Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:14 (GMT +7)
Nông nghiệp Bình Phước: Cần một sự thay đổi Bài 2: Chuyển đổi cây trồng theo hướng thị trường
Thứ 6, 27/08/2021 | 09:18:59 [GMT +7] A A
Bù Gia Mập có trên 106.000 ha diện tích tự nhiên gắn liền với rừng nguyên sinh và nguồn nước mát lành. Ngoài 25.000 ha điều đang phấn đấu đến năm 2025 cho năng suất bình quân từ 2,5-3 tấn/ha, người dân và các thành viên hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện còn đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện đã giúp người dân chuyển đổi cây trồng đúng hướng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và kinh tế từng gia đình. Đây là bước đi tạo đà cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững.
Cuộc chuyển đổi ngoạn mục
4 năm trước, nhà nông Lê Văn Đô ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập cưa hạ 1 ha trong tổng số 2,5 ha điều của gia đình để thay vào đó là cây bưởi. Vụ mùa năm trước, vườn bưởi của anh đã cho thu đợt đầu tiên bằng cả diện tích điều còn lại. Cùng với cây bưởi, anh trồng xen 1 ha sầu riêng trong vườn điều. Nhờ vậy, nguồn thu của gia đình trong quá trình chuyển đổi cây trồng không bị gián đoạn. “Có được vườn cây như hôm nay cũng nhờ các anh bên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về động viên, hướng dẫn từng chút một, vợ chồng tôi mới dám làm. Nguồn thu của gia đình từ vườn cây ăn trái giờ đã ổn rồi. Nói thật, không biết cảm ơn mấy ổng thế nào cho đủ” - nhà nông Lê Văn Đô thật tình.
Vườn cây ăn trái 2,5 ha của gia đình anh Hoàng Sơn Đông ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa năm nay bắt đầu cho thu bói. 4 năm trước, anh Đông sở hữu 5.300 nọc tiêu. Khi giá tiêu xuống thấp cộng với dịch bệnh không đủ chi phí đầu tư đã khiến 3.500 nọc yếu dần rồi chết. Được sự tư vấn, động viên của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp từ xã đến huyện cùng sự tìm hiểu thị trường của riêng mình, anh Đông đầu tư trồng mít và sầu riêng thay cho diện tích tiêu đã chết.
Phần lớn diện tích tiêu bị thiệt hại trên địa bàn huyện được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với hy vọng cho thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng sao cho hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ điều kiện tự nhiên như: đất, nước rồi đến giống, vốn lẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng đều đóng vai trò quan trọng việc chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt là cây ăn trái vốn không dành riêng cho người nghèo vốn, nghèo trình độ kỹ thuật chăm sóc. Do vậy, tùy theo đối tượng, hoàn cảnh cụ thể của người dân mà đội ngũ nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tư vấn, hỗ trợ họ chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Hướng đến nông nghiệp sạch
7 ha sầu riêng của nhà nông Phương Hữu Hào ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập năm nay vừa tròn 20 năm, năng suất bình quân 20 tấn/ha/năm. Từ 10 năm trước, chủ vườn cây này đã ý thức được giá trị của nông sản sạch. Bởi vậy, trong quá trình canh tác, ông hoàn toàn không dùng đến thuốc diệt cỏ. Ngược lại, nhà nông này còn tận dụng cỏ dại để giữ ẩm trong mùa khô, chống xói mòn vào mùa mưa. Điều quan trọng hơn, cỏ dại còn có chức năng cân bằng nhiệt cho cây trồng mỗi khi bón phân, xịt thuốc hoặc gặp những lúc thời tiết bất lợi. Cùng với đó, chủ vườn cây còn sử dụng chủ yếu nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng. Điều đó lý giải cho vườn sầu riêng của ông sau 20 năm vẫn phát triển xanh tốt và năng suất dao động bình quân từ 20-25 tấn/ha/năm. Nhờ cách làm nông như vậy, tháng 5-2020, vườn cây của gia đình ông đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Nhà nông Phương Hữu Hào còn là sáng lập viên của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Phương Nghĩa thành lập từ tháng 5-2019, với 18 thành viên. Tổng diện tích vườn cây của HTX hiện có 70 ha, chủ yếu là cây ăn trái như: sầu riêng, mít, bơ và bưởi. Ngoài tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và vật tư nông nghiệp cho vườn cây, Hội đồng quản trị HTX còn giúp các thành viên tiêu thụ sản phẩm không thu phí. Sau 1 năm hoạt động, số thành viên liên kết của HTX đã vượt trên 40.
Toàn huyện Bù Gia Mập hiện có 8 HTX và 13 tổ hợp tác với 849 thành viên. Thông qua các HTX, tổ hợp tác, huyện Bù Gia Mập tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để phát triển kinh tế tập thể. Đặc biệt, nhiều diện tích hồ tiêu bị thiệt hại sau những năm rớt giá phần lớn đã được chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể trong huyện giúp nông dân chuyển đổi sang những cây trồng khác, nhất là cây ăn trái đã bắt đầu cho thu hoạch. Đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài, huyện đang từng bước quy hoạch lại vùng gắn với từng loại cây trồng theo nhu cầu thị trường để vừa đảm bảo nguồn thu ổn định, vừa nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Theo Đông Kiểm/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()