Bất an
Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23.7 đến ngày 8.8.2021 ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành tại đất nước Mặt trời mọc. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng. Do đó, các chuyên gia y tế và công chúng đều không ủng hộ việc tổ chức sự kiện thể thao toàn cầu này.
Theo BBC, các cuộc thăm dò ý kiến hiện tại cho thấy, 70% dân số Nhật Bản không muốn Thế vận hội tiếp diễn. Nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn tiếp tục khăng khăng rằng, sự kiện lẽ ra được tổ chức hồi cuối hè năm ngoái vẫn sẽ diễn ra và an toàn dù các cuộc thi đấu có thể diễn ra trong sân vận động trống.
Một cuộc thăm dò khác do TBS News thực hiện cho thấy, 65% muốn Thế vận hội bị hủy bỏ hoặc hoãn lại, 37% bỏ phiếu đòi hủy bỏ sự kiện hoàn toàn và 28% kêu gọi hoãn lại một lần nữa.
Hiện rất ít vận động viên lên tiếng về vấn đề này. Có lẽ bởi với họ, Olympic là điểm nhấn quan trọng trong sự nghiệp và họ đã khổ luyện trong nhiều năm để tới đây. Tuy nhiên, đồng thời, họ cũng lo ngại cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng giữa một đại dịch toàn cầu.
Ngôi sao thể thao nổi tiếng nhất Nhật Bản - quán quân tennis Naomi Osaka - là một trong những người lên tiếng, dù khá rụt rè. "Tất nhiên, tôi muốn Olympic được tổ chức. Nhưng tôi cảm thấy, nếu Thế vận hội gây rủi ro cho mọi người... thì nhất định phải bàn lại" - cô nói.
Đội điền kinh Mỹ hồi đầu tuần hủy lịch tập huấn trước Olympic ở Nhật Bản vì lo ngại an toàn cho vận động viên. Và ngay cả tỉnh trưởng nơi dự kiến đoàn điền kinh Mỹ sẽ ở cũng tin rằng, "họ đưa ra quyết định tốt nhất có thể trong tình hình hiện tại".
Một số thị trấn ở vùng Tokyo dự kiến sẽ đón các vận động viên cũng được cho là đã rút lui vì lo ngại nguy cơ COVID-19 lây lan sẽ tăng lên. Một tỉnh trưởng cho hay, ông đã từ chối yêu cầu tìm thêm giường bệnh (phòng xa) cho các vận động viên. Thay vào đó, ông thúc giục các bên xem xét kế hoạch hoãn hay thậm chí hủy Olympic.
Một hiệp hội bác sĩ tuần qua đã bày tỏ ý kiến trong một tuyên bố gửi đến chính phủ nước này rằng, "không thể" tổ chức Thế vận hội trước những diễn biến hiện tại của đại dịch.
Nhiều người dân Nhật Bản cũng yêu cầu không tổ chức Olympic Tokyo. Ngày 14.5, một bản kiến nghị với hơn 350.000 chữ ký của người dân Nhật Bản đã được chuyển đến tận tay Thống đốc Tokyo - Yuriko Koike - với yêu cầu không tổ chức Thế vận hội mùa hè sắp tới. Chiến dịch có tên gọi "Dừng ngay Thế vận hội Tokyo" đã tiến hành thu thập chữ ký trực tuyến từ đầu tháng 5 và nhận được 350.000 phản hồi tích cực, kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội Tokyo 2020 (diễn ra vào năm 2021 nhưng vẫn giữ nguyên tên cũ do năm ngoái phải hoãn cũng vì COVID-19). Đồng thời, họ kiến nghị kinh phí tổ chức Thế vận hội nên được sử dụng để hỗ trợ những người đang lao đao vì đại dịch COVID-19.
Hồi tháng 4, ông Shigeru Omi - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và đứng đầu nhóm COVID-19 của Chính phủ Nhật - thừa nhận, nước này đang trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Hiện 9 khu vực rộng lớn, bao gồm cả địa phận Thủ đô Tokyo và Osaka, đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp dự kiến kéo dài đến hết ngày 31.5. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm nỗi lo trong bối cảnh Thủ tướng Yoshihide Suga vừa tái khẳng định quyết tâm tổ chức thành công Olympic Tokyo.
Khoảng 40 thị trấn của Nhật Bản mới đây đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức các trung tâm huấn luyện và giao lưu văn hóa cho các vận động viên Olympic trước khi Thế vận hội bắt đầu - tín hiệu mới nhất về sự bất an của người dân về việc đăng cai tổ chức sự kiện trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Chuyện hủy có khả năng xảy ra?
Hãng thông tấn Kyodo ngày 15.4 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nhật Bản, ông Toshihiro Nikai - Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - nói rằng, chính phủ đang xem xét việc tổ chức Thế vận hội, trong đó một trong số các lựa chọn là hủy bỏ sự kiện thể thao này.
Vào tuần đầu tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dường như lần đầu tiên chịu sức ép của công chúng khi nói rằng, chính phủ sẽ "không đặt Olympic lên trên hết". Nhưng ông Suga cũng nói thêm rằng, quyết định cuối cùng sẽ là do IOC đưa ra.
