Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 20:17 (GMT +7)
Nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng
Thứ 4, 29/09/2021 | 10:07:47 [GMT +7] A A
Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới, có nhiều ưu việt, đang được người dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm được chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác.
Trong tháng 8/2021, huyện Bình Liêu phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức lớp tập huấn cho 60 nông dân trên địa bàn về chương trình IPM. Tại lớp tập huấn các học viên được truyền đạt các phần kiến thức cơ bản và mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc của chương trình IPM trên cây lúa, cây dong riềng; quản lý ốc bươu vàng, xử lý sâu bệnh gây hại thối thân, cháy lá trên cây dong riềng, cỏ dại; phân bón cho cây trồng; hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”... Ngay sau khóa tập huấn, để phát huy hiệu quả mô hình này, cán bộ nông nghiệp huyện cũng thường xuyên cùng với bà con nông dân thăm đồng, nắm rõ tình hình phát triển của cây trồng cũng như kịp thời tư vấn, hỗ trợ các biện pháp để mô hình này tiếp tục triển khai trên diện rộng.
Anh Hoàng Thanh Trường, thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, cho biết: Qua áp dụng mô hình IPM, chúng tôi chú trọng đến quy trình trồng dong riềng ngay từ khâu làm đất, bởi khi cày lật, phơi ải, bón vôi và chế phẩm sinh học giúp tiêu diệt phần lớn mầm bệnh và vi sinh vật gây hại trong đất. Nhờ đó, đã giảm được chi phí và công chăm sóc, lại không phải sử dụng thuốc hóa học giúp cây trồng phát triển hiệu quả, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn bền vững trong sản xuất.
Tại TX Đông Triều, địa phương sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh với sản lượng lương thực chiếm 1/4 sản lượng lương thực toàn tỉnh, thời gian qua, thị xã đã tích cực áp dụng chương trình IPM trong sản xuất, đặc biệt là đối với cây lúa. Theo đó, cán bộ nông nghiệp thị xã và các xã, phường đã hướng dẫn nông dân ngay khi thu hoạch vụ trước dọn sạch tàn dư cây trồng, đồng thời cày lật đất sớm để tiêu diệt các loại sâu non trong gốc rạ, làm mất nơi cư trú của mầm mống sâu bệnh, cắt đứt vòng tuần hoàn từ vụ này sang vụ khác của sâu bệnh. Quá trình cày lật đất kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv và vôi bột, sau đó ngâm ủ từ 7 đến 10 ngày trước khi cấy. Phân bón cho cây chủ yếu là phân bò đã ủ kết hợp với phân vô cơ, như đạm, lân, kali theo tỷ lệ nhất định. Thay vì sử dụng mạ già 30 đến 40 ngày tuổi thì mô hình IPM sử dụng mạ non (sau khi xuống giống 15 đến 20 ngày) đảm bảo khỏe mạnh...
Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, áp dụng mô hình IPM, trong sản xuất nông nghiệp, thị xã đã giảm đáng kể thuốc BVTV, hạn chế phân bón hóa học, năng suất tăng khoảng 10% so với sản xuất theo hướng thông thường.
Tính riêng 5 năm (2016-2020), toàn tỉnh đã mở được 57 lớp huấn luyện IPM cho nông dân thuộc 7/13 huyện, thị xã và thành phố (bao gồm Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Hạ Long và Vân Đồn) với 38/155 (chiếm 24,5%) số xã/phường sản xuất nông nghiệp có lớp IPM. Qua đó, đã có 1.710 hộ nông dân được huấn luyện và thực hiện chương trình IPM. Tham gia chương trình IPM đã giúp người nông dân có kiến thức để hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và áp dụng một cách hài hòa nhiều biện pháp phòng trị khác nhau. Trong đó, biện pháp sinh học và kỹ thuật canh tác được sử dụng tối đa nhằm hạn chế dịch hại dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Hóa chất BVTV chỉ sử dụng khi thấy thật sự cần thiết nếu tình hình dịch hại phát triển quá mạnh và trên một diện rộng.
Theo Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 6/1/2021của UBND tỉnh về triển khai Chương trình IPM trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên các loại cây trồng. Cụ thể, có 60-65% diện tích trồng lúa ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo cấy và đạt trên 90% diện tích trong vùng sản xuất tập trung; 70% diện tích cây rau màu ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo trồng và đạt 100% trong vùng sản xuất tập trung. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 có 80-90% số xã/phường sản xuất nông nghiệp có đội ngũ nông dân được huấn luyện hiểu biết và ứng dụng hiệu quả về IPM; có 50-60% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM trên các cây trồng..
Trong giai đoạn tới, Sở NN&PTNT Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc đào tạo nguồn giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trên cây trồng chủ lực như: Lúa, rau, cây ăn quả. Qua đó, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình IPM theo tiêu chí của tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()