Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:20 (GMT +7)
Nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng
Thứ 4, 18/10/2023 | 12:55:28 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) được người dân trên địa bàn tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác.
Những mùa vụ gần đây, nông dân phường Yên Giang, TX Quảng Yên đã tích cực triển khai mô hình IPM trên cây lúa. Mô hình này thực hiện theo 5 nguyên tắc: Trồng và chăm cây khoẻ; thăm đồng thường xuyên; nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng; phòng trừ dịch hại; bảo vệ thiên địch. Ở vụ mùa này, định kỳ hàng tháng, cán bộ chức năng phường phối hợp cùng bà con nông dân tổ chức đi thăm đồng kiểm tra sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình canh tác, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều được tính toán với quy trình và liều lượng khoa học, hợp lý.
Thực hiện mô hình này đã góp phần hạ chi phí đầu tư, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trong nông sản, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường và nông dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Bùi Thị Nhàn, khu 6, phường Yên Giang, cho biết: Mô hình IPM giúp bà con chúng tôi từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất cây lúa theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường sinh thái... qua đó, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất, thu hoạch và chế biến sạch và bền vững.
Cùng với vùng trồng lúa phường Yên Giang, chương trình IPM hiện đã được nhân rộng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. 9 tháng năm 2023, cấp tỉnh đã tổ chức 20 lớp tập huấn về IPM với gần 400 học viên nông dân tham gia; tổ chức trên 100 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và bảo vệ thực vật, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả cho nông dân. Cấp huyện đã tổ chức 36 lớp huấn luyện IPM cho nông dân với gần 1.000 học viên tham gia. Trong đó, tập trung vào phổ biến các kiến thức quản lý dịch hại trên cây lúa, rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu và cây công nghiệp.
Theo đánh giá, chương trình IPM đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân, rõ nét nhất là năng suất trung bình của giống lúa ST25 tại một số địa phương như huyện Tiên Yên, Hải Hà, TP Uông Bí... đều đạt 55-60 tạ/ha. Sản phẩm gạo được đánh giá có chất lượng thơm ngon, giá bán cao hơn các sản phẩm thông thường từ 50-70%. Ngoài ra, các mô hình trồng cây dược liệu, trồng xen cây dược liệu với cây lâm nghiệp cũng được quan tâm triển khai thực hiện như mô hình nhân giống trà hoa vàng bằng phương pháp chiết cành tạo cây thế tiểu cảnh; trồng cây giổi xanh xen kẽ cây dược liệu sâm cau đỏ; trồng lim xanh xen kẽ cát sâm tại một số huyện miền Đông đã góp nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống của người dân bản địa. Đặc biệt, việc áp dụng IPM giúp giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng từ 1-2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (tiết kiệm tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun thuốc từ 90.000-180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4-4,9 triệu đồng/ha/vụ).
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()