Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 22:25 (GMT +7)
Nhân tố tích cực xây dựng nông thôn mới
Thứ 7, 16/12/2023 | 17:50:54 [GMT +7] A A
Năm 2023, phụ nữ trong tỉnh tiếp tục là lực lượng nòng cốt, đi đầu, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng NTM tại các địa phương. Từ sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ, diện mạo tại các vùng quê Quảng Ninh ngày một bừng sáng. Chất lượng sống của hội viên phụ nữ được nâng lên đáng kể.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện Đầm Hà có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Tân Bình và Đầm Hà. Có 4 xã đã hoàn thiện hồ sơ, đang đề nghị đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Quảng Tân, Dực Yên, Đại Bình, Tân Lập và Đầm Hà. Có 2 xã đã hoàn thiện hồ sơ, đang đề nghị đạt chuẩn NTM nâng cao là Quảng An, Quảng Lâm. Đây là thành quả của tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó có sự đóng góp của hội phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện.
Góp sức vào công cuộc xây dựng NTM, Hội LHPN huyện đã nhân rộng các mô hình tạo việc làm, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, như: Trồng rau hữu cơ, nuôi vịt biển đẻ trứng, trồng dưa lưới, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Từ đây đã có nhiều tấm gương hội viên phụ nữ phát huy đức tính cần cù, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.
Chị Lê Thị Huấn (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) là một trong những điển hình như vậy. Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị Huấn gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự cần cù, tinh thần ham học hỏi và được hỗ trợ vốn vay 120 triệu đồng do Hội Phụ nữ xã giới thiệu, chị Huấn đã có thêm nguồn vốn để mở rộng chuồng trại, mua thức ăn cho đàn vật nuôi, đầu tư trồng các loại rau hữu cơ theo mùa.
Chị Huấn chia sẻ: Đến nay mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình tôi đã phát triển mạnh. Diện tích trồng rau khoảng 5ha, trong đó có 3ha trồng thử nghiệm chanh leo. Mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng, tạo việc làm theo mùa vụ cho 3-5 chị em trong thôn.
Đến thôn Trại Dinh hôm nay, không chỉ thấy đời sống của người dân, phụ nữ khấm khá hơn, mà diện mạo cũng được tô điểm nhiều gam màu tươi sáng. Hội viên phụ nữ cùng với nhân dân trong thôn vừa qua đã trồng mới trên 100 cây xanh, cây hoa, vẽ tranh tường, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng. Tất cả các hoạt động này đều huy động 100% kinh phí xã hội hóa.
Không chỉ với huyện Đầm Hà, tại các địa phương khác của Quảng Ninh, các cấp hội phụ nữ đều đóng góp rất tích cực vào công cuộc xây dựng NTM. Để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao đời sống hộ gia đình và hội viên, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng NTM, năm 2023 các cấp hội đã phối hợp giải ngân vốn vay uỷ thác qua Ngân hàng CSXH cho 34.772 hội viên phụ nữ vay vốn, với tổng dư nợ 2.120,8 tỷ đồng; giải ngân 2 tỷ đồng (153 hộ) vay vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; hỗ trợ giúp đỡ 438 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn.
Mặt khác, các cấp hội tiếp tục phối hợp tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong thực hiện các mô hình kinh tế, hỗ trợ hội viên về vốn, tư liệu sản xuất; giới thiệu việc làm cho 468 phụ nữ.
Đặc biệt, 177/177 hội LHPN cơ sở tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh, sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ và hướng dẫn trực tiếp tại hộ gia thực hiện mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.153/1.427 chi hội (đạt 80,8%), 2.482/3.222 tổ (đạt 77%) thực hiện mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình.
Từ những hoạt động, mô hình, cách làm thiết thực của phụ nữ trong toàn tỉnh đã giúp hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quỳnh Hương
Liên kết website
Ý kiến ()