Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 01:45 (GMT +7)
Nhân rộng những cách làm mới, hiệu quả
Thứ 2, 09/12/2013 | 05:40:00 [GMT +7] A A
Trên các số báo Quảng Ninh ra gần đây, trong chuyên mục “ Nhân tố mới - Cách làm mới” đã giới thiệu tới bạn đọc hai mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả nhiều mặt, đó là các mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm và nuôi hà treo dây. Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, mà đây còn là những đối tượng nuôi, cách nuôi không đòi hỏi mất nhiều công sức, dễ thực hiện, chi phí thấp, có tác dụng cải tạo môi trường nuôi. Cụ thể, với mô hình nuôi hà treo dây (do người dân xã Hoàng Tân - Quảng Yên sáng tạo ra), thay vì khai thác tự nhiên ở các thân cây sú tươi, hoặc dùng các cây sú khô thả ở bãi triều để dụ các con hà bám vào (cách này vừa khiến cây sú tươi không phát triển được hoặc khó thu hoạch), người dân ở đây đã có sáng kiến cắm cọc tre ở bãi triều rồi treo những sợi dây cói có buộc vỏ hà để dụ các ấu trùng hà bám vào phát triển rồi thu hoạch. Theo những hộ dân thực hiện cách làm này thì hiệu quả mang lại gấp 10 lần so với khai thác tự nhiên, với mức thu nhập 100 triệu đồng/sào/vụ. Thấy được cách làm này hiệu quả nên ngày càng có nhiều người áp dụng, hiện tại trên địa bàn xã đã có hơn 300 hộ nuôi với diện tích trên 160ha.
Còn đối với mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm (vừa được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thử nghiệm trong ao tại TX Quảng Yên) thì đây là một đối tượng nuôi mới, đang được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và bà con nông dân đánh giá cao về hiệu quả. Đặc biệt nuôi loại cá này không chỉ mang lại lợi nhuận cao (lãi 200 triệu đồng/ha nuôi) mà còn góp phần tích cực trong việc cải tạo môi trường nuôi, nhất là ở các diện tích ao đầm nuôi tôm đã bị nhiễm dịch bệnh.
Có thể thấy, với sự năng động, sáng tạo của người nông dân cùng sự nỗ lực nghiên cứu, ươm tạo của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới mang lại giá trị kinh tế và hiệu quả cao. Ngoài hai mô hình như đã nói ở trên, còn có thể kể đến các mô hình mới khác như: Trồng thanh long ruột đỏ, ổi Đài Loan, vải chín sớm, nuôi các con vật có nguồn gốc hoang dã, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn và nuôi lươn v.v.. Những mô hình, cách làm mới này đang được người dân hưởng ứng tích cực trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đặc biệt, nó còn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mỗi địa phương xây dựng một sản phẩm đặc trưng có ý nghĩa cao trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Bởi vậy, các địa phương, ngành chức năng, cơ sở nghiên cứu cần có cơ chế, chính sách động viên, khích lệ nhân rộng các mô hình mới trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để có những giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao chuyển giao cho người dân sản xuất.
Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới và mục tiêu này đang trong tầm tay với thành tích dẫn đầu cả nước về số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến thời điểm này. Chắc chắn trong hành trang vươn tới đích đó sẽ có rất nhiều các mô hình mới, cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()