Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:27 (GMT +7)
Nhân giống, phát triển đàn gà Tiên Yên: Từ huyền thoại đến sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 02/08/2020 | 13:45:36 [GMT +7] A A
Con gà bản địa vốn là niềm tự hào của người dân Tiên Yên. Yêu mến và tự hào đến nỗi dân gian đã sáng tạo ra nhiều giai thoại về vua gà. Đã có một thời con gà Tiên Yên tưởng chừng rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, mất nguồn gen. May mắn sao, đã có những người nặng tình với con gà.
Ông Kiều Quốc Huy, nguyên Bí thư Huyện ủy là một người như thế. Từ hồi còn là Bí thư Huyện đoàn đến khi quay lại Tiên Yên làm Bí thư Huyện ủy, ông Huy vẫn luôn canh cánh trong lòng ước mong gìn giữ, bảo tồn phát triển nguồn gen quý của giống gà Tiên Yên.
Mỗi khi đi cơ sở, ông Huy lại tranh thủ săn lùng những con gà Tiên Yên đẹp nhất của bà con mua về cho người bạn của mình là ông Phạm Văn Bình ở Yên Than nuôi dưỡng, nhân giống. Nhưng công sức của một mình ông Huy và ông Bình thì cũng không thể nào làm được. Cả huyện Tiên Yên đã vào cuộc bằng một đề án bảo tồn phát triển nguồn gen quý của giống gà Tiên Yên.
Đề án triển khai có hiệu quả, nguồn gen gà Tiên Yên đã được bảo tồn. Nhưng khi đã tìm được gà bố mẹ rồi thì bài toán nan giải nữa lại đặt ra cho những người chăn thả tự nhiên như ông Bình là việc nhân giống gà quá khó khăn. Tỷ lệ nhân giống tự nhiên của gà Tiên Yên rất thấp.
Trứng gà ấp nở tự nhiên ung rất nhiều. Phải làm sao để nâng tỷ lệ ấp nở? Làm thế nào để thụ tinh nhân tạo cho gà giống như người ta đã làm với lợn, với trâu, bò? Câu hỏi hóc búa này một thời gian dài rơi vào im lặng...
Cho đến một ngày có 1 kỹ sư người Sán Dìu tên là Lý Văn Diểng vừa tốt nghiệp thạc sĩ lâm sinh trở về quê hương thì bài toán đã có lời giải. Từ những gì học được và quan sát thực tế đàn gà của gia đình, anh Diểng đã nghiên cứu ra phương pháp thụ tinh nhân tạo đảm bảo tỷ lệ đậu trứng cao.
Anh Lý Văn Diểng giới thiệu với du khách quy trình nuôi gà. Ảnh: Cấn Đình Loan. |
Anh Diểng dẫn chúng tôi đi thăm trại gà của mình. Hàng trăm con gà trống Tiên Yên đẹp mã phải ở riêng một chuồng. Anh Diểng nói nửa đùa nửa thật: “Các "anh" đẹp trai thật nhưng chỉ được đứng xa nhìn các "chị" thôi”. Nghĩa là nhân viên kỹ thuật của anh Diểng sẽ lấy tinh trùng từ gà trống để bơm vào thụ tinh trứng gà mái.
Sau đó sẽ đến giai đoạn chăm sóc gà mái. “Phải để các "chị" ấy luôn luôn khỏe mạnh, thoải mái. Các "chị" ấy có bệnh gì phải kịp thời chữa ngay. Chăm các "chị" gà mái như chăm sóc các bà bầu”, anh Diểng ví von, đùa.
Khi gà mái đẻ trứng rồi những quả trứng sẽ bắt đầu một chu trình mới hệt như quá trình ấp của gà mẹ. Chỉ khác đây là quá trình ấp nhân tạo của anh Diểng mô phỏng gần như tự nhiên. Những quả trứng được soi trước khi đưa vào ấp như cái cách các cụ ở nông thôn xưa soi xem trứng có “trống” không. Nhưng đấy là cái thời gà "quan hệ" tự nhiên chứ bây giờ nhờ bàn tay khối óc của con người tỷ lệ thành công sẽ rất cao. Rồi những mẻ trứng ấy sẽ đi qua 3 cái máy ấp khác nhau.
