Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:21 (GMT +7)
Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính để giúp các nước ASEAN khử carbon
Chủ nhật, 05/03/2023 | 13:50:27 [GMT +7] A A
Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ để giúp các nước ASEAN đẩy nhanh nỗ lực khử carbon, hỗ trợ nền kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Nhật Bản nghèo năng lượng và hy vọng trở thành nền kinh tế hydro hàng đầu thế giới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm truyền thống như than đá và dầu mỏ.
Với tư cách là Chủ tịch của Nhóm G7 năm nay, Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng về khí hậu, năng lượng và môi trường tại Sapporo (miền Bắc Nhật Bản) vào ngày 15 - 16/4, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima từ ngày 19 - 21/5, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế.
"Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc cung cấp hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nguồn lực cá nhân để giúp quá trình khử carbon của châu Á" - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC).
AZEC do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất vào năm 2022 với mục đích chia sẻ triết lý thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon ở các quốc gia châu Á và hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tại cuộc họp với sự tham dự của một số thành viên ASEAN và Australia, ông Nishimura cho biết, việc thúc đẩy hợp tác sẽ bao gồm năng lượng tái tạo, khí đốt tự nhiên, hydro và amoniac cùng các lĩnh vực khác.
Trong một tuyên bố chung, AZEC đã kêu gọi nhóm đầu tư "hỗ trợ tài chính" vào cơ sở hạ tầng khử carbon và tạo ra chuỗi cung ứng năng lượng sạch.
Tuyên bố và ông Nishimura đều không đưa ra con số cụ thể về số tiền hỗ trợ tiềm năng.
"Khi nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản, chúng tôi muốn có sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc hỗ trợ họ về công nghệ, tài chính, bao gồm đầu tư từ khu vực tư nhân và phát triển nguồn nhân lực", ông Nishimura nói trong một cuộc họp ngắn.
Ông cho biết thêm, các thành viên AZEC, gồm Australia, Brunei, Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, có thể xem xét lập một kế hoạch tổng thể về hydro và amoniac ở châu Á như một bước tiếp theo.
Nhật Bản sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào khí đốt, khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng như hydro và amoniac trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm nay, nhưng sẽ duy trì môi trường sạch để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon năm 2050, một nguồn tin cho biết trong tuần này.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()