Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:33 (GMT +7)
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Thứ 3, 03/10/2023 | 06:16:06 [GMT +7] A A
Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế.
Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với phường Phong Hải (TX Quảng Yên) tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp (phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân...). Tham dự lớp tập huấn, học viên là nông dân của phường được các chuyên gia trao đổi về các loại thiết bị bay đang ứng dụng phổ biến trong nông nghiệp hiện nay; tính năng, hiệu quả cũng như ưu điểm, nhược điểm từng loại thiết bị; kỹ thuật sử dụng và quản lý thiết bị bay trong quá trình ứng dụng vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Tuân (khu 6, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) cho biết: Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đã hoạt động hỗ trợ có ý nghĩa đối với người nông dân. Nhất là trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại như hiện nay, việc chuyển đổi phương thức sản xuất hiện đại chính là động lực quan trọng để người nông dân yên tâm bám đồng và phát triển nông nghiệp hiệu quả.
Thời gian qua, trên những diện tích sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các khâu sản xuất được bà con tích cực triển khai. Điển hình, trong sản xuất lúa, hiện các khâu gieo cấy, thu hoạch được áp dụng cơ giới hóa ngày càng cao. Toàn tỉnh có trên 700 máy cấy các loại; việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Với việc tiếp cận KHCN và hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung... Số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác; trên 2.500 máy tuốt đập; 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, đã có trên 200 nhiệm vụ KHCN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai. Tiêu biểu như: Ứng dụng công nghệ để lựa chọn giống na Đài Loan, trà hoa vàng, mai vàng Yên Tử, gà Tiên Yên, dong riềng...; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, như hàu, sứa, nước mắm...; công nghệ thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên; công nghệ invitro để sản xuất giống hoa lan cao cấp; công nghệ sản xuất giống sá sùng, ngán... Việc đầu tư của các doanh nghiệp đã góp phần gỡ "điểm nghẽn" về nhu cầu giống, phục vụ kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của các địa phương.
Thực tế những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã không còn xa lạ với người dân trong tỉnh. Từ những vườn trồng rau không đất (rau thủy canh), trang trại tự động, sàn thương mại điện tử; sản xuất theo chuỗi liên kết… là những thành công bước đầu của người nông dân khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động tham gia sàn thương mại điện tử để bán hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt với các sản phẩm OCOP.
Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh định hướng đến năm 2030 phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao; nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển đổi mô hình sản xuất giúp người nông dân tiếp cận tốt hơn KHCN trong sản xuất... Người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động trong tiếp cận KHCN tiên tiến để thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, bắt nhịp với xu thế chung của thế giới nhằm nâng cao giá trị nông sản, từng bước đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()