Anh Diểng giải thích, trước kia chưa có cái máy này nhiều khi gà mẹ không biết đường mà mổ vỏ trứng để gà con chui ra. Do đó, máy này sẽ tạo ra ngoại lực vào vỏ trứng hệt như công đoạn gà mẹ mổ vỏ để gà con chào đời. Và tỷ lệ ấp nở thành công sẽ cao hơn, cao đến trên 90%.
Anh Lý Văn Diểng giới thiệu chiếc máy ấp trứng gà. |
Anh Diểng say sưa nói với tôi về quy trình nuôi gà. Chặt chẽ và chu đáo như được lập trình sẵn. Nào là gà ra đời phải có máy hút ẩm bởi lông chúng còn ướt. Gà được đưa sang lồng đặc biệt nuôi để chúng phân biệt đâu là thức ăn đâu là phân chúng ị ra. Cho chúng ăn gì, uống gì, uống thuốc thảo dược gì để phòng bệnh.v.v.
Gà nhân giống nhiều. Bà con nuôi nhiều nhưng có những năm đến cận tết rồi mà gà vẫn đỏ đồi không xuất bán được. Anh Diểng lại trăn trở tìm ra hướng đi cho con gà Tiên Yên. Gà Tiên Yên giờ đã là sản phẩm OCOP thành thương hiệu có tính nhận diện cao và đó là hướng đi bền vững cho giống gà bản địa này.
Một hộ gia đình ở Hà Lâu nuôi gà Tiên Yên từ nguồn giống của Công ty Phúc Long. |
Với mục đích tiếp tục phát triển giống gà Tiên Yên, năm 2014, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với huyện Tiên Yên hỗ trợ Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long của anh Diểng (trụ sở tại thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) triển khai dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên.
Giai đoạn đầu mới áp dụng công nghệ sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo do kinh nghiệm còn hạn chế nên năng suất trứng ấp thành phẩm chỉ đạt 700-800 con/1.000 quả trứng ấp. Đến nay, tỷ lệ trứng thành phẩm đạt hơn 900 con/1.000 quả trứng ấp. Qua việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ tăng được tỷ lệ ấp nở giống gà Tiên Yên, góp phần tăng sản lượng thương phẩm cho thị trường, đồng thời bảo tồn, phát triển và duy trì nguồn gen quý của gà Tiên Yên.
Bây giờ thì chuyện con gà quẩn quanh trên đồi không tìm được lối ra đã rất xa vời. Huyện ủy Tiên Yên còn phân công anh Diểng, "chuyên gia nuôi gà" về làm Bí thư Đảng ủy xã. Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà mà anh Diểng nghiên cứu ra đã tạo bước đột phá trong ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Không chỉ có vậy, anh giúp đỡ bà con trong huyện nuôi gà làm giàu.
Ở Hà Lâu đã thành lập HTX nuôi gà với nhiều xã viên. Năm 2018, xã triển khai Dự án nuôi gà thương phẩm thương hiệu Tiên Yên. Hiện nay đàn gà Tiên Yên ở Hà Lâu lớn thứ hai trong cả huyện. Hàng trăm nghìn con gà giống cho bà con xã viên ở Hà Lâu và nhiều xã thôn khác trong huyện đều do Công ty của anh Diểng cung ứng. Người nông dân Hà Lâu đã yên tâm chăm sóc gà, không còn phải loay hoay, thấp thỏm lo đầu vào, tìm đầu ra cho gà và gà râu Tiên Yên trở thành một thương hiệu độc đáo của Tiên Yên, của Quảng Ninh.
Đàn gà ngày càng thêm đông đúc, nguồn cung sản phẩm ổn định, xã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ gà Tiên Yên. Gà còn được đóng túi hút chân không để cho du khách dễ vận chuyển.“Gà Tiên Yên được giết mổ theo quy chuẩn đưa vào hút chân không và đeo nhẫn cho gà truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để thuận tiện cho du khách mỗi khi đến Hà Lâu là dễ dàng mua được sản phẩm địa phương, các sản phẩm OCOP mang về”, anh Diểng chia sẻ.
Phạm Học
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()