Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:28 (GMT +7)
Nhân lên những tỷ phú nông dân
Thứ 3, 12/07/2022 | 14:12:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, dưới sự phát động và trợ lực của Hội Nông dân (HND) các cấp, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) đã được đông đảo hội viên, nông dân Quảng Ninh hưởng ứng tham gia. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Làm giàu từ đồng đất quê hương
Năm 2017, được sự hỗ trợ của HND huyện và chính quyền địa phương, sự khuyến khích trợ lực của HND xã, gia đình anh Trần Văn Hoan (thôn Bắc Lù, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi gà Tiên Yên thả đồi. Được hỗ trợ vốn, con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, anh Hoan chăn nuôi từng bước có hiệu quả và ngày càng mở rộng quy mô. Đến nay, mỗi năm anh Hoan xuất ra thị trường 3.000-4.000 con gà Tiên Yên thương phẩm. Từ một hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, anh Hoan đã trở thành tấm gương nông dân SXKDG của xã, của huyện, với mức thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm.
Anh Hoan cho biết: Từ việc thoát khỏi khó khăn, rồi thu nhập ngày càng được nâng lên, gia đình tôi đã có điều kiện để sửa sang, xây mới nhà cửa khang trang, kiên cố. Tôi cũng trang sắm thêm nhiều đồ dùng, thiết bị sinh hoạt gia đình hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu của các thành viên trong nhà.
Cũng như gia đình anh Hoan, dưới sự quan tâm, hỗ trợ và khích lệ của HND các cấp, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn bám trụ đồng đất quê hương để phát triển kinh tế, làm giàu.
Anh Phạm Đức Đê (thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) là một trong những nông dân trẻ như thế. Năm 2013, khi mới 24 tuổi, anh Đê bắt đầu một việc làm táo bạo là vay vốn mở trang trại chăn nuôi gà. Được tiếp cận nguồn vốn của HND, anh Đê nhanh chóng bắt tay vào chuyển đổi 5ha đất đồi rừng sang làm chuồng trại chăn nuôi gà thịt thương phẩm. Với sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và biết phát huy nguồn vốn vay hiệu quả, mỗi năm, gia đình anh Đê cũng thu lãi được 200-300 triệu đồng.
Những tấm gương nông dân SXKDG dám nghĩ, dám làm ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn Quảng Ninh. Họ không chỉ mạnh dạn trong vượt khó vươn lên, mà còn tiên phong tìm tòi thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con giống mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, tạo thành các vùng sản xuất chuyên canh, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng.
Tiêu biểu như anh Lê Xuân Liêm (xã Bình Khê, TX Đông Triều) là một trong nhiều tỷ phú nông dân của địa phương với mô hình trồng hoa lan công nghệ cao cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/vụ; ông Nguyễn Chí Nhân (xã Hải Xuân, TP Móng Cái) với mô hình trang trại ăn quả kết hợp du lịch trải nghiệm cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm; anh Đặng Ngọc Sinh (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) với xưởng sản xuất mây, tre đan cho doanh thu 3-4 tỷ đồng/năm...
Để phong trào SXKDG là động lực dẫn dắt nông dân vươn lên
Tính đến nay, mỗi năm, Quảng Ninh có khoảng 60.000 hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua SXKDG ở các cấp. Riêng năm 2022, các cấp hội phấn đấu có trên 48.000 hội nông dân đạt danh hiệu SXKDG. Thông qua phong trào, đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, các nhân tố SXKDG đã có nhiều hoạt động tương trợ, giúp đỡ những hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo vươn lên thoát khó. Trong 5 năm qua, từ sức lan tỏa của phong trào này đã có trên 1.700 hội viên, nông dân được trợ lực thoát nghèo theo tiêu chí mới, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tiêu biểu như hộ ông Đỗ Tiến Dũng (phường Phương Nam, TP Uông Bí) giúp đỡ 22 hộ nghèo, hộ khó khăn; hộ ông Phạm Văn Đan (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) giúp đỡ 20 hộ nghèo, hộ khó khăn; hộ ông Đỗ Xuân Lý (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) giúp đỡ 25 hộ nghèo, hộ khó khăn; hộ anh Lỷ Chăn Sầu (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) giúp đỡ 9 hộ nghèo, hộ khó khăn...
Để việc thi đua SXKDG ngày càng lan tỏa, rộng khắp, các cấp HND đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào; vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh và xây dựng NTM. Các cấp hội cũng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; tổ chức tham quan học tập và xây dựng các mô hình trình diễn cây, con giống mới; cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Theo ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch HND tỉnh, thời gian tới, HND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển. Đồng thời, tiếp tục tư vấn, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; gắn phong trào với việc củng cố, xây dựng tổ chức HND ngày càng vững mạnh cũng như luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi của hội viên, nông dân.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()