Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 20:29 (GMT +7)
"Nhật ký phi công tiêm kích" góp phần giải mã thế hệ vàng phi công Việt Nam
Thứ 5, 17/12/2020 | 09:57:03 [GMT +7] A A
"Nhật ký phi công tiêm kích" của Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, phi công tiêm kích huyền thoại của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam vừa ra mắt góp thêm những tư liệu lịch sử quý, góp phần giải mã thế hệ phi công vàng Việt Nam.
“Nhật ký phi công tiêm kích” với hơn 400 trang không chỉ là cuốn nhật ký với những cảm xúc rất đời thường của một vị tướng – Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, phi công tiêm kích huyền thoại của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam mà còn chứa đựng tư liệu lịch sử giá trị về những trận tiêm kích. Ở đó lấp lánh ẩn hiện nhiều câu chuyện tình yêu qua những câu thơ viết trong khoảng lặng giữa những đợt tấn công, phản công...
Buổi ra mắt cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” diễn ra ngày 16/12 trong không khí thân tình, ấm áp của những cái ôm, cái nắm tay thật chặt, trong tiếng cười hân hoan cùng những xúc cảm lan toả.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã dành cho phóng viên VOV cuộc phỏng vấn chia sẻ về cuốn nhật ký đặc biệt này.
"Nhật ký phi công tiêm kích" - cuốn sách chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. |
PV: Thưa Trung tướng, AHLLVTND, phi công Nguyễn Đức Soát, thông thường nhật ký là những điều riêng tư, những tình cảm thầm kín hoặc những tư liệu gia đình. Nhưng “Nhật ký phi công tiêm kích” đã nằm ngoài những điều đó và đến tay đông đảo bạn đọc. Động lực nào khiến ông công khai những điều tưởng chừng như rất đỗi riêng tư ấy?
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Đúng là nhật ký là những ghi chép riêng tư, là những trải lòng đối với những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của mình, tôi luôn luôn nghĩ đến điều này, cho nên ngay từ những năm trong chiến tranh ác liệt, trong thời bình hay trong những lúc tập bay huấn luyện, tôi đều mang theo cuốn nhật ký bên mình, bên cạnh khẩu súng ngắn, trong túi áo ngực trái là cuốn nhật ký. Một mặt để tiện ghi chép nhưng một mặt là nếu không may mình bị lâm nạn thì nhật ký vẫn đi theo mình.
Cuốn nhật ký này gắn liền với tôi trong gần 7 năm trời từ 20/03/1966 khi sang Liên Xô học được 8 tháng đến 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày tôi viết những dòng nhật ký đầu tiên. Gần đây, nhân 65 năm ngày truyền thống Không quân, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Không quân đề nghị tôi viết một bài, khi đọc lại nhật ký để lấy tư liệu, tôi bỗng dưng được sống lại cùng đồng đội trong những thời khắc lịch sử đầy thử thách.
Tôi cũng thấy là nhật ký tôi viết lúc đó không chỉ viết cho riêng mình mà thực tế là viết về cả một tập thể những phi công thời bấy giờ. Những trang viết đầy cảm xúc về tình yêu đất nước của họ, những suy nghĩ về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn, những chiến công, thành tích mà họ đã đạt được và cả những mất mát trong chiến tranh...
Đây là những điều rất đáng trân trọng và tôi nghĩ là nhật ký đã không phải viết riêng về tôi. Vì vậy tôi quyết định công bố nhật ký với mong muốn là nhiều người biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.
Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tác giả cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích" chia sẻ về cuốn sách cùng phóng viên VOV2. |
PV: Có nhà văn từng ví von “ông sinh ra là để bay lên” nhưng nếu không có chiến tranh rất có thể ông đã là một nhà văn, một nhà thơ bởi vốn là một học sinh giỏi văn, lại được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Xuyên giàu truyền thống văn vật. Phải chăng với “Nhật ký phi công tiêm kích” là thể hiện “con người văn” trong phi công Nguyễn Đức Soát?
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Thực ra nếu nói là giỏi văn thì không hẳn đâu, chỉ là tôi yêu văn học, đọc rất nhiều sách văn học và hình thành thói quen viết. Tôi thấy tất cả những điều xảy ra hàng ngày đều rất đáng viết. Và khi ấy ở những ngữ cảnh đặc biệt, tôi đều gửi gắm những tâm tư vào những trang viết. Giờ đây bạn đọc nhận xét là cuốn nhật ký của tôi có tính chất văn chương. Thực ra tôi không có ý định làm văn đâu mà lúc đó tôi chỉ là viết cho mình để mang lại cảm xúc cho mình thôi. Còn nếu nói là “nếu không có chiến tranh thì sẽ là nhà văn” thì cái đó khó đoán trước lắm, nó còn là cơ duyên.
PV: Là cuốn nhật ký nhưng trong tác phẩm này còn chứa đựng những tư liệu lịch sử về những trận không kích của phòng không - không quân ta. Liệu có áp lực nào không khi ông công bố những tài liệu này? Và cảm xúc của ông khi mình là một chứng nhân lịch sử quan trọng?
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Những trang nhật ký của tôi viết rất trung thực cho nên không phải ngẫu nhiên mà Thượng tướng AHLLVTND Phạm Thanh Ngân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết rằng “chỉ có nhật ký mới chính xác”, tức là tôi viết rất là đúng những gì diễn ra hàng ngày vì viết cho mình nên mình không ngại gì cả. Viết cả những trận chúng ta đánh thắng oanh liệt, viết cả những trận chúng ta tổn thất rất đau đớn, có ngày mất 3 phi công.
Tôi viết cho mình, trung thực với chính bản thân mình nên không có áp lực gì cả. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa và anh em không quân chúng tôi cũng sẵn sàng nhìn nhận những thành tích đáng ca ngợi của mình cũng như những tổn thất mà mình phải chịu trách nhiệm một cách rất là sòng phẳng, rất là rõ ràng.
Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Đức Soát giao lưu nhân buổi ra mắt sách. |
PV: Đây là cuốn nhật ký về một giai đoạn ác liệt của chiến tranh, lại được ra đời khi chiến tranh đã kết thúc hơn 45 năm. Vậy bức thông điệp ông muốn gửi gắm cho thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau qua cuốn nhật ký này?
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: Tôi muốn nói một điều thế này: Đối với bộ đội không quân, sức mạnh không chỉ là những máy bay được trang bị mà còn là đội ngũ phi công tài ba, quả cảm không ngại hy sinh, đặc biệt là đội ngũ chỉ huy có trách nhiệm, kiên định biết vượt qua khó khăn.
Còn đối với lớp lớp thanh niên sau này thì tôi muốn nói là các bạn có được cuộc sống như ngày hôm nay chúng ta phải trả bằng xương máu của nhiều thế hệ cha ông, là sự hy sinh mất mát, hy sinh của cả dân tộc. Thế nên các bạn cần phải biết trân trọng giá trị cuộc sống đang có hiện nay.
Tôi cũng có một niềm tin vững chắc là nếu như đất nước có gặp những tình huống lâm nguy và khó khăn thì thế hệ trẻ cũng sẽ chiến đấu như chúng tôi đã từng chiến đấu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng.
Theo Thu Hà (vov.vn)
Liên kết website
Ý kiến ()