không mấy tích cực.
Hai ngân hàng JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley công bố lợi nhuận quý II/2022 sụt giảm khiến chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục đi xuống phiên 14/7, song các cổ phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vi mạch (microchip) đã giúp nâng đỡ chỉ số Nasdaq để kết phiên ở vùng tăng điểm.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 15/7, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc, khi thị trường phản ứng tích cực với đợt báo cáo kết quả kinh doanh mới từ các ngân hàng và dữ liệu kinh tế đầy hứa hẹn, đẩy lùi phần nào lo ngại về việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới để kiềm chế lạm phát.
Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 658,09 điểm lên 31.288,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,92% lên 3.863,16 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,79% lên 11.452,42 điểm.
Tuy vậy, bất chấp đà đi lên phiên cuối tuần, ba chỉ số chính đều hạ điểm trong tuần qua. Dow Jones lùi 0,2%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,9% và gần 1,6%.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán giao dịch ngược chiều nhau trong phiên 15/7, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và một loạt đợt tăng lãi suất trên thế giới tiếp tục làm dấy lên lo ngại về suy thoái.
Trong khi đó, việc Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã làm tăng thêm lo ngại về các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh thấp hơn dự kiến của các “gã khổng lồ” của Phố Wall như JP Morgan và Morgan Stanley đã làm tăng thêm lo ngại rằng lợi nhuận của các công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, gây ra do một loạt yếu tố như giá cả tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và căng thẳng Nga-Ukraine.
Kết thúc phiên cuối tuần 15/7, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,5% lên 26.788,47 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,1% xuống 20.311,33 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1,6% xuống 3.228,06 điểm, sau số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,4% trong quý II/2022 trong bối cảnh nước này bị tác động bởi các biện pháp phong tỏa liên quan đến dịch COVID-19.
Chứng khoán Singapore, Seoul, Manila và Đài Bắc tăng, song chứng khoán Sydney, Wellington, Bangkok, Manila và Jakarta giảm.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()