Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:40 (GMT +7)
Nhiệt điện, công nghiệp chế biến, chế tạo phải tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng
Thứ 3, 21/06/2022 | 13:59:57 [GMT +7] A A
Sáng 21/6, UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo 7 doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện về dự toán thu nộp NSNN năm 2022; làm việc với các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất 5.640MW. Hằng năm, các nhà máy này đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia đạt từ 35-38 tỷ kWh điện, đóng góp cho NSNN trên 1.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước. Năm 2022, Bộ Công Thương giao kế hoạch cho 7 nhà máy phát lên hệ thống lưới điện quốc gia gần 37,4 tỷ kWh điện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các nhà máy nhiệt điện đã báo cáo chi tiết về kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, dự kiến sản lượng điện trong 6 tháng cuối năm, tình hình thu nộp NSNN, những khó khăn trong công tác sản xuất, vận hành… Theo đó, dự kiến hết năm 2022, các nhà máy sản xuất đạt khoảng 36,1 tỷ kWh điện, nộp NSNN tại Quảng Ninh gần 2.000 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các nhà máy nhiệt điện, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Năm 2022, để đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh, 7 nhà máy nhiệt điện phải phát lên hệ thống lưới điện quốc gia đạt trên 38 tỷ kWh điện. Tuy nhiên, nếu các nhà máy chỉ sản xuất đạt gần 36,1 tỷ kWh điện sẽ không đạt so với kế hoạch giao của Bộ Công Thương và giảm mất gần 2 tỷ kWh điện so với mục tiêu tỉnh đặt ra.
Do đó, đồng chí yêu cầu trong tháng 6/2022, các sở, ngành, địa phương liên quan phải hỗ trợ, tháo gỡ xong các khó khăn vướng mắc, hướng dẫn doanh nghiệp trong xác định thuế tài nguyên nước, nhập khẩu máy móc thiết bị, thủ tục thuê đất… Các đơn vị ngành Than phải ưu tiên cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng than. Về phía các nhà máy nhiệt điện phải dồn mọi nguồn lực để sớm khắc phục sự cố các tổ máy, đảm bảo từ nay đến cuối năm, các nhà máy nhiệt điện đều hoàn thành kế hoạch của Bộ Công Thương và tỉnh giao.
Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,63% (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn 14,72% so với kịch bản), chiếm 12% GRDP. Nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng thấp là do một số sản phẩm chủ yếu trong lĩnh vực này chưa có sản phẩm do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện, lắp đặt dây chuyền sản xuất như: Nam châm, vải dệt kim, tấm quang năng…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế; là nền tảng, động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Do đó, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng, hoàn thiện lắp đặt máy móc để sớm tạo ra sản phẩm mới; phải tập trung cho công tác quản trị doanh nghiệp để tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại kịch bản tăng trưởng của từng doanh nghiệp, phải bám sát hoạt động của các doanh nghiệp để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính, hoàn thành các thủ tục pháp lý, sớm đưa các dây chuyền máy móc vào hoạt động, cũng như kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tinh thần là các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải luôn nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất để dứt khoát hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh đã đặt ra trong năm 2022.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()