Và Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy công tác chuẩn bị cho Thế vận hội, kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đối với khán giả.
Như vậy, ai thực sự có quyền quyết định hủy Thế vận hội. Và chuyện hủy có khả năng xảy ra?
Hợp đồng giữa IOC và thành phố chủ nhà Tokyo là rất rõ ràng: Có một điều khoản về chuyện hủy và nó chỉ cho phép IOC có quyền hủy, không phải thành phố chủ nhà. Bởi Olympic là "tài sản độc quyền" của IOC, luật sư thể thao quốc tế Alexandre Miguel Mestre cho BBC hay.
Trong đó, một lý do có thể cho phép hủy, ngoài những điều như chiến tranh hay loạn lạc, là nếu "IOC có cơ sở hợp lý để tin rằng, hoàn toàn theo ý của họ, sự an toàn của những người tham gia Thế vận hội có thể bị đe dọa hay phá hoại một cách nghiêm trọng vì bất kỳ lý do nào". Và đại dịch có thể được cho là một mối đe dọa như vậy.
Hiến chương Olympic cũng quy định, IOC phải đảm bảo "sức khỏe của các vận động viên" và khuyến khích "thể thao an toàn", ông Mestre cho biết. Tuy nhiên, bất chấp những điều này, IOC dường như vẫn kiên quyết muốn tổ chức Olympic Tokyo.
Liệu Nhật Bản có thể đi ngược lại IOC và rút khỏi chức chủ nhà không?
"Theo nhiều điều khoản khác nhau trong hợp đồng của thành phố chủ nhà, nếu Nhật Bản muốn đơn phương hủy hợp đồng, thì nói chung, rủi ro và thiệt hại sẽ do ủy ban tổ chức nước chủ nhà chịu. Các hợp đồng thường dự phòng những trường hợp khẩn cấp nhất định, nhưng tính chất của tình hình đại dịch hiện nay là chưa từng gặp" - giáo sư Jack Anderson tại Đại học Melbourne nói.
"Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất và Nhật Bản cũng như IOC có rủi ro mất hàng tỉ USD tiền bản quyền phát sóng. Đây là một sự kiện khổng lồ và có nhiều nghĩa vụ hợp đồng lớn cho tất cả các bên" - giáo sư Anderson cho hay.
Vì thế, kịch bản thực tế duy nhất là Nhật Bản rút lui chung cùng với IOC, theo khuôn khổ của hợp đồng.
Nếu điều đó xảy ra, bảo hiểm sẽ được tính đến: IOC có bảo hiểm, ủy ban tổ chức nước chủ nhà có bảo hiểm và các hãng truyền hình và tài trợ cũng có bảo hiểm.
"Có lẽ, chúng ta có thể nói, nếu Olympic Tokyo bị hủy, đây sẽ là sự kiện có thanh toán bảo hiểm lớn nhất, không nghi ngờ gì về chuyện đó" - GS Anderson nói.
Bảo hiểm có thể sẽ chi trả các chi phí trực tiếp của nhà tổ chức, nhưng sẽ gần như không trả cho các chi phí gián tiếp từ các khoản đầu tư trên khắp cả nước Nhật - chẳng hạn khách sạn và nhà hàng - với mong đợi đón khách du lịch tới dự Olympic.
Không chỉ là vấn đề tiền
Chuyện hủy Thế vận hội sẽ không chỉ gây ra thiệt hại về tài chính.
Theo lịch, Thế vận hội tiếp theo sẽ diễn ra sang năm. Thế vận hội mùa Đông dự kiến được tổ chức vào tháng 2.2022 do Trung Quốc tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh.
Vì thế, BBC cho rằng, không có nghi ngờ gì nữa, Nhật Bản đang nỗ lực cao nhất để tổ chức Olympic Tokyo. Lần cuối cùng Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa Hè là năm 1964. Khi đó, sự kiện được coi là biểu tượng quan trọng cho quá trình tái thiết đất nước sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
GS Anderson lý giải, Olympic Tokyo 2020/2021 một lần nữa lại có ý nghĩa biểu tượng. Nhật Bản đã có sự trì trệ kinh tế trong thời gian dài do thảm hoạ kép động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima. Do vậy, Thế vận hội sẽ là biểu tượng phục hồi cho Nhật Bản.
Cuối cùng, câu hỏi liệu Thế vận hội có nên diễn ra khác với câu hỏi liệu nó có diễn ra không. Trong lịch sử Olympic hiện đại, chỉ có ba lần, ngày hội thể thao toàn cầu này bị hủy: Vào năm 1916, 1940 và 1944 - cả ba lần đều do chiến tranh thế giới.
Cho dù "gió ngược chiều ngày càng lớn", IOC từ chối xem xét khả năng hủy Thế vận hội khiến hầu hết nhà quan sát cho rằng, Olympic năm nay sẽ vẫn diễn ra, song sẽ theo hình thức nào thì chưa rõ.
Ý kiến ()